Đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho kỹ sư xây dựng công trình giao thông: Vấn đề và giải pháp

30/06/2015 06:58

Bài báo bàn về các vấn đề liên quan đến việc đào tạo tiếng Anh chuyên ngành (TACN) cho sinh viên Trường Đại học GTVT đó là thời điểm giảng dạy, trình độ của sinh viên, thiết kế chương trình giảng dạy TACN, phương pháp và tài liệu giảng dạy, kết quả đào tạo và từ đó đề xuất một chương trình giảng dạy cũng như phương pháp giảng dạy và đánh giá TACN mới nhằm cải thiện việc dạy và học TACN của sinh viên Trường Đại học GTVT.

ThS. Nguyễn Thị Hồng Tuyến

  ThS. Phạm Thị Bích Hạnh

  ThS. Bùi Thị Thanh Vân

Trường Đại học Giao thông vận tải

Người phản biện:

PGS. TS. Trần Thị Kim Đăng

 TS. Hoàng Thị Minh Phúc

Tóm tắt: Bài báo bàn về các vấn đề liên quan đến việc đào tạo tiếng Anh chuyên ngành (TACN) cho sinh viên Trường Đại học GTVT đó là thời điểm giảng dạy, trình độ của sinh viên, thiết kế chương trình giảng dạy TACN, phương pháp và tài liệu giảng dạy, kết quả đào tạo và từ đó đề xuất một chương trình giảng dạy cũng như phương pháp giảng dạy và đánh giá TACN mới nhằm cải thiện việc dạy và học TACN của sinh viên Trường Đại học GTVT.

Từ khóa: Tiếng Anh chuyên ngành, sinh viên.

 Abstract: The article discusses the current situation of ESP training to civil engineering students at the University of Transport and Communications (UTC) and identifies problems concerning time of teaching, student levels, ESP syllabus design, teaching materials and methods, and training results. Thereafter recommendations for ESP syllabus design, teaching and assessing methods are put forwards for the improvement of teaching ESP to UTC students specialised in transport construction engineering.

Keywords: ESP, student.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có trình độ tiếng Anh đang là một xu hướng chung của các nhà tuyển dụng. Sinh viên các trường đại học, cao đẳng khi ra trường với vốn tiếng Anh tốt, thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thì rõ ràng cơ hội việc làm và thu nhập sẽ cao hơn. Ý thức được vấn đề này, hầu như tất cả sinh viên đều mang ước mơ sở hữu cho mình vốn kỹ năng tiếng Anh thật tốt để có thể cạnh tranh vào thị trường việc làm sau khi rời ghế nhà trường.

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu đối với sinh viên Khoa Công trình, Trường Đại học GTVT thì phần lớn sinh viên không tự tin vào trình độ tiếng Anh khi ra trường, kể cả tiếng Anh cơ bản (TACB) và TACN. Khi được hỏi về trình độ tiếng Anh của mình, 50% số sinh viên tự đánh giá trình độ tiếng Anh là bình thường, phần lớn thiếu tự tin trong giao tiếp, chỉ có 6% các em tự đánh giá đạt trình độ TACN rất tốt và 15% đạt trình độ khá tốt. Có thể nói, trình độ tiếng Anh của sinh viên Khoa Công trình khi ra trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Chính vì vậy, nhóm tác giá kỳ vọng bài viết này có thể phần nào giải quyết một số vấn đề trong đào tạo tiếng Anh cho sinh viên nói chung và kỹ sư xây dựng công trình giao thông tương lai nói riêng.

1. Thực trạng dạy và học tiếng Anh dành cho kỹ sư xây dựng công trình giao thông tại Trường Đại học GTVT

1.1. Chương trình và thời lượng

Theo khung đào tạo chương trình chung, sinh viên được học tiếng Anh qua hai giai đoạn. Giai đoạn một, sinh viên học TACB theo cuốn giáo trình General English A2 do giáo viên Bộ môn Anh văn, Trường Đại học GTVT biên soạn dựa trên cuốn giáo trình New Cutting Edge - Pre-Intermediate của NXB Longman. Ở giai đoạn này, sinh viên học 3 tín chỉ, tương đương 60 tiết học trên lớp (mỗi tiết 50 phút). Giai đoạn hai, sinh viên tiếp tục học TACN theo cuốn giáo trình English for Civil Engineering do giáo viên Bộ môn Anh văn tự biên soạn cũng với thời lượng 3 tín chỉ, tương đương 60 tiết học trên lớp. Sinh viên học TACB ở học kỳ hai, năm thứ nhất và tiếp tục học TACN ngay sau đó ở học kỳ một năm thứ hai.

Theo kết quả khảo sát thì 83% sinh viên và 80% giảng viên cho rằng chương trình học tiếng Anh hiện tại bao gồm cả chương trình học TACB và TACN hiện chưa phù hợp. Một phần do trình độ của sinh viên không đồng đều, một phần do tài liệu giảng dạy còn có nhiều mặt hạn chế như tài liệu khó, tài liệu không được thiết kế theo định hướng giao tiếp, không có các hoạt động khuyến khích giảng viên và sinh viên sử dụng ngôn ngữ, các kỳ thi cũng nặng về cấu trúc ngữ pháp, không tạo động lực cho sinh viên học ngôn ngữ để sử dụng thực sự.

Ngoài ra, thời lượng và thời điểm học cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả cũng như năng lực tiếng Anh của sinh viên. Phần lớn sinh viên ngành Công trình xuất thân từ nông thôn (87%) nên trình độ tiếng Anh còn hạn chế. Trên thực tế họ lại phải học tiếng Anh từ trình độ tiền trung cấp (Pre-Intermediate) với thời gian học rất ngắn 60 tiết nên trình độ tiếng Anh của họ chưa thực sự đủ để học TACN. Thêm vào đó sinh viên lại học TACN khi họ chưa có kiến thức chuyên ngành; điều đó dẫn đến kết quả đào tạo chưa thực sự như mong muốn.

1.2. Trình độ và thái độ học tập của sinh viên

Theo kết quả kỳ thi phân loại đầu vào đầu năm học 2014 - 2015, chỉ có 332 trên tổng số 2.610 (chiếm 12%) sinh viên đã đạt trình độ A1 (Bậc 1 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam), còn lại 2278 sinh viên là ở trình độ Ao (bắt đầu học). Tuy nhiên, sinh viên vẫn được xếp lớp học cùng với nhau theo một trình độ. Điều đó gây tâm lý chán nản, hay bỏ mặc không muốn học của một bộ phận không nhỏ sinh viên. Sinh viên lên lớp thiếu tập trung, về nhà không dành thời gian học, sau khóa học sinh viên hầu như không cải thiện được khả năng tiếng Anh của mình.

Ngoài ra, sinh viên chưa có nhiều áp lực học tập do chưa áp dụng chuẩn đầu ra. Sinh viên chỉ cần thi qua để hoàn thành chương trình học, họ chưa thực sự quan tâm tới việc ra trường họ có thể sử dụng ngôn ngữ đó được không. Do vậy, việc đào tạo tiếng Anh đạt kết quả rất hạn chế: Có 6% sinh viên được hỏi rất tự tin trong giao tiếp, 15 % cảm thấy tự tin, còn lại phần lớn sinh viên không thể giao tiếp hoặc rất rụt rè trong các hoạt động có sử dụng tiếng Anh (nghe, nói, đọc viết và dịch). Mục đích học tập của sinh viên là để đối phó với kỳ thi hơn là cố gắng để ngày càng cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của mình.

1.3. Phương pháp giảng dạy và học tập

Phương pháp giảng dạy đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong dạy ngoại ngữ. Nhu cầu sử dụng tiếng Anh giai đoạn gần đây chủ yếu nhấn mạnh đến các hoạt động theo định hướng giao tiếp, kể cả TACB hay TACN. Tuy nhiên, do thời lượng ngắn, trình độ sinh viên thấp, ý thức học tập chưa cao, giáo trình TACN được thiết kế theo hướng đọc dịch nên giảng viên chủ yếu tập trung giảng giải các vấn đề ngữ pháp, đọc dịch phục vụ cho thi cử mà không chú trọng đến thực hành các hoạt động giao tiếp như: Viết email, viết báo cáo, làm việc theo nhóm, làm việc theo cặp hoặc lên thuyết trình về một vấn đề nào đó. Kết quả là phần lớn sinh viên sắp ra trường (Khóa 52) được hỏi đều cảm thấy thiếu tự tin trong các hoạt động, nghe, nói, viết (78%) và cảm thấy tự tin hơn trong hoạt động đọc và dịch các tài liệu chuyên môn (54%).

Song song với phương pháp giảng dạy của các thầy cô, việc học tập của sinh viên cũng đóng vai trò quan trọng. Theo như nội dung chương trình đào tạo, nếu một sinh viên học một giờ trên lớp thì sinh viên đó phải dành hai giờ tương ứng học ở nhà. Như vậy, hoạt động học tập của sinh viên không chỉ được tiến hành trên lớp mà hoạt động tự học đặc biệt đóng vai trò quan trọng. Sinh viên có thể lựa chọn nhiều hoạt động đa dạng như: Làm bài tập được giao, làm thêm bài tập trong sách tham khảo, trên mạng, học theo cặp, nhóm, tham gia vào các câu lạc bộ tiếng Anh hay tham gia vào các diễn đàn ngôn ngữ. 

Thực tế cho thấy, mục đích học của sinh viên chủ yếu là để thi đạt, chính vì vậy hầu như họ không dành thời gian học tập, không tìm tòi sáng tạo, không cố gắng tìm ra các phương pháp học tập hiệu quả mà chỉ cố gắng tìm cách học để có thể thi đỗ. Họ luôn học theo thế bị động, phụ thuộc và không có động lực thực sự. Khi sinh viên đã thi qua môn ngoại ngữ là hầu như không dành thời gian để học nữa. Như vậy, phương pháp dạy và học hiện tại chủ yếu phục vụ cho kỳ thi mà chưa thực sự phục vụ cho mục đích sử dụng ngôn ngữ cho công việc sau này. Đó là thực tế cần phải thay đổi để đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

1.4. Kết quả đào tạo

Theo thống kê kết quả thi môn TACN học kỳ II năm học 2013 - 2014, có 483/910 sinh viên thi đạt lần 1 từ 5 điểm trở lên (53%). Tuy nhiên, khi được hỏi về mức độ tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh thì chỉ có 22% có khả năng giao tiếp, 54% có khả năng đọc, dịch tài liệu Anh - Việt. Từ kết quả đó chúng ta thấy rằng, khoảng một nửa sinh viên khi ra trường có khả năng đọc và dịch tài liệu, nhưng chỉ có khoảng 1/5 trong số họ có thể sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp có ý nghĩa. Đây chính là kết quả của phương pháp dạy và học tiếng Anh truyền thống tập trung vào dạy ngữ pháp, đọc và dịch.

Từ yêu cầu khách quan của xã hội và khả năng của sinh viên, chúng tôi nhận thấy cần phải cải cách chương trình đào tạo, khuyến khích sinh viên quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên khi ra trường.

2. Đề xuất cải tiến chương trình đào tạo TACN xây dựng công trình giao thông

Chương trình TACN xây dựng công trình giao thông được thiết kế hướng tới những mục tiêu chung sau:

- Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp, tổ chức dạy và học ngoại ngữ;

- Xây dựng chương trình và đổi mới giáo trình nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên, giúp sinh viên ra trường có khả năng giao tiếp một cách độc lập và tự tin trong môi trường làm việc;

- Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp, tổ chức giảng dạy và học tập ngoại ngữ một cách chủ động và tích cực cho sinh viên, giúp sinh viên có năng lực tự học ngoại ngữ.

- Tiếp tục xây dựng, đổi mới và tăng cường ngân hàng câu hỏi đề thi theo định hướng giao tiếp, tập trung vào bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết.

2.1. Đào tạo TACN sau khi sinh viên đã đạt chuẩn ngoại ngữ

Trường Đại học GTVT thực hiện chuẩn hóa ngoại ngữ cho sinh viên bắt đầu từ khóa 55 (năm học 2014 - 2015). Theo Đề án Chuẩn hóa ngoại ngữ của trường, sinh viên sẽ học ngoại ngữ tăng cường A1 và A2 (bậc 1 và bậc 2) vào 2 năm đầu. Học phần B1 (bậc 3) sẽ được học vào năm thứ 3 sau khi vượt qua được A2. Đầu năm học thứ 4, sinh viên được học TACN sau khi đã đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 và đã học các môn cơ sở và chuyên ngành. Điều này là rất hợp lý vì sinh viên được học ngoại ngữ liên tục từ năm thứ nhất đến năm thứ tư nên trình độ ngoại ngữ tăng dần. Học phần cuối là TACN, chuẩn bị hành trang cho sinh viên bước vào thị trường công việc hoặc đi du học. Thực tế này đã khác nhiều so với trước đây: Sinh viên học TACB vào năm thứ nhất và TACN vào năm thứ 2 khi trình độ ngoại ngữ gần như không có gì, sau đó sinh viên không hề được học ngoại ngữ ở trường cho đến tận khi ra trường.

2.2. Thiết kế chương trình dạy TACN xây dựng công trình giao thông theo định hướng giao tiếp

2.2.1. Mục đích của chương trình giảng dạy TACN xây dựng công trình giao thông 

Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu tháng 11/2014, có tới 77,4% sinh viên mong muốn được học các kỹ năng nói, nghe, đọc, viết, dịch ở học phần TACN. Họ cho rằng bài giảng hiện nay chỉ tập trung vào đọc, dịch và ngữ pháp nhưng chưa tạo điều kiện thực hành các kỹ năng giao tiếp. Vậy, mục đích của bài giảng mới là:

- Cung cấp cho sinh viên từ vựng về một số chủ đề cơ bản trong chuyên môn của mình và phương pháp học từ vựng;

- Giúp sinh viên biết được sau này ra trường mình sẽ phải sử dụng tiếng Anh như thế nào để có định hướng, mục tiêu, phương pháp học tập đúng đắn;

- Tạo cho sinh viên cơ hội sử dụng ngôn ngữ chuyên môn thường xuyên ở 4 kỹ năng: Nói, nghe, đọc, viết và dịch Anh - Việt.

- Hướng dẫn sinh viên dần dần có thể đạt được sự trôi chảy trong giao tiếp và hạn chế mắc lỗi.

- Mục đích cuối cùng là sinh viên có thể sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp thành công trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

2.2.2. Nội dung của chương trình giảng dạy TACN Xây dựng công trình giao thông

Chương trình TACN cho sinh viên Khoa Công trình Trường Đại học GTVT được thiết kế như sau:

b1
 

Bài giảng bao gồm 6 bài (unit), mỗi bài về một chủ đề rộng bao hàm các chủ đề hẹp hơn để sinh viên có thể tiếp xúc với lượng từ vựng cũng như thông tin đa dạng. Mỗi đoạn văn bản không cần thiết phải quá dài để tránh lặp lại thuật ngữ.

Qua khảo sát các kỹ sư xây dựng công trình giao thông và giảng viên thuộc Khoa Công trình Trường Đại học GTVT thì bài giảng TACN có thể sử dụng các chủ đề liên quan đến kỹ thuật xây dựng công trình giao thông sau đây:

Tiêu chuẩn kỹ thuật: Technical specifications

Công nghệ thi công: Construction technologies

Quy trình thiết kế: Design procedure 

Quy trình thi công: Construction procedure  

Kiểm định công trình:  Structure Diagnosis and Evaluation

Kỹ thuật duy tu bảo dưỡng: Maintainence techniques

Xây dựng bền vững: Sustainable construction

Quản lý chất lương: Quality control

Phân loại cầu, đường, hầm: Classification (of highways, bridges, tunnels)

Các bộ phận của cầu, đường, hầm: Components of Highway, Bridges and Tunnels

Nguồn nhân lực và cơ cấu nhân sự: Human Resouces and Labor Organization

An toàn lao động trên công trường: Labour safety on the construction site

Máy móc và thiết bị: Construction machinery

Vật liệu xây dựng: Construction materials

Đấu thầu: Biddings

Hợp đồng: Contracts

Hồ sơ thầu: Bidding documents 

Giám sát thi công: Supervision

Hồ sơ thiết kế: Design documents

Bản vẽ kỹ thuật: Technical drawings 

Đo đạc và thanh toán: Measurement and payment

Kiểm tra và nghiệm thu: Inspection and approval

Thiết kế lập dự án và thiết kế tổ chức thi công: Preliminary design for feasibility study and construction planning.

Tuy nhiên, đây chỉ là gợi ý để biên soạn vì thời gian học ngắn nên không thể dạy tất cả cho sinh viên được. Thời gian học trên lớp chỉ gồm 60 tiết nên tốt nhất thiết kế tối đa là 6 bài về 6 chủ đề rộng. Ví dụ tiêu đề của đơn vị bài học là: Kỹ thuật xây dựng đường thì nội dung của các hoạt động trong bài đó có thể sẽ về: Phân loại đường (Road classification), kết cấu áo đường (Road pavement structure), Thi công đường (Road construction), Bảo dưỡng đường (Road maintenance)...

Mỗi bài được thiết kế để dạy - học trên lớp 9 tiết (1 tiết là 50 phút) và sinh viên phải tự nghiên cứu học tập ở nhà thêm 20 tiết cho mỗi đơn vị bài học. Mỗi bài gồm có 5 phần: Đọc hiểu (Reading comprehension), Từ vựng (Vocabulary), Bài tập ngôn ngữ (Language focus), Nghe - Nói (Listening and Speaking), Viết (Writing), Dịch (Translation). Tất cả các hoạt động trong mỗi phần đều được thiết kế theo định hướng giao tiếp, giúp cho sinh viên có thể sử dụng tiếng Anh tới mức cao nhất.

2.3. Cải tiến phương pháp giảng dạy và học

Trong nội dung chương trình lần này, chúng tôi đề xuất ngôn ngữ giảng dạy của giảng viên nên phải là tiếng Anh vì trình độ TACB của sinh viên đã được cải thiện rõ rệt (đạt bậc 3 tương đương B1 theo khung tham chiếu châu Âu). Để đạt được điều đó, giảng viên cần thường xuyên sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, cố gắng động viên, khuyến khích sinh viên sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp có ý nghĩa, chịu khó nghe giảng viên và các bạn nói tiếng Anh, biến lớp học thành một môi trường sử dụng ngoại ngữ tốt nhất. Như vậy, tất cả các hướng dẫn của giảng viên phải bằng tiếng Anh. Giảng viên chỉ nên dùng tiếng Việt khi không thể biểu đạt bằng tiếng Anh hoặc sinh viên không thể hiểu được tiếng Anh. Điều này khó có thể xảy ra vì đối với học phần TACN, yêu cầu đối với sinh viên là đã đạt B1 và giảng viên phải đạt C1.

Giáo viên cần thiết kế, phân bố thời gian hợp lý giữa thời lượng truyền đạt kiến thức mới và thời lượng cho sinh viên thực hành; tăng cường thực hành theo nhóm, theo cặp, đóng vai, thảo luận, thuyết trình… nhằm tạo điều kiện cho sinh viên phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, giảm được tâm lý ngại ngùng, tăng tính chủ động, tính hợp tác học tập, làm việc theo đồng đội, tập thể. Nên đa dạng hóa các hoạt động dạy học bằng cách xen kẽ các trò chơi nhằm tạo hứng thú học tập cho người học.

3. Kết luận

Việc đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam trong thời gian gần đây đang có những tiến triển tốt đẹp do nhu cầu của xã hội và những chính sách ưu tiên của Nhà nước, đặc biệt Chính phủ đã phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020, trong đó có quy định chuẩn hóa bậc 3 cho sinh viên đại học và cao đẳng. Vì nhu cầu giao dịch bằng tiếng Anh ngày càng lớn nên các nhà tuyển dụng đang hướng tới tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ có khả năng sử dụng tiếng Anh trong công việc. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội thì các cơ sở đào tạo nói chung và TĐHGTVT nói riêng cũng phải thay đổi chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Hy vọng rằng việc cải tiến Chương trình đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên Khoa Công trình TĐHGTVT sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường, góp phần cho việc phát triển ngành GTVT trên toàn đất nước.

Tài liệu tham khảo

[1]. Broughton, G., Brumfit, C., Flavell, R., Hill, P., Pincas, A. (1978), Teaching English as a Foreign Language, Routledge and Kegan Paul, London.

[2]. Brown, J.D. (1995), The Elements of Language Curriculum, Heinle, Boston.

[3]. Dubin, F., Olshtain, E. (1986), Course Design, Cambridge University Press.

[4]. Dudley- Evan, T., M. Jo St John (1998), Developments in ESP: A multi-disciplinary approach, Cambridge University Press.

[5]. Hughes, A. (1983), The Teacher’s Role in Curriculum Design, Oxford University Press.

[6]. Hutchinson, T., Waters, A. (1987), English for Specific Purposes: A learning-centered approach, Cambridge University Press, Cambridge.

Ý kiến của bạn

Bình luận