Theo Daily Mail, truyện tình của giáo sư Pradyumna Kumar Mahanandia cùng vợ của mình đã thu hút hơn 113 nghìn lượt “like” và 82 nghìn lượt chia sẻ trên Facebook.
Bức ảnh chụp Pradyumna Kumar Mahanandia cùng vợ mình, bà Charlotte thời còn trẻ. Ảnh: Facebook |
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1975, khi cô sinh viên Charlotte Von Schedvin, 19 tuổi xuất thân từ một gia đình Thụy Điển giàu có đã tới Ấn Độ để gặp một nghệ sĩ vẽ chân dung, đó chính là Pradyumna Kumar Mahanandia, nhân vật chính của câu chuyện.
Mahanandia sinh vào năm 1949 trong một gia đình nghèo khó tại thành phố Dhenkanal, bang Odisha, Ấn Độ. Mặc dù cha mẹ ông không thể chi trả tiền học, nhưng với tài năng và sự kiên trì của mình, Mahanandia đã dành được một suất học bổng vào trường Đại học Nghệ thuật tại New Delhi. Từ đó, Mahanandia được thỏa sức phát triển tài năng của mình và trở thành họa sĩ nổi tiếng.
“Trong quá trình vẽ bức chân dung của Charlotte, Mahanandia đã bị thu hút bởi vẻ đẹp giản dị của bà ấy, và 2 người đã trở thành một cặp sau đó” – Dẫn lời Satyanarayan Patri, người đăng tải câu chuyện trên Facebook.
Sau đó không lâu, cặp đôi đã tiến hành hôn lễ, bỏ qua mọi sự cách biệt về tầng lớp. Tuy nhiên, cho tới năm 1978, Charlotte Von Sledvin phải quay trở về quê nhà. Bà đã đề nghị chồng mình đi cùng, nhưng Mahanandia đã từ chối vì ông muốn hoàn thành việc học của mình.
2 người sau đó vẫn giữ liên lạc với nhau qua thư từ. Cho dù bà Charlotte đã nhiều lần đề nghị chi trả tiền máy bay cho Mahanandia để tới Thụy Điển, nhưng người họa sĩ nghèo vẫn một mực từ chối. Ông nói rằng muốn tự mình tới chỗ vợ mà không phải phụ thuộc vào bà.
Mahanandia đã đạp xe qua 8 quốc gia để đoàn tụ với vợ của mình. Ảnh: Facebook |
Bán hết mọi gia sản trong tay, Mahanandia cũng chỉ đủ tiền mua một chiếc xe đạp cũ. Ông nhanh chóng bước vào chuyến hành trình đi qua 8 quốc gia để tới nơi ở của vợ mình. Từ Ấn Độ, Mahanandia đã đi qua Afghanistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Yugoslavia, Germany và Áo trước khi đặt chân tới Thụy Điển.
Theo người kể chuyện, dọc đường chiếc xe đạp cũ của Mahanandia đã bị hỏng vô số lần. Ông cũng phải sống sót qua nhiều ngày thiếu thức ăn, trước khi nhận được sự trợ giúp từ những người dân địa phương.
40 năm sau, Mahanandia đã trở thành Đại sứ văn hóa Ấn Độ tại Thụy Điển và có cuộc sống hạnh phúc bên bà Charlotte. Ảnh: Facebook |
Chuyến hành trình của Mahanandia kéo dài 4 tháng 3 tuần. Khi tới biên giới Thụy Điển, ông đã bị các nhân viên di trú của nước này chặn đường và tra hỏi. Tuy nhiên, khi biết được câu chuyện của Mahanandia, ai nấy cũng đều bất ngờ và cảm phục trước lòng kiên trì và tình yêu chân thành của ông.
Câu chuyện đã có một kết thúc tốt đẹp khi cha mẹ của bà Charlotte rất vui mừng được chào đón Mahanandia. 40 năm sau, Mahanandia đã trở thành giáo sư và cố vấn trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa, đồng thời cũng là Đại sứ văn hóa Ấn Độ tại Thụy Điển. Ông có một cuộc sống sung túc và hạnh phúc bên cạnh người vợ của mình. Chiếc xe đạp năm xưa vẫn được Mahanandia giữ lại như kỉ vật cho truyện tình đẹp như cổ tích của mình.
Chiếc xe đạp vẫn được ông Mahanandia giữ lại làm kỉ vật. Ảnh: Facebook |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.