Xe đạp Việt lép vế trên sân nhà

Ý kiến phản biện 16/12/2015 09:40

Triển lãm Quốc tế Xe hai bánh lần thứ 4 diễn ra tại SECC, Q.7, TP.HCM thu hút 50 thương hiệu xe đạp và linh kiện nổi tiếng của nhiều nước tham gia, thế nhưng, doanh nghiệp Việt chỉ có vỏn vẹn hai gian hàng. So với các thương hiệu nước ngoài, xe đạp Việt đang bị lép vế ngay chính tại sân nhà.

Nền công nghiệp xe đạp Việt cần học gì ở các nước để phát triển trước khi bị chiếm lĩnh cả thị phần rất nhỏ hiện nay?

Xe đạp Việt lép vế trên sân nhà
Xe đạp với phụ kiện từ cây tre của VieBambooBike

Cuộc đối đầu không cân sức

Theo các số liệu thống kê, trên thị trường Việt Nam hiện nay, các loại xe đạp, xe đạp điện xuất xứ từ Trung Quốc đại lục, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tới 80% thị phần.

Thế mạnh của các thương hiệu nước ngoài là kiểu dáng, màu sắc đa dạng, liên tục cập nhật mẫu mới và giá cả cạnh tranh không thua kém hàng nội. Ở phân khúc cao cấp, các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ (Trek), Pháp (Specialized S), Đức (Mecedes Benz), Nhật Bản, Đài Loan (Giant, Merida, Momentum)… cũng chính thức có mặt tại Việt Nam. Trong khi đó, xe đạp do doanh nghiệp trong nước sản xuất chỉ chiếm 8%, với các thương hiệu như Thống Nhất, Viha, Delta, Hitasa, Martin 107.

Có thể nhìn thấy rõ nhất sự yếu kém của doanh nghiệp xe đạp Việt tại triển lãm lần này. Gần 50 hãng xe từ nước ngoài, trong đó có những hãng xe lần đầu tiên tham gia triển lãm như Jett (Canada), đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng và đầu tư bài bản cho công cuộc quảng bá và xâm nhập thị trường. Tại gian hàng của Jett, khách hàng bị thu hút bởi cách bài trí sáng tạo, bắt mắt và cả đội ngũ tư vấn trẻ trung, nồng nhiệt.

Bên cạnh gian hàng của Jett, thương hiệu xe đạp Asama (Đài Loan) cũng thu hút rất đông khách tham quan. Thương hiệu có tuổi đời 16 năm tại thị trường Việt Nam này đang bán ra khoảng 250 ngàn chiếc xe đạp, xe đạp điện mỗi năm. Đặc biệt hiện nay, để đón đầu các hiệp định thương mại tự do cùng nhu cầu xe đạp thể thao cao cấp đang có chiều hướng gia tăng, công ty này đang có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy mới ở Bình Dương với vốn đầu tư dự kiến 30 triệu đô la Mỹ và sản xuất khoảng 1 triệu chiếc xe đạp xuất đi châu Âu, ông Lưu Xuân Trường - Giám đốc dịch vụ khách hàng Asama chia sẻ. Hiện nay, công ty có một nhà máy tại Việt Nam và một nhà máy tại Campuchia.

Lọt thỏm giữa các gian hàng của các hãng xe nước ngoài là hãng xe Thống Nhất của Việt Nam có tuổi đời hơn 50 năm và VietBambooBike - công ty sản xuất xe đạp từ nguồn nguyên liệu là cây tre Việt, mới thành lập từ năm ngoái.

Với Thống Nhất, mặc dù là thương hiệu xe đạp nổi tiếng từ những năm 60 - 70 nhưng cái tên này hiện nay không còn mấy hấp dẫn khi thị phần của Thống Nhất trên thị trường ngày càng giảm sút. Ông Nguyễn Hữu Sơn – Phó chủ tịch Hiệp hội Ô tô, Xe máy, Xe đạp Việt Nam đồng thời là Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất chia sẻ, mặc dù là một trong những đơn vị có thương hiệu lâu đời song tới nay, xe đạp Thống Nhất không có nhiều lợi thế tại thị trường Việt Nam.

Ông Sơn cho rằng, tâm lý người tiêu dùng sính ngoại chính là lý do khiến các nhà sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh. Tuy nhiên, có thể thấy so với các thương hiệu nước ngoài, doanh nghiệp Việt hiện nay không chỉ kém cạnh tranh về mẫu mã sản phẩm mà còn ở khâu quảng bá thương hiệu.

Ở một khía cạnh khác, VietBambooBike dù khá non trẻ nhưng với ý tưởng và sản phẩm độc đáo, hướng tới thiên nhiên, đã thu hút rất đông khách đến xem và thử sản phẩm. Đại diện VietBambooBike cho biết, hiện công ty đã xuất lô hàng đầu tiên (50 chiếc) sang thị trường châu Âu, Úc và sắp tới sẽ ra mắt tại thị trường Việt Nam.

Xe đạp Việt có lật ngược được thế cờ?

Từ năm 2007, Bộ Công thương đã có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp xe hai bánh tại Việt Nam giai đoạn 2006 - 2015. Thế nhưng, cho tới nay, Bộ vẫn chưa đưa ra hướng đi cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiện nay, các nhà máy sản xuất xe đạp trong nước tại nhiều tỉnh thành đã giải thể, chỉ còn vài đơn vị đang hoạt động, chủ yếu là sản xuất theo đơn đặt hàng.

Theo ông Sơn, Thống Nhất giờ chỉ sản xuất được một số phụ tùng dẫn tới tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm không cao. Một số phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thậm chí, hãng chọn phân phối các thương hiệu xe đạp nổi tiếng nước ngoài để tồn tại trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường. Ngoài ra, công ty sản xuất xe đạp theo đơn hàng của các thương hiệu khác. Bản thân Thống Nhất cũng đang là đơn vị phân phối xe thể thao của một nhà sản xuất nước ngoài.

Trong khuôn khổ triển lãm, Đại hội lần thứ nhất Liên minh xe hai bánh châu Á diễn ra ngày 2/12/2015. Đại diện các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền công nghiệp xe đạp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã chia sẻ kinh nghiệm về quá trình xây dựng văn hóa đi xe đạp để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp xe hai bánh tại các nước này.

Có thể thấy, chính phủ các nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững trong ngành công nghiệp xe đạp.

Đại diện phía Hàn Quốc cho biết, từ năm 2010, chính phủ nước này đã chi 900 triệu USD để xây dựng một hệ thống đường dành riêng cho người đi xe đạp dọc bốn con sông chính khắp Hàn Quốc. Việc làm này đã giúp thay đổi nhận thức của người dân về văn hóa xe đạp. Từ một phương tiện di chuyển, xe đạp đã trở thành công cụ để tăng cường sức khỏe, tận hưởng cuộc sống.

Các động thái của chính phủ không chỉ giúp thị trường xe đạp thể thao cao cấp tại Hàn Quốc tăng trưởng bình quân 7% mỗi năm mà còn phát triển văn hóa, du lịch và các ngành sản xuất phụ kiện hỗ trợ cho các chuyến du lịch bằng xe đạp.

Tại Đài Loan, chính quyền đã chi 2 tỷ Đài tệ để xây dựng con đường xe đạp dài 4.000km. Với những chiến dịch quảng bá bài bản về việc xây dựng lối sống mới, cổ vũ doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại, Đài Loan đã xây dựng thành công nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp nước này như Giant, KMC, Meria… để phát triển tại thị trường trong nước và nước ngoài.

Theo dự đoán của các chuyên gia trong ngành, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều thương hiệu xe đạp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, thậm chí, sẽ có một vài dự án lớn đầu tư xây dựng thương hiệu, mạng lưới phân phối khắp các tỉnh thành Việt Nam.

Không chỉ vậy, các hãng sản xuất cũng chiếm lĩnh thị trường bằng việc tung ra thị trường các sản phẩm linh kiện, phụ kiện thay thế, đồ chơi xe đạp, các thiết bị đi kèm khác.

Trong cuộc cạnh tranh đã và đang diễn ra, doanh nghiệp xe đạp Việt đang ở thế yếu và rất cần hướng đi cụ thể từ các nhà hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, một chiến dịch xây dựng văn hóa xe đạp bài bản, hiệu quả đề cao nhận thức người dân, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững là việc chính phủ cần làm hiện nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận