Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: Lê Tiên |
Duy trì tốc độ tăng trưởng cao
Năm 2019, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã xếp Việt Nam ở vị trí 67 trên tổng số 141 nền kinh tế thế giới, mức tăng 10 bậc và 3,5 điểm của Việt Nam là nhiều nhất (về điểm số) và cũng là duy nhất trên thế giới.
Từ nền tảng hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, lĩnh vực vận tải có được động lực rất lớn để liên tục bứt phá. Theo thống kê của Bộ GTVT, khối lượng vận tải hành khách toàn ngành đã tăng từ 821,8 triệu lượt hành khách năm 2001 lên 2.201,3 triệu hành khách năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,6%/năm và lượng luân chuyển hành khách tăng từ 35.624,2 triệu lượt HK.km năm 2001 lên 98.079 triệu lượt HK.km năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân là 11,9%/năm. Khối lượng vận tải hàng hóa đã tăng từ 254,7 triệu tấn năm 2001 lên 826,3 triệu tấn năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,0%/năm và lượng luân chuyển hàng hàng hóa đã tăng từ 63.164,4 triệu T.km năm 2001 lên 218.787,7 triệu T.km năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,8%/năm.
Giai đoạn từ 2010 đến quý II/2020, sản lượng vận tải luôn đạt và vượt mức kế hoạch đề ra; đặc biệt từ năm 2015, vận tải hàng hóa có tốc độ tăng trưởng bình quân 10,74%/năm về khối lượng vận chuyển và 8,24%/năm về khối lượng luân chuyển. Vận tải hành khách có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,06%/năm về khối lượng vận chuyển và 10,56% về khối lượng luân chuyển. Tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.
Các dịch vụ vận tải đã và đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Chưa bao giờ người dân lại đi lại dễ dàng và thuận tiện như hiện nay nay với nhiều tuyến vận tải đường bộ đi khắp nơi, tới mọi “hang cùng, ngõ hẻm” với nhiều loại ô tô hiện đại, phục vụ nhiều tiện nghi như điều hoà, tivi...; tàu hỏa Bắc - Nam ngày càng nhiều chuyến hơn; hàng không Việt Nam ngày càng có thêm nhiều máy bay đời mới, hiện đại như Boeing B767, B777, Airbus A321... đưa vào khai thác, cả tuyến bay trong nước và quốc tế. Các đội tàu biển, tàu sông của Việt Nam cũng vươn tới nhiều điểm đến trên toàn thế giới. Chất lượng các dịch vụ vận tải cũng ngày càng được nâng cao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; vận tải container có bước phát triển mạnh; vận tải đa phương thức được hình thành và nhanh chóng phát triển mạnh mẽ; vận tải hành khách công cộng tại các thành phố...
Logistics - “mũi nhọn” chiến lược
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, các loại hình vận tải hiện cần tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở quy hoạch phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biết chú trọng nâng cao năng lực của các doanh nghiệp đường sắt, đường thủy nội địa.
“Chúng ta cần có chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển lớn chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ để cung cấp các dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ logistics trọn gói”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Trước những thách thức trong thập kỷ phát triển mới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GTVT là tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành vận tải; tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đưa chi phí vận tải hàng hóa xuống còn khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm quốc nội, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống tương đương khoảng 15% GDP.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.