Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa Xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 như nhận định của Đảng ta là một sự kiện quan trọng có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc, làm nức lòng bạn bè và nhân dân tiến bộ khắp năm châu bốn biển. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ IV cũng chỉ rõ: “Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đế quốc đầu sỏ chĩa vào các lực lượng cách mạng kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đẩy lùi trận địa của chủ nghĩa đế quốc, mở rộng trận địa của CNXH, phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, làm yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của các trào lưu cách mạng thời đại, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên khắp trái đất đang đấu tranh vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH”.
Vì miền Nam ruột thịt, vì ngày mai Bắc - Nam sum họp một nhà, hàng ngày, hàng giờ, mỗi chiến công của đồng bào miền Nam đều có sự chi viện về “tinh thần và lực lượng” của đồng bào miền Bắc và ngược lại, mỗi thành tích trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu của đồng bào miền Bắc đều có phần đóng góp của đồng bào miền Nam. Về tình Bắc - Nam ruột thịt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: “Trái tim của tôi và của 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam..., không một giờ, một phút nào không nhớ đến đồng bào ruột thịt ở miền Nam đang chiến đấu anh dũng chống bọn Mỹ - Diệm để cứu nước cứu nhà”. Đồng thời, trong mỗi bức thư, trong mỗi bài phát biểu, trong những lời nhắn nhủ mỗi năm nhân dịp xuân về, bao giờ Người cũng đều dành phần chúc miền Bắc thi đua yêu nước, ra sức xây dựng CNXH, để ủng hộ miền Nam, làm cơ sở, hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Bắc - Nam sum họp một nhà, nhu cầu đi lại/giao thương giữa hai miền của Tổ quốc thống nhất tăng lên đáng kể, chính vì vậy, việc khôi phục hệ thống đường sắt sau chiến tranh được xem là nhiệm vụ hết sức cấp bách. Đúng vào ngày 13/12/1976, tuyến đường sắt Bắc Nam - còn được gọi là tuyến đường sắt Thống Nhất - chính thức được khánh thành, với sự kiện chuyến hàng từ TP. Hồ Chí Minh đã ra đến Thủ đô Hà Nội và ngược lại, chuyến tàu chở apatit phục vụ nông nghiệp từ Lào Cai cũng đã lên đường vào tới thành phố mang tên Bác.
Về đường bộ, sau 40 năm non sông liền một dải, con đường huyết mạch là QL1A từ chỗ cách trở đò giang, đèo núi giờ đây đã thông suốt từ Mục Nam Quan cho đến Cà Mau. Những bến phà/bến bắc một thời như: Bến phà Bến Thủy, bến phà Gianh, bến phà Quán Hàu, bến Bắc Mỹ Thuận, bến Bắc Cần Thơ và cuối cùng là bến phà Đầm Cùng… đã kết thúc nhiệm vụ lịch sử và được thay thế bằng những cây cầu.
Các con đèo ngoạn mục vẫn còn hấp dẫn nhiều du khách thích cảm giác mạnh, nhưng giao thông ra Bắc vào Nam giờ đây chủ yếu là qua các hầm đường bộ như hầm đường bộ Hải Vân dài nhất Đông Nam Á và hầm đường bộ Đèo Ngang đã hoàn thành, sắp tới đây là hầm đường bộ Đèo Cả, hầm đường bộ Phú Gia, hầm đường bộ Phước Tượng và trong tương lai không xa sẽ là hầm đường bộ Cù Mông.
Ngoài ra, nối liền hai miền Nam - Bắc ngày nay còn có đường cao tốc Bắc - Nam chạy gần như song song với QL1A nối Hà Nội và Cần Thơ dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020; còn có đường Hồ Chí Minh chạy qua vùng núi phía Tây của nước ta nối Pác Bó (Cao Bằng) và Đất Mũi (Cà Mau) cũng dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020…
Về đường hàng không, ngay sau ngày đất nước thống nhất đã có nhiều chuyến bay nối liền Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, chủ yếu là các chuyên cơ và máy bay quân sự.
Còn về đường hàng hải nối liền hai miền Nam Bắc vừa sum họp một nhà, không thể không kể đến con tàu mang tên Sông Hương xuất phát từ cảng Hòn Gai chiều ngày 10/5/1975, ngày 11/5 vượt qua bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng, chiều 12/5 đến Vũng Tàu và đến sáng 13/5 đã cập bến Nhà Rồng, đưa 541 người con miền Nam trở về quê hương sau hơn 20 năm chuyển quân tập kết ra miền Bắc. Từ cuối năm 2007 đến nay đã mở được tuyến đường cao tốc Bắc - Nam trên biển chở khách và hàng hóa, xuất phát từ Cảng Hòn Gai đến Cảng Nhà Rồng sau khoảng 48 giờ chạy tàu - trên đường đi tàu sẽ ghé qua Cảng Chân Mây và dừng ở đây để du khách có thể tham quan Cố đô Huế và phố cổ Hội An.
dinh độc lập ngày giải phóng 30/04/1975 |
Giao thông Bắc - Nam sau 40 năm đất nước thống nhất chưa phải đã hoàn hảo, thậm chí đang còn rất nhiều việc phải làm nhưng rõ ràng đã góp phần “nối vòng tay lớn” (chữ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) giữa mấy mươi triệu đồng bào cùng đi chung trên một dòng lịch sử.
Chiến thắng 30/4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Suốt 30 năm kể từ ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cả dân tộc kiên cường chiến đấu hy sinh để đi tới thắng lợi trọn vẹn “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, “Bắc Nam sum họp”…
Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hòa bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc. Vì cuộc sống hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ mà cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến 30 năm. Vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam càng quý trọng những ngày tháng hôm nay, càng trân trọng những thành quả có được sau 30 năm đất nước đổi mới trong bối cảnh đất nước hòa bình, xã hội ổn định.
Tinh thần chiến thắng 30/4 đang cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Ý chí quyết chiến quyết thắng thôi thúc chúng ta không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển. Tính sáng tạo, táo bạo, bất ngờ, tranh thủ thời cơ giúp chúng ta biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế, vượt lên khó khăn, ổn định nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay… Và nữa, bài học từ phát huy sức mạnh hòa hợp và đoàn kết toàn dân tộc mách bảo chúng ta tiếp tục có những chính sách khuyến khích hiền tài, khơi nguồn lực của toàn xã hội, chăm lo tốt hơn nữa những vấn đề an sinh xã hội… .
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.