Đầu tháng 8/2017 sẽ mời thầu dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 11/07/2017 05:25

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với các đơn vị để thúc đẩy dự án tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ

IMG_1358
Tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương sẽ kết nối với tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ trong tương lai

Ngày 10/7, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng đoàn công tác của Bộ GTVT đã đi kiểm tra tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Theo báo cáo của Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM). Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư là 9.668,529 tỷ đồng (trước đây là 14.678 tỷ đồng), được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.  Tổng chiều dài tuyến chính là 51,1km. Có điểm đầu tại Nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương) và điểm cuối tại nút giao với QL30.

Dự án được triển khai từ năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào Quý II năm 2020. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án đó là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Hiện toàn tuyến có chiều dài 51,48km được chia làm 33 gói thầu. Tổng diện tích đất bồi thường khoảng 458ha, và có khoảng 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tổng kinh phí bồi thường khoảng 1793,4 tỷ đồng.

Đến nay đã bàn giao cọc GPMB của 32/33 gói thầu (49,62/51,48km). Còn lại 1 gói thầu đoạn Rạch Miễu – Cổ Cò (1,85km) Công ty BOT đang thực hiện các công tác phê duyệt thiết kế cắm cọc mốc GPMB. Ngoài ra còn 2 gói thầu khác phải điều chỉnh lại cọc GPMB do thay đổi phương án thiết kế nút giao Thân Cửu Nghĩa, nút giao An Thái Trung. Hiện nay tư vấn thiết kế đang hoàn thiện hồ sơ cắm cọc GPMB để trình duyệt.

botruonggtvt
 Tân TGĐ CIPM Trần Văn Thi báo cáo toàn cảnh dự án với Bộ trưởng   

Chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, cao tốc Trung Lương - Cần Thơ là tuyến giao thông quan trọng của của khu vực ĐBSCL, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giảm giảm áp lực cho tuyến QL1. Đồng thời dự án cũng là điểm kết nối giữa vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các bên liên quan cần triển khai nhanh các phần còn lại của các dự án. Đặc biệt trong quá trình thi công xây dựng cần lưu ý đến vấn đề biến đổi khí hậu và nền đất yếu của khu vực ĐBSCL để tránh tình trạng sụt, lún nền đường…Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng cần được triển khai đồng bộ để đảm bảo thi công suốt tuyến.

Đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, có tổng mức đầu tư hơn 6.384 tỷ đồng theo hình thức BOT, đã được phê duyệt đề xuất dự án năm 2016. Hiện đang triển khai công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Đến đầu tháng 8 /2017 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, dự kiến triển khai thi công bắt đầu từ quý 3/2018 và hoàn thành quý 3/2021. 

Được biết, hiện dự án xây dựng tuyến Vành Đai 3 bao quanh khu vực Tp.HCM nối Long An, Bình Dương, Đồng Nai cũng đang được triển khai. Dự án đường Vành đai 3 này sẽ kết nối giữa các tuyến giao thông xuyên tâm như như QL13, QL22, đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, đường cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây nhằm giảm áp lực giao thông đi xuyên qua trung tâm Tp.HCM.  

Khi đưa vào sử dụng, dự án sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông tại trung tâm Tp.HCM bằng cách từng bước chuyển hướng các phương tiện tải trọng lớn sang đường Vành đai. Do đó tuyến đường sẽ thúc đẩy phát triển kinh kế - xã hội các khu vực xung quanh tuyến đường này.  

Như vậy, việc đầu tư xây dựng các đoạn 3 và đoạn 4 thuộc đường Vành đai 3 là cần thiết và cấp bách nhằm khép kín đường Vành đai 3 đoạn 1, đoạn 2 và cao tốc Bến Lức-Long Thành đã và đang được đầu tư xây dựng. Khi hoàn thành, tuyến đường Vành đai 3 sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu giao thông của khu vực và kích thích phát triển kinh tế - xã hội cho Tp.HCM, Đông Nam Bộ. 

Ý kiến của bạn

Bình luận