Đầu tư hàng loạt tuyến cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đầu tư - Hạ tầng 06/04/2022 15:51

Bộ GTVT đã và đang đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhiều tuyến đường cao tốc.

Thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 1.166km đường cao tốc

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, theo quy hoạch giao thông vận tải và quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ở lĩnh vực đường bộ, hệ thống đường cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài khoảng 1.166km, gồm 3 trục dọc kết nối các tỉnh, thành trong vùng với vùng Đông Nam bộ và ba trục nganh nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.

Cụ thể, các tuyến cao tốc trục dọc gồm: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau) dài khoảng 245km, quy mô 4 - 6 làn xe; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Đức Hòa - Rạch Sỏi) dài khoảng 180km, quy mô 6 làn xe; tuyến cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài khoảng 150km, quy mô 4 làn xe.

 Các tuyến cao tốc trục ngang gồm: Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài khoảng 191km, quy mô 6 làn xe; tuyến cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu dài khoảng 212km, quy mô 4 làn xe; tuyến cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài khoảng 188km, quy mô 4 làn xe.

Đối với hệ thống quốc lộ, Bộ GTVT sẽ tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống quốc lộ chính yếu, đặc biệt ưu tiên một số tuyến quốc lộ kết nối với các địa phương chưa có đường cao tốc, gồm: Quốc lộ N1, QL1, QL50, QL60, QL62, QL30, QL80, QL91, QL63, đường Nam sông Hậu, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, tổng chiều dài khoảng 1.815km. Đồng thời, tuyến đường bộ ven biển dự kiến đi qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang với tổng chiều dài khoảng 788km cũng được đầu tư xây dựng.

Ở lĩnh vực đường thủy nội địa theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT sẽ đầu tư phát triển 13 cụm cảng hàng hóa đảm bảo tổng công suất hàng hóa thông qua ước tính đạt trên 53 triệu tấn/năm, 11 cụm cảng hành khách đảm bảo tổng năng lực thông qua ước tính đạt 31 triệu lượt hành khách/năm.

Đối với lĩnh vực hàng hải, hệ thống cảng biển đến năm 2030 sẽ đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua từ 64 - 80 triệu tấn (hàng container từ 0,6 đến 0,8 triệu TEU); hành khách từ 6,1 - 6,2 triệu lượt khách; đến năm 2050 đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5,5 - 6,1%; hành khách tăng trưởng bình quân từ 1,1 - 1,25%.

Về đường sắt, theo quy hoạch, mạng lưới đường sắt trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 1 tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ chiều dài khoảng 174km, khổ đường 1.435mm. Còn lại, hạ tầng hàng không sẽ đầu tư nâng cấp hàng loạt cảng hàng không, gồm: Phú Quốc, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau,…

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuân chuẩn bị đưa vào khai thác trong cuối tháng 4/2022

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuân chuẩn bị đưa vào khai thác trong cuối tháng 4/2022

Hàng loạt dự án đang thi công, chuẩn bị đầu tư

Trong giai đoạn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, riêng lĩnh vực đường bộ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 109.541 tỷ đồng, gồm: 2 dự án quan trọng quốc gia, 4 dự án nhóm A, 5 dự án nhóm B.

Cụ thể, 2 dự án quan trọng quốc gia gồm: cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; 4 dự án nhóm A, gồm: Cầu Đại Ngãi trên QL60, cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh.

Còn lại, 5 dự án nhóm B, gồm: Dự án nâng cấp, cải tạo QL62 qua tỉnh Long An; dự án nâng cấp QL53 đoạn Long Hồ - Ba Si (Vĩnh Long và Trà Vinh); Dự án nâng cấp, mở rộng đoạn từ Ngã 5 cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui và nâng cấp mặt đường tuyến Nam Sông Hậu, dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa giai đoạn 2021 - 2025 đang chuẩn bị đầu tư 2 dự án tổng vốn đầu tư khoảng 6.063 tỷ đồng, gồm: Dự án phát triển hành lang vận tải thủy và Logistics khu vực phía Nam; Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Còn lại, lĩnh vực hàng hải có một dự án đang được chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là dự án đường kết nối sau các khu bến cảng Trần Đề, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.

Ngoài các dự án chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, hiện nay, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đang triển khai xây dựng 19 dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, gồm: 17 dự án đường bộ, 1 dự án hàng hải và 1 dự án đường thủy nội địa.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, trong 19 dự án này có 6 công trình đã nghiệm thu hoàn thành, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (dài 103,3km, TMĐT: 900 tỷ đồng); Dự án mở rộng một số cầu trên QL1A đoạn Tiền Giang (TMĐT: 199 tỷ đồng); Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (dài 51,2km, TMĐT: 6.355 tỷ đồng); Dự án nâng cấp, cải tạo QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn (dài 43,8km, TMĐT: 1.201,25 tỷ đồng),…

Một dự án vừa khởi công xây dựng là dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre (dài 17,5km, TMĐT: 5.175 tỷ đồng) và 1 dự án chuẩn bị khởi công (dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, dài 14,6km, TMĐT: 912,3 tỷ đồng).

Còn lại, 11 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 33.708 tỷ đồng đang được triển khai thi công sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (dài 23km, TMĐT: 4.826 tỷ đồng); Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51,5km, TMĐT: 12.668 tỷ đồng); Cầu Mỹ Thuận 2 (dài 6,6km, TMĐT: 5.003 tỷ đồng); Dự án xây dựng công trình luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (dài 18,6km, TMĐT: 2.596 tỷ đồng); dự án xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 (dài 28,6km, TMĐT: 1.335,6 tỷ đồng),…

Ý kiến của bạn

Bình luận