Bài 1: "Thế giới ngầm" ở trạm trộn bê tông A&P Hoài Đức: Liệu Chủ tịch TP.Hà Nội có biết?
Lâu nay, người dân sống tại chung cư Splendora và người dân xã Lại Yên, huyện Hoài Đức… phải sống chung với tình trạng bụi bặm, xi măng nhả bụi mù mịt từ các các trạm trộn bê tông tươi đóng trên địa bàn. Đặc biệt, nguyên nhân khiến cầu vượt An Khánh, cầu T24, đường gom Đại Lộ Thăng Long và nhiều tuyến đường nội đô liên tục bị cày xới, xuống cấp bởi các xe trộn bê tông, xe tải trọng lớn chính là các trạm trộn bê tông tươi đóng trên địa bàn xã Lại Yên.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí GTVT, hiện nay, trên địa bàn xã Lại Yên có mật độ trạm bê tông dày đặc. Trong số đó, trạm bê tông tươi A&P được mệnh danh là “uy quyền” nhất. Bởi, ai cũng biết rằng, trạm trộn bê tông này hoạt động không phép lâu năm, tuy nhiên lại không gặp phải sự cản trở nào từ phía chính quyền địa phương cũng như hàng loạt các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội.
Trạm trộn bê tông của Công ty CP Bê Tông, Xây dựng A&P trái phép đang thách thức các cơ quan chức năng TP.Hà Nội |
Phản ánh tới Tạp chí GTVT, các hộ dân sinh sống tại khu chung cơ Splendora và hàng trăm hộ dân cụ ngụ tại xã Lại Yên đã “bóc mẽ” hành vi kinh doanh thiếu “đạo đức” vi phạm pháp luật của Công ty cổ phần Bê tông, xây dựng A&P. Cụ thể, kể từ khi đi vào hoạt động cho tới nay, trạm bê tông là thủ phạm khiến môi trường bị ô nhiễm, phát sinh bệnh tật và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.
Hơn nữa, kể từ khi có sự tồn tại của trạm trộn bê tông này, các tuyến đường liên xã Lại Yên chưa bao giờ được bình yên. Ngày nắng thì bụi bay mù mịt, ngày mưa thì ngập ngụa bùn đất, giao thông đi lại khó khăn. Các tuyến đường chính và hệ thống cầu, cống dẫn vào xã Lại Yên vì thế mà xuống cấp nhanh chóng vì xe quá tải “hoành hành”.
Theo quy định, việc thành lập các trạm trộn bê tông dịch vụ (cung cấp bê tông cho công trình xây dựng) phải đặt cách xa khu dân cư và bảo đảm những điều kiện nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường; hệ thống đường vào, đường ra riêng biệt không đi chung với đường giao thông…
Các tuyến đường chính và hệ thống cầu, cống dẫn vào xã Lại Yên xuống cấp nhanh chóng vì xe quá tải “hoành hành”. |
Tuy nhiên, trên thực tế, trạm trộn của Công ty CP Bê Tông, Xây dựng A&P thì ngược lại, trạm này được đặt ngay sát khu dân cư xã Lại Yên và gần chung cư Splendora, nơi có hàng trăm hộ gia đình đang sinh sống tại đây.
Anh Vũ Văn Hùng (28 tuổi, xã Lại Yên, Hoài Đức) than vãn: “Khổ lắm nhà báo ạ! Để đối phó với tình trạng ô nhiễm và bụi bặm do trạm bê tông A&P gây ra, ngày nào nhà tôi cũng đóng chặt cửa từ sáng sớm cho tới đêm muộn. Cứ tưởng rằng làm như thế sẽ hạn chế được bụi và khí thải độc hại, nhưng cũng chẳng ích gì. Nhà có 2 đứa trẻ con, hiện giờ đứa thì ho, đứa thì viêm phổi. Rõ khổ! Không biết bao giờ cái trạm trộn này mới di chuyển được để trả lại bầu không khí trong lành cho chúng tôi?”.
Còn chị Nguyễn Thị Mai ( 38 tuổi, xã Lại Yên) nước mắt dài lê thê, nức nở cho biết: “bao đời nay, hàng nghìn nhân khẩu trong xã này sống được là nhờ vào nguồn nước giếng khoan sâu dưới lòng đất. Trước kia chỉ cần khoản từ 20 - 30m là có nước dùng, nay chúng tôi phải khoan trăm mét mới có sạch để nước. Bởi, các trạm trộn bê tông khoan giếng sâu, đã hút hết nước ngầm, khiến người chúng tôi bị “khát” nước sinh hoạt lắm rồi”.
Ông Lương Xuân An (54 tuổi, khu chung cư Splendora) cho rằng: “Cả một trạm bê tông không phép nằm “chình ình” suốt nhiều năm tháng như thế mà chính quyền huyện Hoài Đức không dẹp bỏ được thì quá yếu kém. Để xảy ra việc này cần phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu huyện”.
Tuyến đường dẫn vào xã Lại Yên lúc nào cũng chìm trong khói, bụi và ô nhiễm |
Tại một diễn biến khác, trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty CP Bê Tông, Xây dựng A&P xác nhận: “Hiện tại, trạm trộn của công ty vẫn chưa có đầy đủ những thủ tục pháp lý theo quy định. Sau khi hoạt động, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu phải hoàn tất các thủ tục pháp lý mới được phép hoạt động. Hiện, phía công ty đang tiến hành làm các thủ tục pháp lý cần thiết trong thời gian sớm nhất...”.
Khi được hỏi vì sao cơ quan chức năng yêu cầu phải hoàn tất hồ sơ pháp lý mới được hoạt động, nhưng trạm trộn bê tông của công ty vẫn “phớt lờ”, ngang nhiên vận hành xuốt ngày đêm, thì vị đại diện này đã không trả lời được.
Như vậy là đã rõ, trong quá trình kiểm tra hoạt động của trạm bê tông này, các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức phát hiện Công ty cổ phần Bê tông, Xây dựng A&P không đủ thủ tục pháp lý theo quy định, vậy vì sao không đình chỉ hoạt động của trạm trộn này? Có hay không việc cơ quan chức năng huyện Hoài Đức “chống lưng” “bảo kê” cho hoạt động trái phép này?
Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.