Hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng được Bộ GTVT triển khai thông qua Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1 áp dụng cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Dự án được Bộ GTVT phê duyệt ngày 14/12/2015 tại Quyết định số 4390/QĐ-BGTVT, ký hợp đồng BOO với nhà đầu tư là liên danh TASCO-VETC ngày 20/7/2016. Tổng cục ĐBVN được Bộ GTVT giao chủ trì đôn đốc triển khai thực hiện dự án từ tháng 7/2017.
Ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Tổng cục ĐBVN cho biết, đến nay có tổng số 31 trạm thuộc dự án, tuy nhiên có 4 trạm không triển khai do có 02 trạm chưa xây dựng, 02 trạm thời gian thu còn lại ngắn; 27 trạm đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ; 15 trạm đã vận hành thương mại; 12 trạm đang triển khai lắp đặt, dự kiến vận hành vào đầu năm 2018.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng, đặc biệt là đối với các tuyến cửa ngõ Thủ đô và TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục ĐBVN đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép triển khai đối với các tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình; QL5; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; QL51 Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Yên Lệnh, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Theo lãnh đạo Tổng cục ĐBVN, tiến độ triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng trong thời gian qua chưa đạt được yêu cầu của Bộ GTVT và mong muốn của người dân do một số nguyên nhân như: Nhiều nhà đầu tư dự án BOT chậm ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với nhà đầu tư ETC, điển hình như trạm Cam Thịnh đàm phán 7 lần, trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp đàm phán 5 lần và chỉ mới ký hợp đồng cung cấp dịch vụ trong tháng 12/2017. Có 6 trạm đã được nhà đầu tư BOT tự lắp đặt thiết bị, chưa được quyết toán vào dự án BOT nên việc chuyển giao cho nhà đầu tư ETC triển khai gặp nhiều khó khăn, mất thời gian…
Hiện nay mới chỉ có 01 nhà cung cung cấp dịch vụ ETC nên chưa tạo được sự lựa chọn cho các nhà đầu tư dự án BOT và sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Việc gắn thẻ đầu cuối hiện mới chỉ có khoảng 10% lượng phương tiện nên chưa triển khai đồng bộ, người dân tham gia chưa cao.
Để triển khai đảm bảo tiến độ hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng trong thời gian tới cần thực hiện một số vấn đề sau: Bộ GTVT sớm thẩm định phê duyệt Dự án thu phí tự động không dừng đối với các trạm thu phí thuộc khu vực miền Trung, miền Nam và do Vietinbank tài trợ vốn theo hình thức hợp đồng BOO để tăng thêm nhà cung cấp dịch vụ ETC cho các đơn vị lựa chọn, tạo sự cạnh tranh hơn nữa cho các nhà cung cấp dịch vụ; cần xây dựng và công bố lộ trình gắn thẻ đầu cuối để triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động điện tử không dừng. Để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình gắn thẻ đầu cuối được công bố, kiến nghị Bộ GTVT cho phép xây dựng “Thông tư quy định về việc gắn thẻ đầu cuối về nhận dạng tần số vô tuyến thụ động cho việc giao tiếp không dây”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục ĐBVN, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo Bộ trưởng, việc sớm triển khai thu phí tự động không dừng trong thời gian tới sẽ đảm bảo sự công bằng, muốn làm được điều này phải có thiết bị giám sát để người dân cùng tham gia giám sát hoạt động thu phí, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
“Thu phí thủ công tốn nhiều công sức, mất nhiều thời gian, dư luận xã hội nghi ngờ có sự gian lận, vì vậy cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động không dừng theo đúng lộ trình Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm này thuộc về Tổng cục ĐBVN. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện sớm có thêm nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng để tăng tính cạnh tranh về giá, có sự chọn lựa cho các nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.