Đẩy nhanh tiến độ 8 dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 09/07/2023 09:28

Khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 463 km, tuy nhiên khó khăn lớn nhất là việc thiếu hụt nguồn vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện.

Chiều 8/7 tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc vùng ĐBSCL.

Tham dự Đoàn công tác còn có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, đại diện các Bộ ngành và lãnh đạo 13 tỉnh thành trong khu vực tham dự hội nghị.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các tỉnh ĐBSCL, các Bộ trưởng các Bộ liên quan đã tích cực trong thúc đẩy dự án, tìm nguồn vốn, tìm nguồn vật liệu, xử lý các vấn đề phát sinh trong việc thực hiện các dự án cao tốc trên địa bàn.

Đẩy nhanh 8 dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 463 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng, đến năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác.

Toàn bộ các dự án khu vực ĐBSCL đi qua khu vực địa chất yếu, việc xử lý lún nền đường mất nhiều thời gian, vì vậy, tiến độ các dự án phụ thuộc rất lớn vào tiến độ bàn giao mặt bằng và nguồn vật liệu cát đắp.

Đến nay, phần mặt bằng được bàn giao cơ bản đáp ứng triển khai thi công, tuy nhiên phần còn lại là những hạng mục khó nhất. Phần mặt bằng này đa số là khu vực đất ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật nên mất nhiều thời gian. Nếu không quyết liệt và bàn giao sớm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công và hoàn thành dự án.

Đối với nguồn vật liệu cát đắp, đến nay các dự án đã cơ bản xác định được nguồn cung, nếu không sớm hoàn thành các thủ tục để cung ứng đủ khối lượng cát theo kế hoạch thi công sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành.

Đẩy nhanh 8 dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Nhà thầu thi công nền đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang

Riêng Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, hiện mới có tỉnh Đồng Tháp xác định đủ nguồn cung để cấp cho dự án (tổng cộng 7 triệu m3), các tỉnh An Giang, Vĩnh Long chưa xác định đủ nguồn. Trong đó tỉnh An Giang còn thiếu 5,9 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long còn thiếu 3,2 triệu m3, phục vụ thi công tuyến cao tốc này.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường, Bộ GTVT kiến nghị một số nội dung sau:

UBND thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang sớm làm việc, thống nhất với UBND tỉnh An Giang về phương án, thủ tục giao mỏ cho Nhà thầu; đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan của tỉnh An Giang để sớm hoàn thành các thủ tục khai thác mỏ đảm bảo tiến độ cung cấp cát theo kế hoạch.

Đẩy nhanh 8 dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 3.

Đoàn khảo sát tình hình khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang và Đồng Tháp

Đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau: UBND tỉnh An Giang, Đồng Tháp xem xét để tiếp tục cung cấp cát (An Giang 2,2 triệu m3, Đồng Tháp 0,5 triệu m3) từ các mỏ đang khai thác trong tháng 7/2023.

UBND tỉnh Vĩnh Long sớm chấp thuận giao 02 mỏ theo đề nghị của Sở TN&MT để các nhà thầu triển khai thủ tục trong tháng 7/2023 và ưu tiên giao 3 mỏ còn lại cho các nhà thầu thi công dự án được khai thác, bảo đảm đủ 5 triệu m3.

UBND tỉnh An Giang sớm xem xét có phương án cung cấp phần khối lượng còn lại năm 2024, bảo đảm đủ khối lượng cát cho dự án.

Để đẩy nhanh các dự án còn lại trong khu vực, Bộ GTVT cũng thông tin thêm.

Đối với Dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Bộ KHĐT trong việc cân đối nguồn vốn bổ sung để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu trong tháng 7/2023.

Đối với Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, Bộ GTVT đã chỉ đạo Chủ đầu tư hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 12/7/2023. Đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư trong tháng 7/2023.

UBND các tỉnh, thành phố tập trung giải quyết đứt điểm các vướng mắc để bàn giao phần mặt bằng cho dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau trong tháng 7/2023 và bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước ngày 31/12/2023.

Bốn địa phương cần căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ TN&MT để thực hiện các thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu khai thác, không phát sinh các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để sớm hoàn thiện hệ thống giao thông cao tốc tại khu vực.

Trước hết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng. Thủ tướng chỉ đạo và phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm ngành GTVT, trong đó có các dự án vùng ĐBSCL.

Nghiên cứu phương án sử dụng cát biển làm nguyên vật liệu đắp nền và nghiên cứu các phương án xây dựng cầu cạn cao tốc. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là Bộ GTVT và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trong triển khai các dự án, hoàn thiện các thủ tục quy định.

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án cao tốc giai đoạn trước và phát huy tối đa những kết quả đã đạt được, cần bám sát dự án, quyết liệt trong điều hành, quản lý trong suốt quá trình thực hiện dự án. Đối với các dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III/2023 (chậm nhất trước ngày 31/12/2023).

Ý kiến của bạn

Bình luận