Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài

08/04/2018 06:09

Ngày càng nhiều người nước ngoài sang VN sống và làm việc, mở ra nhiều hơn cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Nhưng để thành công trong nghề này có dễ dàng?

a1_njmw
Chị Kiều Ngân (bìa trái) dạy tiếng Việt cho các học viên người Hàn Quốc. ẢNH: THIÊN HÀ

Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp VN”

Nhiều người nghĩ cứ là người VN thì có thể dễ dàng dạy tiếng Việt cho người đến từ quốc gia khác. Trần Hoàng Phương Anh, 27 tuổi, tốt nghiệp Khoa VN học và tiếng Việt Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, người có hơn 3 năm kinh nghiệm trong công việc này, cho hay không có công việc nào dễ dàng.

Để phục vụ cho công việc của mình, các giáo viên đều phải tham gia khóa học về phương pháp dạy TVCN3 (Tiếng Việt cho người nước ngoài), phải thi và đạt chứng chỉ. Các giáo viên phải dạy cho học viên cách phát âm sao cho tròn vành rõ chữ, đặt câu sao cho hợp lý.

“Người Việt mình vẫn có câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp VN”, công việc của chúng tôi là giải thích rõ cho người nước ngoài về các ngữ pháp tiếng Việt, vì sao cùng một từ, viết giống nhau, phát âm giống nhau mà trong các ngữ cảnh khác lại có ý nghĩa khác nhau”, cô giáo của các học trò đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Hungary… nói.

Theo chị Phương Anh, với các lớp mà học viên lần đầu tiên học tiếng Việt thì biết ngôn ngữ thứ 3 như tiếng Anh là một lợi thế. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giáo viên phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể, hình ảnh để giải thích cho học viên.

Trong khi đó, chị Bùi Thị Kiều Ngân, 29 tuổi, tốt nghiệp ngành marketing nhưng lại bén duyên với công việc dạy tiếng Việt tại TP.HCM hơn một năm nay, cho biết chị rành tiếng Anh nhưng đã rất căng thẳng khi dạy cho một học viên quốc tịch Úc đang là giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM. “Học viên rất khó tính, mỗi buổi học thường hỏi rất nhiều, thắc mắc rất nhiều. Tuy nhiên, theo tôi, một trong những yếu tố để dạy học thành công đó là giáo viên phải tự tin, làm chủ những kiến thức mình đang truyền cho các học trò”, chị Ngân nói.

Không chỉ dạy học cho các giáo viên, chị Ngân từng đứng lớp dạy các trưởng phòng, giám đốc nhiều công ty, tập đoàn lớn, do đó chị thường tìm hiểu trước những kiến thức nền liên quan đến người học, hoặc về lịch sử, địa lý của chính đất nước mình để giải đáp khi học viên thắc mắc. “Chúng tôi cũng tìm hiểu trước về lịch sử, địa lý, văn hóa đất nước của học viên. Sau một thời gian thì kiến thức về Úc hay Hàn Quốc của tôi tăng thêm đáng kể. Ngoài ra, tôi cũng tìm tòi thông tin về công việc mà học sinh tôi đang làm như kế toán, ngân hàng hay đầu bếp… để có thể đưa ra các ví dụ tiếng Việt gần gũi nhất”, chị Ngân chia sẻ kinh nghiệm.

Chị Phạm Thị Kim Chi, 23 tuổi, trú Q.Thủ Đức (TP.HCM), sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chọn dạy tiếng Việt làm công việc bán thời gian. Chị Chi cho hay học sinh của chị từ 7 - 40 tuổi, ai chị cũng dạy cách viết nhật ký bằng tiếng Việt, hoặc mỗi khi rảnh rỗi, chị sẽ nhắn tin, gửi các đoạn ghi âm giọng nói hỏi thăm sức khỏe, thời tiết, nói về thời trang, âm nhạc… “Không chỉ gắn bó hơn với học viên, việc làm này cũng giúp các học viên nghe - nói - đọc - viết tiếng Việt tốt hơn”, chị Chi chia sẻ.

Chị Dương Thị Thu Định, 28 tuổi, ở Q.7, TP.HCM, đang dạy tiếng Việt cho các cán bộ nhân viên Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM, cho hay yếu tố quan trọng nhất để dạy tiếng Việt thành công đó là sự nhiệt tình. “Đừng quan tâm hôm nay bạn đã dạy trò bao nhiêu phút, có thể dạy quá giờ hơn một chút, hoặc dành vài phút cùng trò chuyện bằng tiếng Việt. Sự nhiệt tình của giáo viên sẽ truyền cảm hứng cho các học viên. Tôi cũng khuyến khích các giáo viên tại trung tâm tôi đọc thật nhiều sách, tối thiểu 200 trang mỗi tháng, để tăng kiến thức nền. Một giáo viên làm chủ kho kiến thức phong phú sẽ là giáo viên tự tin nhất”, chị Định nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận