ĐBQH bất ngờ đề nghị tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ

Tác giả: L. Chi

saosaosaosaosao
Vận tải 21/05/2024 09:40

Sáng nay (21/5), thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ, một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của ĐBQH là các quy định về hoạt động vận tải.

Theo ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên), qua nghiên cứu Báo cáo giám sát về chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, hoạt động vận tải đường bộ trong những năm qua đã phát triển mạnh mẽ, đáp ứng trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa với gần 86.000 đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô...

ĐBQH bất ngờ đề nghị tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ- Ảnh 1.

ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) nêu ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ

Đề cập đến khoản 10 Điều 56, dự thảo Luật quy định đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất, Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, việc Ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định.

"Tuy nhiên, điều này lại đang vô tình làm hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến", bà Yên nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu tỉnh Điện Biên, mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi, do đó, sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng "xe dù, bến cóc", nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động.

ĐBQH bất ngờ đề nghị tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu ý kiến thảo luận

Cùng đề cập nội dung này, phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, tại Khoản 10, Điều 56 của dự thảo Luật quy định: Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, bao gồm cả thuê người lái xe.

Do đó, Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị chỉnh lý điều này theo hướng Quy định chỉ có ô tô khách mới thực hiện hợp đồng vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả người lái xe). Còn các loại ô tô chở người không phải là ô tô khách thì chỉ quy định có hợp đồng vận tải bằng giấy hoặc điện tử để tạo sự linh hoạt khi triển khai luật trên thực tế.

Cũng quan tâm đến quy định về vận tải đường bộ, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, theo Điều 56 của dự thảo Luật, thực tế hiện nay phát sinh việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng về bản chất lại kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định (chở khách di chuyển thường xuyên hàng ngày cùng một điểm đi và điểm đến), việc này đã tác động tiêu cực đến việc thực thi pháp luật, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông.

Do đó, ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

ĐBQH bất ngờ đề nghị tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ- Ảnh 3.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông)

Bày tỏ thống nhất với quy định "Đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé không được tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, trừ trường hợp đại lý bán vé được đặt tại bến xe khách" tại khoản 3 Điều 75 của dự thảo Luật (quy định này một phần kế thừa quy định của Bộ GTVT), tuy nhiên, theo Đại biểu Dương Khắc Mai, trong thực tế hiện nay, việc thực thi quy định này chưa thực sự nghiêm minh, vẫn xảy ra việc các đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, mà đặc biệt là đối với những nơi có bến xe cách xa trung tâm. Điều đó đã tạo nên tình trạng giao thông lộn xộn và nguy cơ mất an toàn.

"Ngoài việc quy định một cách rõ ràng tại khoản này thì vấn đề tổ chức thực thi pháp luật phải được đề cao và có các chế tài xử phạt vi phạm nghiêm minh để đảm bảo an toàn, trật tự và đem lại hiệu quả trong thực tiễn", ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu ý kiến.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cũng đề nghị xem xét nghiên cứu điều chỉnh một số quy định của dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp như: các quy định tại Chương IV dự thảo Luật Đường bộ quy định về tổ chức vận tải đường bộ, trong đó có các quy định liên quan đến vận tải hành khách bằng xe ô tô (từ Điều 57 đến Điều 60), vận tải hàng hóa bằng xe ô tô (từ Điều 61 đến Điều 64), vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự (Điều 65), vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ (Điều 66), hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô (Điều 70).

Tuy nhiên, đối chiếu với Chương III dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về phương tiện giao thông đường bộ cho thấy cũng có những nội dung liên quan như: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô vận chuyển hành khách (Điều 45/4), bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non (Điều 465), bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ (Điều 476), bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hành khách, hàng hóa (Điều 487), bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa (Điều 498).

"Tại nhiều điều trong dự thảo Luật Đường bộ có quy định nội dung dẫn chiếu đến việc thực hiện của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, như: khoản 2 Điều 57 hay tại khoản 6 Điều 59; khoản 3 Điều 61; khoản 2 Điều 63; khoản 1 Điều 65; khoản 1 Điều 66… Do đó, đề nghị xem xét, nghiên cứu chuyển nội dung quy định về tổ chức vận tải đường bộ sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo tính thống nhất, thuận lợi cho công tác quản lý, tuyên truyền, tìm hiểu và chấp hành pháp luật, nhất là của người dân và các đơn vị, tổ chức liên quan", đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế cũng đề nghị chuyển nội dung quy định: "Cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải bằng xe ô tô" tại điểm đ khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật Đường bộ sang Điều 8 về cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, thuận lợi khi xây dựng cơ sở dữ liệu.

Ý kiến của bạn

Bình luận