Thứ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Nhật phát biểu chủ trì hội nghị. |
Ngày 10/8, Bộ GTVT phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ họp chuẩn bị tổ chức Hội nghị chuyên đề về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và Logistics vùng Tây Nam bộ giai đoạn trung hạn (giai đoạn 2016-2020).
Vùng Tây Nam Bộ với điều kiện tự nhiên phức tạp, nhiều sông ngòi lớn, địa chất yếu nên suất đầu tư các công trình giao thông cao. Khu vực đã được đầu tư đáng kể để cải thiện kết cấu hạ tầng GTVT, tuy nhiên do xuất phát điểm thấp nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của vùng. Với 4 phương thức vận tải chủ yếu là đường bộ, ĐTNĐ, đường biển và đường hàng không. Trong đó, phương thức vận tải chính là đường bộ và ĐTNĐ hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Hầu hết các tuyến đường trục dọc và ngang đều chưa đạt về cường độ yêu cầu, và tiêu chuẩn đường vào cấp quy hoạch. Các đường trục, hay quốc lộ với kết cấu láng nhựa có E thấp, thậm chí nền, mặt đường và E còn thấp hơn các đường tỉnh đã đầu tư ở các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc; cụ thể tỉnh Trà Vinh chỉ có 10 km đường cấp III, còn lại hầu hết là cấp IV và cấp V có mặt đường láng nhựa với E thấp, và hầu hết các đường kết nối đều phải qua các trạm thu phí đường bộ theo hình thức BOT.
Về hệ thống Logistics, mặc dù vùng có ưu thế nổi trội là có khả năng vận tải hàng hóa số lượng lớn với chi phí thấp, tính an toàn cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên vận tải thủy nội địa vùng Tây Nam Bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, chưa góp phần đắc lực vào việc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh cho nhiều doanh nghiệp trong vùng.
Bên cạnh thuận lợi Logistics của vùng có những tồn tại, bất cập như sự phối hợp giữa 2 phương thức vận tải thủy và bộ còn kém, luồng tuyến giao thông thủy đày đặc nhưng lại không đồng cấp, thiếu hệ thống báo hiệu hay công nghệ định vị hỗ trợ, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa, thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích chủ cảng, chủ tàu, chủ hàng, chưa có các tuyến vận tải ven biển…
Để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống Logistics của toàn vùng trong giai đoạn trung hạn sắp tới, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã thống nhất cùng Bộ GTVT trình Chính phủ quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, ngoài việc tập trung nguồn vốn để hoàn thành các dự án đang được triển khai đầu tư, cần tập trung nguồn vốn để đầu tư các công trình trọng điểm nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và nâng cao năng lực kết nối của vùng.
Dự kiến tổng mức đầu tư mới tại vùng Tây Nam Bộ (giai đoạn 2016 -2020) là 83 dự án phát triển hạ tầng giao thông và Logistics vùng Tây Nam Bộ với số vốn khoảng 125.249 tỷ đồng. Trong đó, đường bộ có 45 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 90.329 tỷ đồng; Hàng không có 4 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 5.187 tỷ đồng. Đặc biệt, vận tải hàng hải với 22 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 18.006 tỷ đồng, và đường thủy nội địa 14 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 11.827 tỷ đồng.
Ông Ngô Công Thức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang kiến nghị chưa xây dựng sân bay An Giang mà nên tập trung nâng cấp, mở rộng QL91. |
Về việc xây dựng sân bay An Giang ông Trần Hữu Hiệp, vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ kiến nghị hiện tại chưa nên triển thực hiện bởi vốn đầu tư dự án sân bay quá lớn, khoảng cách địa lý với sân bay quốc tế Cần Thơ, sân bay Rạch Giá và sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) không xa và đặc biệt đây là nơi gần biên giới Campuchia nên việc cất hạ cánh cùng phải tính toán và cân nhắc. ông Hiệp cho rằng 5 năm tới nên tập trung ưu tiên cho các dự án giao thông đang đầu tư dở dang.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Công Thức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết, chúng ta đã quy hoạch phải có định hướng lâu dài và có liên kết vùng miền, để phát huy hiệu quả vận tải vùng miền ĐBSCL nên nghiên cứu dịch vụ thương mại Thế giới. Sân bay An Giang có suất đầu tư lớn, quỹ đất sân bay ảnh hưởng đến nông nghiệp, vì vậy nên nghiên cứu đầu tư sau năm 2030. Còn hiện tại nên tập trung nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 để đoạn đường từ An Giang đến sân bay quốc tế Cần Thơ được thuận tiện hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, theo nguồn TPCP Bộ Kế hoạch Đầu tư phân cho Bộ GTVT trong 5 năm (2016-2020) là 70 nghìn tỷ đồng/63 tỉnh, thành trên cả nước nên chúng ta phải tính toán để có định hướng đầu tư các dự án hiệu quả. Tất cả các ý kiến, đề xuất của các địa phương Bộ GTVT sẽ ghi nhận và tổng hợp xem xét đưa vào kế hoạch phát triển cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh, phải tính toán để có định hướng đầu tư các dự án hiệu quả. |
Tại hội nghị Thứ trưởng Nhật khẳng định, hiện nay tuyến đường QL1 cơ bản đã hoàn thành đến tỉnh Cà Mau. Dự án Quan Chánh Bố từ ngày 30/4 đã chạy thử tàu 5 nghìn tấn, hết tháng 9/2016 sẽ cho chạy 10 nghìn tấn. Đường Cao tốc đã được Chính phủ duyệt đến năm 2020 chỉ tới Cần Thơ, chúng tôi sẽ cố gắng quyết liệt triển khai và hoàn thành. Về Logistics Bộ GTVT đang giao 2 đơn vị nghiên cứu phát triển cho vùng ĐBSCL cũng đang triển khai dự án vùng Tây Nam Bộ, Ngân hàng Thế giới đã cam kết đầu tư ban đầu để phát triển lĩnh vực này là 3,5 triệu USD (nằm trong dự án WB5).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.