Tàu cập bến tại cảng Vũng Áng (Ảnh: Infonet) |
Ông Nguyễn Duy Linh, Phó giám đốc Công ty CP Cảng Vũng Áng Lào – Việt cho biết: Cảng Vũng Áng nằm là cảng cảng biển đầu mối khu vực, loại I, cho phép tàu biển trọng tải đến 50.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEU. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết của Bộ GTVT, giai đoạn trước năm 2020 khu cảng Vũng Áng có 7 bến, trong đó có 6 bến làm hàng tổng hợp và 1 bến container.
“Các bến số 1, 2 đã đưa vào sử dụng từ tháng 3/2001 và tháng 3/2010. Hiện chúng tôi đang tích cực giải phóng mặt bằng, vùng nước để xây dựng bến số 3, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2019, do Công ty CP Cảng Vũng Áng Lào – Việt làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, các bến 4,5,6 cũng đã được thỏa thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Linh nói.
7 năm chưa góp đủ vốn điều lệ
Vì được đánh giá là khu cảng giàu tiềm năng nên nhiều năm qua, Chính phủ Lào liên tục có văn bản đề nghị Chính phủ Việt Nam cho phép được đầu tư, góp vốn tại Công ty CP cảng Vũng Áng Việt – Lào. Sau khi 2 Chính phủ đạt được thoả thuận, từ tháng 6/2011, Công ty được thành lập theo hình thức công ty cổ phần liên doanh giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Lào, với tổng số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. “Trong đó, giai đoạn 1 các cổ đông góp 235 tỷ đồng, phía Lào đóng góp 47 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn điều lệ). Dự kiến, trong giữa năm 2018, khi đầu tư bến cảng số 3, phía Lào sẽ được tăng vốn điều lệ và đóng góp thêm 53 tỷ đồng, nâng lên thành 100 tỷ đồng”, ông Linh nói.
Trao đổi với TBKTVN, ông Dương Thế Cường, Giám đốc Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào cho biết thêm: Sau 7 năm hoạt động, hiện việc góp vốn điều lệ mới chỉ đạt được 1/3 tổng vốn, vì thế, gây nhiều khó khăn trong việc đầu tư, phát triển hoạt động của Cảng. Tới đây, việc đóng đủ vốn điều lệ cho Cảng Vũng Áng Lào – Việt là rất cần thiết để đầu tư 1 cần cẩu chân đế 45 tấn, kho bãi, các phương tiện, thiết bị xếp dỡ và xây dựng bến cảng số 3.
“Hiện nguồn vốn phía DN Lào tại Cảng Vũng Áng Lào – Việt chiếm 27% cổ phần, tuy nhiên tới đây sẽ tăng khoảng 49%, thậm chí theo Hiệp định ký kết giữa 2 chính phủ Việt Nam – Lào thì nguồn vốn DN Lào có thể tiếp tục được tăng thêm”, ông Cường nói.
Không chỉ tăng vốn cho DN Lào, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Từ tháng 2/2018, theo thống nhất của Thủ tướng Chính phủ hai nước, đã chấp thuận chủ trương đổi tên Công ty CP cảng Vũng Áng Việt - Lào thành Công ty CP cảng Vũng Áng Lào - Việt.
Thiếu bãi hàng cho cảng
Có mặt tại cảng Vũng Áng Lào – Việt vào đầu tháng 5/2018, phóng viên ghi nhận từ đầu năm đến nay, lượng tàu lớn trên 50.000 tấn ra vào tại cảng tăng mạnh. Ông Dương Thế Cường cho biết: Năm 2018, Công ty đặt kế hoạch lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 3 triệu tấn, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 19 tỷ đồng.
“Vì thế, ngay từ Quý I/2018, đơn vị đã cố gắng để hoàn thành mục tiêu trên với một số thành tích đáng ghi nhận, ví dụ như: đón hơn 45 lượt tàu cập cảng (trong đó có nhiều tàu lớn), đạt trên 780.000 tấn hàng, tăng 30% so với cùng thời điểm năm 2017. Doanh thu quý I/2018, Công ty đạt 51,7 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng thời điểm năm ngoái”, ông Cường nói
Còn theo ông Nguyễn Duy Linh, việc có thêm nhiều lượt tàu cập cảng là do Công ty đang phấn đấu mở rộng thị trường, đối tác, đặc biệt khai thác thêm được nguồn hàng mới là quặng các loại nhập từ nước ngoài về Lào. Bên cạnh các nguồn khác như đá vôi, clinker, gỗ dăm, kaly… thì nguồn hàng quặng sang Lào dự báo sẽ rất nhiều tiềm năng và cơ hội mới.
Ông Linh chia sẻ, để giữ chân các bạn hàng khó tính này, Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào phải đầu tư hệ thống xếp dỡ, logistics nhằm phục vụ tốt, tạo niềm tin tuyệt đối với khách hàng để giữ chân các bạn hàng cũ, tìm kiếm bạn hàng mới. Tuy nhiên, ông Linh cũng lo lắng về bãi hàng container của Cảng Vũng Áng Việt – Lào đã được tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cấp đất nhưng vẫn chưa thể triển khai.
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, tiềm năng của cảng Vũng Áng là rất lớn vì nơi đây có độ sâu tốt, thuận tiện cho tàu tải trọng lớn ra vào. Ngoài ra, cảng nằm ngay cạnh Khu Kinh tế Vũng Áng, lại là cửa ngõ ra biển của nước bạn Lào với nhiều tiềm năng hút nguồn hàng phía Lào. Thế nhưng, mô hình và cách làm của Công ty CP cảng Vũng Áng Lào – Việt chưa đạt hiệu quả cao.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ rõ: Hiện cảng Vũng Áng đang nằm trong Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh. Thế nhưng, đơn vị này lại ít kinh nghiệm quản lý cảng nên công tác chỉ đạo điều hành chưa đem lại hiệu quả. Điển hình là cầu cảng số 3 và 4, đã được đầu tư, xây dựng 10 năm nay nhưng không phát huy được năng lực. Vì thế, đề nghị Hà Tĩnh sớm tách cảng Vũng Áng ra khỏi Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh.
“Tách ra để UBND tỉnh trực tiếp quản lý. Từ đó, UBND tỉnh phối hợp với phía cảng và đưa ra nghị quyết riêng về phát triển cảng. Song song với đó, Hà Tĩnh sớm xem xét, tìm kiếm quỹ đất tính đến xây dựng mô hình logistics cảng biển, đặc biệt là kho bãi hàng cho Cảng”, Thứ trưởng Nhật đề xuất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.