Đề nghị Đồng Tháp nâng ngay 50% công suất khai thác mỏ cát phục vụ cao tốc Bắc - Nam

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 03/06/2023 09:13

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho rằng, tỉnh Đồng Tháp chỉ cần nâng ngay 50% công suất khai thác của các mỏ cát đang khai thác dành cho dự án thì sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu vật liệu cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Hôm qua (2/6), Bộ TN&MT phối hợp với Bộ GTVT  làm việc cùng UBND tỉnh Đồng Tháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục khai thác mỏ cung ứng cho cho  dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Dự án khởi công nửa năm nhưng vẫn thiếu cát 

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư), hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, nhu cầu vật liệu của dự án, gồm: Đá các loại khoảng 1,37 triệu m3; đất đắp khoảng 1,7 triệu m3; cát đắp nền khoảng 18,5 triệu m3. 

Tính đến nay, dự án đã được tỉnh Đồng Tháp cấp 0,371 triệu m3 từ nguồn tăng công suất khu mỏ 2A, 2B và giới thiệu 2 mỏ mới (khoảng 1,52 triệu m3) để làm các thủ tục cấp phép khai thác phục vụ thi công. 

Đồng Tháp cần đẩy nhanh việc cấp phép khai thác cát - Ảnh 1.

Thi công trên cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang

Hiện các nhà thầu thi công đã thực hiện tiếp nhận cát, đồng thời triển khai thực hiện thủ tục mở mỏ mới (đang khoan thăm dò). Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp cũng đã đề nghị Bộ TN&MT, Bộ GTVT chỉ đạo cơ quan chuyên môn và đơn vị trực thuộc phối hợp với tỉnh Đồng Tháp để sớm hoàn thành các thủ tục có liên quan, kịp thời cung ứng bổ sung 5,109 triệu m3 cát cho cao tốc cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau trong thời gian tới.  Tuy nhiên, tỉnh chưa xác định cụ thể vị trí mỏ dự kiến để có thể cung ứng 5,109 triệu m3 cho dự án. 

Trước đó, ngày 31/5/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 3926/VPCP-CN gửi UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đề nghị ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau để cung cấp vật liệu cho các dự án. 

Địa phương còn lúng túng thực hiện cơ chế đặc thù khai thác mỏ

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm ghi nhận sự hỗ trợ của tỉnh Đồng Tháp trong việc cung ứng cát cho dự án cao tốc trong thời gian qua. "Tuy nhiên, chúng tôi đang rất sốt ruột trước tình trạng thiếu cát đắp nền cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chia sẻ.

Đồng Tháp cần đẩy nhanh việc cấp phép khai thác cát - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, tại dự án, hiện nay, nhiều đoạn đã được bóc hữu cơ, trải vải địa kỹ thuật nhưng lại không có cát đắp nền, các công đoạn thi công tiếp theo bị gián đoạn. Trước tình hình trên, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị tập trung quyết liệt thi công phần cầu, đào hữu cơ đối với mặt bằng được bàn giao sau. 

Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các cơ chế đặc thù, Bộ TN&MT cũng có hướng dẫn cụ thể theo hướng rất đơn giản về thủ tục, tạo điều kiện hết sức thuận lợi để các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, do đây là lần đầu áp dụng cơ chế đặc thù nên còn lúng túng, việc triển khai các thủ tục còn chưa đáp ứng tiến độ Chính phủ yêu cầu. 

"Cơ chế đặc thù đã bỏ qua rất nhiều bước, nhà thầu chỉ có đăng ký trữ lượng, phương pháp khai thác, thời gian,... đảm bảo các vấn đề bảo vệ môi trường, những việc này hướng dẫn của Bộ TN&MT cũng đã nêu rõ. Tuy nhiên, hiện nay theo như trình tự thủ tục mà tỉnh Đồng Tháp dự thảo để thực hiện việc khai thác lại mất khoảng 100 ngày mới có cát", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nói. 

Đồng Tháp cần đẩy nhanh việc cấp phép khai thác cát - Ảnh 3.

Công đoạn bơm cát vào dự án

Từ đó, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Bộ TN&MT xem xét cho ý kiến về 12 bước  thủ tục khai thác mỏ cát mà tỉnh Đồng Tháp đề xuất, rút ngắn thời gian tối đa để nhà thầu sớm thực hiện việc khai thác cát. Cùng với việc mở các mỏ mới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng đề nghị địa phương xem xét, cấp cho dự án các mỏ cát đã tạm dừng nhưng còn trữ lượng và nâng công suất các mỏ đang khai thác.

Ông Hồ Thanh Phương, Giám đốc Sở TN&MT Đồng Tháp cho biết, hiện nay, địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng cơ chế đặc thù, do đó cần được Trung ương hướng dẫn chi tiết để địa phương thực hiện đồng bộ. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, cho ý kiến về 12 bước (quy trình, thủ tục) khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù.

“Ngoài ra, đối với mỏ cát đã cấp cho 1 đơn vị khai thác, trữ lượng vẫn còn, nay muốn giao lại cho nhà thầu thi công theo cơ chế đặc thù thì thực hiện ra sao? Nếu tiếp tục cấp phép cho đơn vị cũ phối hợp với nhà thầu khai thác cung cấp có phù hợp hay không?”, ông Phương băn khoăn.

Đồng Tháp cần đẩy nhanh việc cấp phép khai thác cát - Ảnh 4.

Khai thác khác trên sông thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp và An Giang

Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đề nghị địa phương thực hiện ngay theo Nghị quyết 133 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản. Đặc biệt là việc nâng 50% công suất các mỏ đang khai thác và cung cấp ngay cho cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025. 

Đối với các mỏ đã tạm dừng và hết hạn, địa phương cần rà soát, phân loại các mỏ để giao cho các nhà thầu của dự án, hoặc cấp phép lại cho đơn vị cũ khai thác trữ lượng còn lại. Với điều kiện ràng buộc là sản phẩm phải cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm và thời gian thực hiện các thủ tục phải ngắn nhất có thể.   

Đối với các mỏ mới, địa phương thực hiện thủ tục xác nhận hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác theo hướng dẫn của Bộ TN&MT. Hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác do nhà thầu nộp chỉ cần có cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.   

"Chúng ta cứ căn cứ vào các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để triển khai thực hiện. Thủ tục Bộ TN&MT hướng dẫn hiện nay đang rất gọn. Tôi tin rằng, chỉ với việc nâng ngay 50% công suất khai thác của các mỏ cát đang khai thác dành cho dự án thì sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu vật liệu cát cho cao tốc", Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định.

Ý kiến của bạn

Bình luận