Đề nghị ưu tiên làm đường sắt nối TP HCM với các tỉnh lân cận

Giao thông 24h 26/07/2017 10:00

Cho rằng kết nối giao thông là yếu tố rất quan trọng để vùng TP HCM phát triển, nhiều đại biểu đề nghị nên ưu tiến đầu tư đường sắt.

 

Đề nghị ưu tiên làm đường sắt nối TP HCM với các t
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hữu Nguyên.

Tại hội nghị Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 chiều 25/7, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói rằng đây là vùng quan trọng nhất cả nước, phải làm sao để khu vực này phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế đang có.

"Vùng này phát triển sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cả nước", ông Dũng nói và đề nghị các tỉnh, thành liên quan đóng góp thêm ý kiến cho việc điều chỉnh lần này.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho rằng nhu cầu giao thông trong khu vực ngày càng lớn. Để kết nối các tỉnh, thành trong vùng TP HCM thì cần ưu tiên đầu tư xây dựng đường sắt để vận chuyển hàng hóa.

Về phía TP HCM, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng Bộ Xây dựng cần chủ trì thảo luận về cơ chế phối hợp nhằm phát triển vùng. Trong đó, đầu tư kết nối giao thông, hạ tầng là một trong những vấn đề cốt lõi. "TP HCM không thể phát triển được nếu tách rời liên kết vùng", ông Phong nhấn mạnh. 

Theo ông Phong, đường sắt TP HCM - Cần Thơ cũng nằm trong quy hoạch tổng thể của vùng. Vừa qua thành phố cùng Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ đã họp bàn và thống nhất giao Sở Giao thông và Vận tải nghiên cứu để báo cáo Bộ GTVT và Chính phủ điều chỉnh quy hoạch. 

Cùng quan điểm, đại diện Bộ Quốc phòng cũng cho rằng trong các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy thì vùng TP HCM cần phải ưu tiên đầu tư phát triển đường sắt để tăng cường khả năng kết nối và vận chuyển hàng hóa.

Ông Lê Tấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng khẳng định nói đến liên kết vùng thì phải có liên kết hạ tầng giao thông hoàn chỉnh. Ông Quốc dẫn chứng nếu phân luồng hàng hoá từ TP HCM về cảng nước sâu Cái Mép ở Vũng Tàu mà giao thông không đáp ứng được thì sẽ rất bất cập.

Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt nhiều câu hỏi cho các bộ ngành. "Chúng ta phải làm rõ lý do vì sao quy hoạch giao thông lại chậm. Nếu không giải đáp được câu hỏi này thì sau này càng chậm nữa", ông Nhân nói.

Theo Bí thư Thành ủy, nếu lý do chính là không đủ tiền, thiếu vốn thì phải xem xét tính lại tỷ trọng xã hội hoá trong các công trình giao thông này. Vùng trọng điểm phía Nam chiếm 9,2% diện tích cả nước, 24% dân số nhưng đóng góp tới 44% ngân sách cả nước. "Phải nhìn lại xem đầu tư để phát triển hạ tầng của vùng trong 8 năm qua so với cả nước như thế nào. Tôi đoán thấp hơn mức bình thường", Bí thư Nhân bày tỏ.

Theo Bí thư Nhân trong quy hoạch hiện nay, các tuyến vành đai quan trọng, giao thông công cộng, giao thông đường thủy, đường sắt cao tốc... đều dựa vào nguồn vốn vay ODA và ngân sách. Nếu vẫn tính theo cách này thì đến 2020 cũng khó hoàn thành được. 

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định bản đồ án đã đưa ra những ý tưởng mới trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quy hoạch của một số thành phố lớn trên thế giới. Tuy nhiên, cách tiếp cận còn thiếu năng động, chưa đối phó được những thách thức trong việc tập trung hoá dân cư về TP HCM.

Trong đó, ông Dũng lưu ý đề án phải làm nổi bật tính chất của TP HCM là thành phố có vai trò vị trí chiến lược không chỉ với cả nước mà còn của khu vực Đông Nam. Đặc biệt, phải phát triển, khai phá tiềm năng của các khu vực cửa ngõ quan trọng về cảng biển, hàng không, kết nối khu vực với quốc tế.

Đồ án Quy hoạch điều chỉnh, vùng TP HCM có phạm vi ranh giới trùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành là TP HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu. Vùng TP HCM có vị trí chiến lược trung tâm vùng Đông Nam Á; giữ vị trí chiến lược về cảng biển trung chuyển quốc tế, cảng hàng không quốc tế; là cầu nối tiểu vùng sông Mekong.

Vùng TP HCM có dân số gần 19 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của quốc gia. Về phát triển kinh tế, vùng TP HCM dự báo đóng góp khoảng 41,8% GDP, hơn 51% kim ngạch xuất khẩu cả nước và gần 60% tổng thu ngân sách quốc gia.

Quy hoạch vùng TP HCM trước đó được phê duyệt năm 2008. Năm 2014, để đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng phù hợp với xu thế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP HCM. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn trong nước là Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam phối hợp với công ty của Đức triển khai.

Ý kiến của bạn

Bình luận