Đường sắt “trải thảm”, nhà đầu tư bắt đầu “để ý”

Thị trường 26/07/2017 05:53

Hệ thống đường sắt nước ta đã quá cũ kỹ và lạc hậu, muốn phát triển phải có cuộc “thay máu” thực sự. Tuy nhiên, đường sắt luôn bị lép vế khi nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư vào Ngành trong suốt thời gian dài quá khiêm tốn so với vai trò và vị trí của nó. Xã hội hóa đường sắt là chủ trương đã có từ lâu song thực hiện nó thế nào, phải làm ra sao thì có lẽ đến bây giờ con đường đó mới thành hình hài và hứa hẹn nhiều thành công.

2.ba150.8.bonphuongtroi
Sự hài lòng của hành khách khi đường sắt đã có nhiều thay đổi

Huy động mọi nguồn lực, tăng kết nối giao thương

Việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt hiện nay là rất cần thiết, ngoài đầu tư từ Nhà nước thì sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân là rất quan trọng. Không ít nhà đầu tư ngoài ngành quan tâm đến lĩnh vực đường sắt song chưa thể đi đến hiệu quả trong hợp tác. Ngành cần phải có cơ chế, chính sách thu hút hấp dẫn và “đủ tầm” thì việc thu hút đầu tư từ phía tư nhân mới có thể thành công.

Chia sẻ với PV Tạp chí GTVT, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) khẳng định, xã hội hóa đường sắt nếu quyết tâm làm, vận dụng linh hoạt các cơ chế ắt sẽ có hiệu quả. Ông Vũ Anh Minh cho biết: “Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ và HĐTV Tổng công ty đã xây dựng và ban hành nghị quyết và các sách lược quan trọng trong giai đoạn tái cơ cấu năng lực sản xuất kinh doanh”.

Đối với lĩnh vực xã hội hóa, Tổng công ty sẽ tập trung vào tái cơ cấu nguồn vốn. Tái cơ cấu nguồn vốn nhà nước được tập trung trực tiếp vào đầu tư cho kết cấu hạ tầng để đảm bảo hoạt động chạy tàu như nhà ga, đường tàu, cầu, hầm… Tổng công ty đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT dành 7.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2017 - 2020 để đầu tư cho hạ tầng đường sắt với mục tiêu là đồng đều tải trọng toàn tuyến và nâng cao năng lực khai thác lên 25 đôi tàu/ngày đêm cũng như nâng lên 25 toa/đoàn tàu. Đây là gói vốn rất cần thiết để khôi phục lại cơ sở hạ tầng đường sắt cũng như nâng cao năng lực thông qua để đến năm 2021 sẽ nâng năng lực thông qua toàn tuyến lên gấp đôi.

Khi hạ tầng được đảm bảo thì vấn đề đặt ra phải có sự kết nối giao thông, kho bãi. ĐSVN đã hợp tác với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (nhà khai thác 50% thị phần container trên cả nước) để đầu tư trước mắt 2 cảng cạn ICD Sóng Thần và Đông Anh theo hình thức xã hội hóa. Theo đó, ĐSVN sẽ thực hiện đầu tư và nâng cấp hệ thống đường sắt trong kho bãi, còn Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng và phương tiện bốc xếp nhằm rút ngắn thời gian xếp dỡ hàng hóa cũng như giảm chi phí khâu này, tăng cường khả năng kết nối giữa vùng hậu phương với kho hàng của đường sắt. Dự án này khi thành công sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho vận tải hàng khối lớn bằng container tuyến Bắc - Nam.

Hiện tại, phương tiện, thiết bị của ĐSVN đã quá cũ kỹ và lạc hậu, vì vậy việc đầu tư, nâng cấp hệ thống đường sắt quốc gia là rất cần thiết. Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua, ĐSVN đã làm việc với một số tổ chức tín dụng để chuẩn bị vốn đầu tư 100 đầu máy mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2018. Trong đó, dự kiến 50 đầu máy sẽ được đấu thầu rồi mua của nước ngoài, còn 50 chiếc sẽ nhập khẩu vật tư và lắp ráp trong nước.

Để thay thế những toa xe hành khách cũ, chất lượng thấp, từ đầu năm 2017 đến nay, Tổng công ty đã đóng mới 02 đoàn tàu và từ nay đến cuối năm sẽ phấn đấu đầu tư tiếp 4 đoàn tàu mới để hành khách được trải nghiệm thú vị hơn trên mỗi hành trình. Theo đà phát triển đó, năm 2018, Tổng công ty dự kiến đầu tư thêm 10 đến 15 đoàn tàu mới, từng bước thay thế các đoàn tàu cũ. Song song với việc đóng mới, Tổng công ty cũng triển khai cải tạo và nâng cấp một số đoàn tàu cũ để nâng cao công năng và chất lượng phục vụ. Theo đó, Tổng công ty sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển của đơn vị cũng như các nguồn vay tín dụng để đầu tư, mua sắm đầu máy và toa xe, mỗi hạng mục khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đối với ngành Đường sắt, công tác bảo dưỡng, bảo trì trang thiết bị rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn triển khai các hạng mục mới đòi hỏi phải ứng dụng khoa học công nghệ. Tổng công ty đang làm việc với một số đối tác nước ngoài nhằm tiếp cận với nguồn vốn ODA để đầu tư máy móc, tăng tỷ lệ thi công bằng máy, đảm bảo chất lượng đường tốt hơn, giảm lao động thủ công. Do đặc thù đường sắt của ta là khổ đường đơn 01m nên gặp nhiều khó khăn trong công tác thi công, nhưng khó đến mấy cũng phải quyết tâm làm bởi để hiện đại hóa toàn Ngành thì phải thay đổi từng khâu, từng việc.

Hành lang pháp lý thuận lợi từ Luật Đường sắt (sửa đổi)

Luật Đường sắt (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, đây là tiền đề, là hành lang pháp lý quan trọng để ngành ĐSVN đổi mới, tăng tốc và phát triển. Luật tạo điều kiện để các nhà ga lớn ngoài phục vụ hành khách, vận hành chạy tàu còn có thể mở rộng đầu tư khu trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê và các chức năng khác. Đây là cơ hội tốt để đường sắt khai thác được tối đa các nguồn lực hiện có trên nguyên tắc an toàn và hiệu quả.

Thêm vào đó, Luật Đường sắt (sửa đổi) có nhiều cơ chế ưu đãi, giúp ĐSVN từng bước làm chủ công nghệ đóng mới cũng như sửa chữa toa xe. Tổng công ty đang mời gọi các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia hoạt động vào 2 nhà máy xe lửa Gia Lâm và Dĩ An để xây dựng 2 đơn vị sửa chữa, đóng mới này đạt quy mô tầm trung trong khu vực. Đây là bước đi chiến lược trong tiến trình thay thế hệ thống đường sắt cũ hiện nay cũng như phát triển hệ thống đường sắt nội đô, tiến tới chuẩn bị cho đường sắt tốc độ cao trong tương lai.

Đối với công tác đào tạo, Tổng công ty cũng đang xúc tiến các phương án kêu gọi đầu tư vào hệ thống Trường Cao đẳng nghề Đường sắt để đào tạo, chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, sẵn sàng cung ứng cho thị trường trong thời gian tới.

Trong tháng 7 này, Tổng công ty ĐSVN và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ cho chạy thí điểm một số tuyến vận tải hàng hóa để tính toán hiệu quả và có những điều chỉnh hợp lý. Hiệu quả đã nhìn thấy trước mắt và hi vọng từ đây đường sắt sẽ xử lý được những “điểm nghẽn” hàng hóa, mở toang cánh cửa bước vào thời kỳ tăng trưởng và phát triển.

Cùng khai thác, cùng có lợi

Tổng công ty khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư đóng mới hoặc nhập khẩu toa xe để đưa vào hoạt động trên các tuyến đường sắt. Ở đây, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể thuê kết cấu hạ tầng đường sắt để chạy tàu hoặc Tổng công thuê lại tàu của nhà đầu tư để vận hành, cũng có thể Tổng công ty cung cấp toàn bộ hệ thống điều hành cho chủ đầu tư để chủ đầu tư khai thác. Những cố gắng, nỗ lực đó của Tổng công ty nhằm tạo sự phong phú trong đầu tư liên kết, hướng tới nhiều phân khúc khách hàng.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN

Ý kiến của bạn

Bình luận