Đề xuất bỏ giá trần vé máy bay, cởi mở chính sách thị thực

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Vận tải 24/02/2023 22:54

Cần cởi mở chính sách thị thực để hút khách quốc tế, cơ chế giá vé linh hoạt và cần thiết bỏ quy định giá trần vé máy bay… để hàng không Việt thực sự phục hồi.

Đây là một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà quản lý quan tâm, đóng góp ý kiến tại tọa đàm "Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt", do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (VABA) tổ chức chiều 24/2 tại Hà Nội.

Lượng khách quốc tế chưa như kỳ vọng

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Nhờ vào sự bùng nổ nhu cầu di chuyển trong giai đoạn cao điểm hè 2022, sản lượng khách nội địa đã phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng 40 – 42% so với cùng kỳ 2019 (thời điểm trước dịch).

Ở thị trường quốc tế, các hãng hàng không đã khôi phục 118 đường bay, kết nối từ 9 sân bay Việt Nam đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 11 triệu lượt khách quốc tế.

"Tiếp sức" cách nào để hàng không Việt phục hồi như trước dịch?   - Ảnh 1.

Sản lượng khách nội địa đã phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng so với thời điểm trước dịch

Tuy  nhiên, theo ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, những con số đó chưa nói lên điều gì. "Đến tháng 12/2022, bay quốc tế mới bằng 50% thời điểm trước dịch. Thị trường quốc tế chiếm 40% lượng khách nhưng lại đem về 60% doanh thu. Thế nên, nói hàng không phục hồi chưa hẳn đúng", ông Thành nêu ý kiến.

Cũng theo Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, đánh giá của IATA cho thấy, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tốc độ phục hồi hàng không chậm nhất, dự kiến lạc quan phải đến cuối năm 2024 mới trở về trạng thái trước dịch.

"Đầu tháng 1/2023 Trung Quốc mới có động thái mở cửa nhưng vẫn hạn chế chuyến bay và Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách 20 quốc gia cấp visa theo đoàn. Các thị trường có nhiều khách đến Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và kinh tế nên nhu cầu đi lại hạn chế", ông Thành chia sẻ.

"Tiếp sức" cách nào để hàng không Việt phục hồi như trước dịch?   - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng Giám đốc Bamboo Airways phát biểu tại toạ đàm

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho rằng, doanh thu của các hãng từ thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30%. Vừa qua, thị trường khách nội địa tăng trưởng nhưng đi cùng với đó còn có các yếu tố chưa bền vững, chưa kể các yếu tố đầu vào cũng tăng.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, tình hình thế giới đang rất bất định và không thể dự đoán, đặc biệt là chiến sự tại Ukraine. Dù đã lên các phương án nhưng rõ ràng bối cảnh thế giới như hiện nay là thách thức cho các nhà kinh doanh nói chung và doanh nghiệp hàng không nói riêng, bởi các yếu tố phụ thuộc như giá nhiên liệu, tỷ giá...

Trước bối cảnh đó, theo GS, TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: "Chúng ta phải đặt câu hỏi, vì sao Việt Nam mở cửa không chậm hơn các nước, nhưng khách quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng. Trong khi các nước xung quanh như Thái Lan, Singapore lại vượt kế hoạch đón khách quốc tế. Phải chăng do vấn đề thị thực?"

Cho rằng, hàng không và du lịch luôn được ví như hai cánh của chiếc máy bay, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hàng không nói riêng, về thuế, phí. Những chính sách đã có thì cần thúc đẩy hơn nữa. Đồng thời có chính sách thúc đẩy du lịch, hấp dẫn khách quốc tế.

Cần cơ chế giá vé linh hoạt, cạnh tranh

Cho rằng, hiện nay, các yếu tố hình thành và thay đổi giá rất nhanh, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cùng với quá trình hội nhập sâu, việc bỏ giá trần giá vé cũng góp phần tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực hàng không. "Thị trường hàng không của chúng ta hiện nay đã có sức cạnh tranh khá cao, không còn là độc quyền nữa, do đó đã đến lúc cân nhắc bỏ giá trần nhưng có điều kiện", ông Lực nêu quan điểm.

"Nên bỏ quy định giá trần với những đường bay đã có từ 3 hãng khai thác trở lên. Nhà nước chỉ quản lý những đường bay đang độc quyền khai thác. Việc bỏ giá trần hay nâng giá trần không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá, giúp các hãng hàng không có điều kiện cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng".

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng Giám đốc Bamboo Airways

Nêu lý do cơ cấu giá vé máy bay rất phức tạp, phụ thuộc nhiều vào giá nguyên nhiên liệu, thuê tàu bay, biến động tỷ giá, thời điểm mua vé…, GS, TS. Trần Thọ Đạt cho rằng, hiện rất ít nước trên thế giới áp giá trần vé máy bay. Do đó, sớm hay muộn cũng nên bỏ giá trần và có công thức điều hành giá, đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch phù hợp với lợi ích của người dân.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines viện dẫn Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT và cho rằng, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông được ban hành từ năm 2015. Từ đó đến nay, các yếu tố đầu vào cấu thành giá vé đã thay đổi rất nhiều nhưng khung giá vẫn không thay đổi.

"Tiếp sức" cách nào để hàng không Việt phục hồi như trước dịch?   - Ảnh 4.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương

Cũng cho rằng, việc duy trì giá trần là sự vô lý và càng sớm bỏ càng tốt, theo chuyên gia Lương Hoài Nam, trên thế giới, thị trường sẽ quyết định giá vé. Việc duy trì giá trần đồng nghĩa tước đi cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận của các hãng. Chưa kể vô hình chung kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa khi số lượng giá vé rẻ ít đi.

"Trước đây, khi chỉ có Vietnam Airlines, Pacific, việc khống chế giá trần có lý để ngăn nguy cơ độc quyền. Còn hiện nay, khi chúng ta đã có 5 hãng, khống chế giá trần là vô lý. Thị trường lành mạnh khi thị trường có sự cạnh tranh", ông Nam nói.

Cũng đồng tình với đề xuất bỏ giá trần, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, khi nhu cầu đi lại đang trỗi dậy, nhưng bị nén lại thì khả năng doanh nghiệp hàng không phục hồi, có lãi là rất khó. Hãy để thị trường quyết định hoàn toàn. Nhà nước cần có công cụ giám sát, điều tiết để ngăn ngừa tình trạng thao túng, độc quyền.

Ý kiến của bạn

Bình luận