Phối cảnh mô hình Cảng hàng không quốc tế Long Thành. |
Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhà ga hàng không quốc tế là cửa ngõ cực kỳ quan trọng của một quốc gia cho nên kiến trúc nhà ga phải chuyển tải được bản sắc văn hóa của dân tộc, niềm tự hào của nhân dân, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách quốc tế mỗi khi đến Việt Nam.
Theo chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành vừa được Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), được đánh giá là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Cảng hàng không này có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn I là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác.
Liên quan đến tiến độ xây dựng cảng hàng không này, mới đây nhất, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiên cứu báo cáo tiền khả thi và khả thi. ACV đang nghiên cứu một số tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư dự án, đơn vị tư vấn nước ngoài. Ước thời gian chọn nhà đầu tư trong 6-8 tháng, chọn đơn vị tư vấn trong 15-17 tháng.
Tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu các cơ quan chức năng tích cực triển khai dự án sân bay Long Thành để khởi công công trình vào năm 2019, đưa vào khai thác từ năm 2023.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.