Ảnh minh họa |
Theo đó, Dự thảo Thông tư 49 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ lần này đưa ra 3 điểm bổ sung và 4 điểm sửa đổi.
Cụ thể, dự thảo đưa ra: “Doanh thu bình quân một ngày trong tháng là doanh thu bình quân một ngày của tổng doanh thu vé lượt, vé tháng, vé quý được ghi nhận trong tháng”; “Trạm thu giá phải đảm bảo 3 tiêu chí, điều kiện như vị trí trạm thu giá phải được xác định trong thời gian lập dự án BOT; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (Nhà nước, nhà đầu tư, người dân địa phương); phải thuận lợi cho việc thu giá, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án BOT; đối với quốc lộ, trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (Hội đồng nhân dân, UBND); đối với đường địa phương, trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ GTVT”.
Ngoài ra, đơn vị thu giá không thực hiện báo cáo theo quy định, hoặc không nộp phí sử dụng tài sản Nhà nước, không nộp tiền thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định hiện hành khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản nhắc nhở 2 lần, mỗi lần cách nhau không dưới 5 ngày. Thời gian thu bị trừ là 1 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo từ 10 ngày đến 30 ngày; thời gian thu bị trừ 2 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo từ 31 ngày đến 60 ngày; đối với trường hợp chậm nộp báo cáo từ 61 ngày trở đi, cứ 5 ngày chậm nộp báo cáo thì thời gian thu bị trừ 1 ngày.
So với Dự thảo lần 1, Dự thảo Nghị định lần 2 đã bỏ đi một số quy định quan trọng về trạm thu phí. Cụ thể như, vị trí đặt trạm thu phí không phải lấy ý kiến của Hiệp hội vận tải ô tô và ý kiến của nhân dân địa phương.
Nguyên nhân bỏ là trước đó, Bộ Tài chính có ý kiến cần cân nhắc sự cần thiết khi đưa thêm tiêu chí “lấy ý kiến của nhân dân địa phương”. Trường hợp nếu đưa tiêu chí lấy ý kiến tham gia của nhân dân địa phương phải xây dựng thêm tiêu chí định lượng tỉ lệ thống nhất/không thống nhất để có cơ sở thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về vị trí đặt trạm thu giá sẽ ảnh hưởng tiến độ phê duyệt dự án.
Do đó, Bộ này đã đề nghị quy định rõ việc lấy ý kiến được thực hiện trong giai đoạn nào của dự án; quy định rõ cách thức triển khai thực hiện việc lấy ý kiến tham gia của người dân nhằm tránh việc lấy ý kiến mang tính hình thức.
Đặc biệt, Dự thảo lần này đã bỏ đi quy định trạm thu phí trên cùng 1 tuyến đường phải đảm bảo cự ly cách nhau tối thiểu là 70km. Theo Vụ Tài Chính (Bộ GTVT) lý giải: Tiêu chí khoảng cách giữa các trạm thu giá trên cùng một tuyến đường cần được thuyết minh rõ cơ sở khoa học tính toán, xây dựng và quy định.
Nguyên nhân bỏ quy định này là tiếp thu các ý kiến cho rằng việc quy định khoảng cách gặp khó khăn vì có thể rơi vào khu vực dân cư đông, chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định, không phù hợp với các thông tư hiện hành...
Trước đó, theo thông tin từ Bộ GTVT, hiện trên các tuyến QL có tổng số 88 trạm thu phí BOT, trong đó 10 trạm có khoảng cách từ 60 - 70 km, 20 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.