Đề xuất Danh mục phân loại cảng biển Việt Nam

30/10/2019 06:34

Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Quyết định về việc công bố Danh mục phân loại cảng biển Việt Nam.

HP
Cảng biển Hải Phòng

Theo đó, có 2 cảng biển đặc biệt là: Cảng biển Hải Phòng và Cảng biển Vũng Tàu.

Có 13 cảng biển loại I gồm: Cảng biển Quảng Ninh, cảng biển Thanh Hóa, cảng biển Nghệ An, cảng biển Hà Tĩnh, cảng biển Thừa Thiên Huế, cảng biển Đà Nẵng, cảng biển Quảng Ngãi, cảng biển Quy Nhơn, cảng biển Khánh Hòa, cảng biển Bình Thuận, cảng biển TP. Hồ Chí Minh, cảng biển Đồng Nai, cảng biển Cần Thơ.

Có 11 cảng biển loại II gồm: Cảng biển Thái Bình, cảng biển Quảng Bình, cảng biển Quảng Trị, cảng biển Quảng Nam, cảng biển Long An, cảng biển Tiền Giang, cảng biển Đồng Tháp, cảng biển Sóc Trăng, cảng biển Hậu Giang, cảng biển An Giang, cảng biển Trà Vinh.

Có 8 cảng biển loại III gồm: Cảng biển Nam Định, cảng biển Phú Yên, cảng biển Ninh Thuận, cảng biển Bình Dương, cảng biển Bến Tre, cảng biển Vĩnh Long, cảng biển Cà Mau, cảng biển Kiên Giang.

Dự thảo nêu rõ, cảng biển đặc biệt là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế; cảng biển loại I là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; cảng biển loại II là cảng biển có quy mô vừa phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng; cảng biển loại III là cảng biển có quy mô nhỏ phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiêu chí phân loại

Bộ Giao thông vận tải đã phân loại cảng biển dựa trên các tiêu chí sau: Về quy mô, cảng biển có quy mô lớn là cảng có khả năng tiếp nhận cỡ tàu từ 30.000 DWT trở lên; cảng biển có quy mô vừa là cảng có khả năng tiếp nhận cỡ tàu từ 10.000 DWT đến dưới 30.000 DWT; cảng biển có quy mô nhỏ là cảng có khả năng tiếp nhận cỡ tàu dưới 10.000 DWT.

Về vai trò, tầm ảnh hưởng, cảng biển có vai trò phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng là cảng tổng hợp quốc gia, có phạm vi hấp dẫn và chức năng phục vụ việc phát triển của cả nước. Cảng biển có vai trò phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng là cảng đầu mối khu vực, có phạm vi hấp dẫn và chức năng phục vụ việc phát triển của nhiều tỉnh, thành phố. Cảng biển có vai trò phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là cảng tổng hợp địa phương, có phạm vi hấp dẫn và chức năng phục vụ chủ yếu việc phát triển trong phạm vi một tỉnh, thành phố. Cảng biển trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế là cảng có vai trò phục vụ hàng hóa trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Ý kiến của bạn

Bình luận