Đề xuất giải pháp bình ổn giá cước vận tải hàng hóa bằng đường biển

Tác giả: B.Minh

saosaosaosaosao
Hàng hải 17/03/2022 17:14

Bổ sung container rỗng cho thị trường ASEAN, xây dựng cơ chế quản lý giá cước, các nước trong khu vực góp tiếng nói tạo áp lực với các hãng tàu…


 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại Hội nghị Nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN (MTWG) lần thứ 42, tổ chức mới đây tại Hà Nội, đại diện nhóm công tác của Việt Nam đã chia sẻ một số giải pháp để bình ổn giá cước vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 vẫn âm ỉ.

Theo đó, đại diện Việt Nam đề xuất các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới cùng nghiên cứu giải pháp, cơ chế để quản lý giá cước vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu và các loại phụ thu ngoài giá cước.

Đồng thời, đề nghị các nước cùng có tiếng nói chung, tạo áp lực cho các hãng tàu không tăng giá cước vận tải và các loại phụ thu trong thời gian tới.

Cuối cùng là đề nghị hãng tàu bổ sung container rỗng cho thị trường ASEAN.

Theo Hiệp hội Logistics TP.HCM, chi phí vận tải biển đã tăng từ 3 đến hơn 10 lần trong 2 năm qua, tạo áp lực lên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trước đây, hàng từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đi Mỹ có thể mất 18-30 ngày, giờ có thể trên cả tháng là bình thường.

Cùng với dịch bệnh, áp lực giá xăng dầu thời gian gần đây cũng khiến chi phí vận tải đường biển tiếp tục neo ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn, chưa kể tình trạng kẹt cảng, đặc biệt là ở Mỹ, vẫn còn.

Theo thông báo mới nhất của Hãng tàu ONE, từ tháng 3/2022 giá cước đi châu Âu (đang vào khoảng 7.300 USD cho mỗi container 20 feet) sẽ tăng thêm từ 800 - 1.000 USD.

Trong khi đó, tại Việt Nam và các nước ASEAN, hàng hóa xuất nhập khẩu đi châu Âu, châu Mỹ do khoảng 10-15 hãng tàu lớn trên thế giới đảm nhận.

Đáng nói, các hãng này đều tham gia liên minh, liên kết với nhau, thậm chí “đẻ” ra nhiều loại phụ thu đối với chủ hàng xuất nhập khẩu Việt Nam.

Theo Nghị định số 146/2016 quy định về niêm yết giá cước vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển, các hãng tàu phải thực hiện niêm yết công khai giá cước vận tải và các loại phụ thu trên Website của hãng tàu. Trong trường hợp tăng giá phải niêm yết trước 15 ngày mới được áp dụng mức giá mới. Tuy nhiên, cơ chế này chưa quản lý được việc tăng giá của hãng tàu.

Trước đó, giữa năm 2021, sau đợt kiểm tra 9 hãng tàu biển và làm việc với các hiệp hội ngành hàng, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) đã có báo cáo gửi Bộ GTVT, trong đó cho biết, cả 9 hãng tàu ngoại đều có đại diện tại Việt Nam dưới hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thay mặt hãng tàu thực hiện hoạt động kinh doanh và làm đại lý theo hợp đồng. Doanh thu từ giá cước vận tải và các loại phụ thu theo giá được chuyển về công ty mẹ tại nước ngoài. Hãng tàu thực hiện nộp thuế nhà thầu và các loại thuế phí khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

“Quyền quyết định giá cước thuộc về công ty mẹ ở nước ngoài, các công ty đại diện tại Việt Nam chỉ đóng vai trò thu hộ, chi hộ và tư vấn, không quyết định mức giá và việc tăng giảm giá cước”, văn bản của Cục Hàng hải Việt Nam nêu.

Kết quả kiểm tra cho thấy, các hãng tàu đều thực hiện việc niêm yết giá cước trên website trong các lần thay đổi giá cước. Tuy nhiên, trên website của hãng tàu lại không thể hiện thời gian niêm yết nên không thể biết chính xác việc các doanh nghiệp này có thực hiện đúng quy định là niêm yết trước 15 ngày mỗi khi thay đổi giá cước hay không.

Trước việc giá cước vận tải biển tăng cao 3-5 lần, Bộ GTVT chỉ đạo nghiên cứu cơ chế phát triển đội tàu quốc tế, tăng sự chủ động cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đội tàu theo Đề án phát triển đội tàu biển quốc tế, Cục Hàng hải VN kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục có các chính sách hỗ trợ chủ tàu Việt Nam phát triển đội tàu hàng rời, tổng hợp có trọng tải lớn, tuổi tàu thấp thay thế dần các tàu nhỏ, cũ hiện nay; Cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với chủ tàu thay thế tàu cũ của mình hiện có bằng tàu biển mới có tuổi dưới 15 tuổi hoặc có trọng tải lớn hơn.

Đồng thời, miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí trọng tải trong thời gian 5 năm khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG và các tàu chở LNG.

Để thu hút thị phần hàng hóa cho đội tàu có động lực phát triển, cũng cần miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 10 năm đối với các doanh nghiệp logistics của Việt Nam có sản lượng container xuất nhập khẩu hằng tháng từ 500 TEUs trở lên; Miễn thuế cho các chủ hàng Việt Nam ký hợp đồng vận chuyển dài hạn với số lượng lớn với các chủ tàu Việt Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận