Hội thảo được tổ chức giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp, diễn ra ngày 1/12 tại Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên. |
Phát biểu tại Hội nghị Đánh giá kế hoạch kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2017 nhằm hoàn thiện pháp chế về giáo dục diễn ra ngày 1/12 ở Hà Nội, đại diện nhiều địa phương đồng tình với Luật Giáo dục sửa đổi về nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học lên cao đẳng, đề xuất giảm học phí tới bậc mầm non. Một số sở GD&ĐT đề xuất giảm học phí cho cả hệ dân lập.
Chính sách học phí bộc lộ hạn chế
Ông Ngô Văn Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT, cho biết toàn bộ cấp tiểu học ở nước ta không phải đóng học phí. Học sinh cấp mầm non và THCS vẫn phải đóng học phí, đi kèm chế độ miễn giảm cho các hoàn cảnh khó khăn được quy định trong danh mục.
Chính sách học phí hiện nay bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục, khoản 2, điều 11 quy định: Nhà nước thực hiện chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS nhưng hiện chỉ mới thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học. Các cấp còn lại vẫn phải đóng học phí.
Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là học sinh vùng núi, khó khăn. Hiện nay, gia đình học sinh ở vùng nông thôn, vùng núi có thu nhập tương đối thấp. Mức thu học phí không cao nhưng cũng gây khó khăn cho họ. Cử tri cả nước thông qua các đại biểu Quốc hội cũng mong muốn được miễn học phí cho học sinh THCS.
Để chuẩn bị cho đề xuất miễn học phí cấp THCS, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu tại 18 nước, đại diện cho 4 châu lục, với các nước được nghiên cứu có thu nhập thấp, thu nhập cao, thu nhập trung bình.
Nghiên cứu của các nước cho thấy 33% các nước miễn học phí mầm non, 61% các nước miễn học phí cấp THCS và 44% các nước miễn học phí hoàn toàn cấp THPT.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, cũng đồng tình với chủ trương miễn học phí đến cấp mầm non và đề xuất miễn giảm học phí cho học sinh hệ dân lập.
Theo ông Dũng, những em học tư thục sẽ phải đóng chi phí lớn (khoảng 1,5 triệu đồng/em). Trừ những em chấp nhận học trường chất lượng cao, ông Dũng đề xuất, các em học tư thục cũng được miễn học phí.
Đại biểu đến từ Hải Dương cũng đề nghị ngoài việc miễn học phí cho cấp công lập, cần miễn học phí cho cả học sinh tư thục vì hiện nay, địa phương này có 50% học sinh công lập, số còn lại là tư thục.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin việc miễn giảm học phí được thực hiện ở các trường công lập, tuyệt đối không để học sinh không đi học. Ở trường tư thục, học sinh đi học là tự nguyện. Lên bậc THPT, học sinh được phân luồng nên chỉ có 60% được vào trường công lập.
Hướng tới trình độ giáo viên tiểu học là cử nhân
Ông Nguyễn Đức Hữu - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT - cho biết Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nhận định, một số giáo viên hiện nay không theo kịp trình độ, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là tất yếu. Hiện tại, chúng ta tăng chuẩn giáo viên tiểu học lên bậc cao đẳng, sắp tới sẽ là đại học. Đây là bước đột phá tạo hành lang pháp lý thực hiện đổi mới giáo dục.
Ông Nguyễn Đức Hữu cho hay yêu cầu chuẩn đào tạo nhà giáo theo quy định 77 của luật hiện hành nêu chuẩn giáo viên tiểu học và mầm non là trung cấp sư phạm.
Thực tế, thống kê của các sở GD&ĐT từ tháng 9 vừa qua cho thấy: Tổng số giáo viên tiểu học đạt trình độ trung cấp sư phạm hiện nay chiếm 12,1%, trình độ cao đẳng 32,12%, đại học 55,5%, trên đại học 0,29 %. Tổng số giáo viên đạt trình độ cao đẳng sư phạm trở lên là 87,99%.
Đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học thông tin những năm gần đây, thế giới có nhiều biến động mạnh mẽ với cách mạng 4.0. Vì vậy, việc nâng chuẩn giáo viên sẽ tạo ra bước đột phá đổi mới năng lực sư phạm, chuyển hướng từ tiếp cận kiến thức sang năng lực người học.
Tuy nhiên, để thực hiện việc này, các cơ sở giáo dục cần tạo điều kiện cho giáo viên trung cấp yên tâm công tác, tiếp tục vươn lên bằng các lộ trình nâng cao trình độ.
Cụ thể, với các giáo viên còn 1-5 năm công tác, địa phương cần phối hợp các trường sư phạm để thiết kế khóa học bồi dưỡng. Những giáo viên còn trên 5 năm công tác cần có lộ trình bồi dưỡng, đào tạo lại cùng nhiều biện pháp linh hoạt. Quốc hội có thể giao cho Bộ GD&ĐT áp dụng thực hiện việc nâng chuẩn ở các vùng miền, địa phương riêng sao cho phù hợp.
Ông Nguyễn Đức Hữu thông tin 33/63 tỉnh thành có giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng, chiếm 90%. Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu trình độ giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng là 60%.
Thực tiễn này cho thấy quyết tâm nâng chuẩn giáo viên lên trình độ cao đẳng hoàn toàn có thể thực hiện được, không gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Long, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam, đồng tình với Bộ GD&ĐT về việc nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học lên cao đẳng. Toàn tỉnh có 2.858 giáo viên trình độ cao đẳng trở lên, 62 giáo viên có trình độ trung cấp, đạt tỷ lệ trên chuẩn là 97,8%.
Nói về đề xuất nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết trong lộ trình thực hiện đổi mới giáo dục, hệ trung cấp, giáo viên học 2 năm sẽ được cung cấp kiến thức nhưng chưa có nhiều điều kiện thực hành.
Trong khi đó, giáo viên tiểu học phải dạy hệ thống đa môn, tích hợp và có nhiệm vụ xây dựng nền tảng ban đầu cho học trò, vì vậy cần nâng cao chuẩn lên cao đẳng với chương trình học ít nhất là 3 năm.
Ông Độ khẳng định việc học hiện nay đòi hỏi nhiều kiến thức trong cuộc sống chứ không phải chỉ học trong 4 bức tường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.