Đề xuất tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho Cảng vụ đường thủy nội địa

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 20/08/2024 08:23

Theo đề xuất đang được lấy ý kiến, Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN, Cảng vụ thuộc Sở GTVT có thêm nhiệm vụ, quyền hạn so với hiện nay.

Đề xuất tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho Cảng vụ đường thủy nội địa - Ảnh 1.

Cảng vụ đường thủy nội địa kiểm tra giấy tờ phương tiện thủy tại một bến thủy trên sông Đuống

Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị đóng góp xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa (ĐTNĐ).

Nhằm phù hợp với các luật, nghị định mới và tình hình thực tế, Cục ĐTNĐ Việt Nam (chủ trì xây dựng dự thảo) đề xuất thay đổi một số nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ ĐTNĐ (bao gồm Cảng vụ trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam và thuộc Sở GTVT); cơ cấu, tổ chức lại bộ phận thuộc Cảng vụ.

Cụ thể, bãi bỏ nhiệm vụ, quyền hạn "Thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành" của Cảng vụ ĐTNĐ và đổi tên Phòng Pháp chế - Thanh tra thành "Pháp chế - An toàn". Lý do, ngày 11/1/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, theo đó Cục ĐTNĐ Việt Nam là cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Mặt khác, thực tế đến nay các cảng vụ chưa thực hiện được công tác thanh tra do không có nhân sự là công chức thanh tra theo quy định.

Tuy vậy, đáng chú ý, Cảng vụ ĐTNĐ được bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn: tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn và hàng năm; các dự án, đề án, công trình thuộc phạm vi quản lý nhà nước chuyên ngành đường thủy nội địa; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy chuẩn, tiêu chuẩn cảng, bến, khu neo đậu khi có yêu cầu.

Dự thảo cũng bổ sung quy định cho phép Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và địa bàn thực tế quản lý để tổ chức phù hợp các Tổ cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc. Tổ trưởng Tổ Cảng vụ (là viên chức cảng vụ trong Tổ Cảng vụ) được Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ giao nhiệm vụ, không thuộc chức danh lãnh đạo do Giám đốc Cảng vụ bổ nhiệm (không được hưởng phụ cấp chức vụ), không phải là cấp quản lý.

Còn Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam, Giám đốc Sở GTVT quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ thuộc phạm vi quản lý theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ.

Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, hệ thống cảng vụ ĐTNĐ hiện có 5 Cảng vụ ĐTNĐ khu vực (I, II, III, IV và V) trực thuộc Cục, quản lý 235 cảng và hơn 3.400 bến thủy trên khoảng 6.000 km đường thủy quốc gia thuộc địa bàn 30 tỉnh, thành phố; 16 Cảng vụ địa phương trực thuộc các Sở GTVT. Bên cạnh quản lý cảng, bến, các Cảng vụ ĐTNĐ khu vực đang được Bộ GTVT thí điểm giao quản lý kết cấu hạ tầng, bảo trì một số luồng tuyến đường thủy quốc gia.

Nếu dự thảo trên được thông qua, thông tư mới sẽ có hiệu lực thi hành trong năm 2024.

Hiện 5 Cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam có 623 người. Từ năm 2021 đến hết tháng 7/2024 các cảng vụ cấp phép cho hơn 982.600 lượt phương tiện vào, rời cảng bến thủy và thu nộp ngân sách nhà nước hơn 281,7 tỷ đồng phí, lệ phí.

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính: đã triển khai thực hiện 636.357 cuộc kiểm tra; lập biên bản, xử lý vi phạm gần 6.200 lượt cảng, bến, phương tiện thủy; thu nộp kho bạc nhà nước hơn 12,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cả 5 Cảng vụ khu vực không thực hiện được công tác thanh tra chuyên ngành do không có lực lượng công chức thanh tra theo quy định.

Ý kiến của bạn

Bình luận