Những con số “biết nói”
Từ 1956 đến nay, Trường đã đào tạo cho đất nước trên 200.000 cán bộ kỹ thuật, trong đó khoảng 190.000 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, bao gồm 90.000 kỹ sư và cử nhân hệ chính quy, trên 39.000 kỹ sư và cử nhân hệ tại chức và 61.000 người tốt nghiệp cao đẳng chính quy; đào tạo sau đại học đã có 14.246 thạc sĩ và 838 tiến sĩ bảo vệ thành công luận án.
Trường đã thực hiện quá trình đổi mới trong đào tạo một cách đồng bộ và mạnh mẽ, nhằm nâng cao năng lực đào tạo trong xu thế kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Bên cạnh việc duy trì, phát triển một đội ngũ giảng viên hàng đầu về số lượng và trình độ trong hệ thống giáo dục đại học quốc dân, kết quả của việc thực hiện tích cực Đề án “Đổi mới mô hình và chương trình đào tạo giai đoạn 2009 – 2015” đã đem lại cho Trường các mô hình đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học và nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao của xã hội. Toàn bộ chương trình đào tạo trình độ đại học đã được đổi mới toàn diện theo hướng tinh giản nội dung, tích hợp kiến thức, có cấu trúc mềm dẻo để đảm bảo liên thông giữa các trình độ và ngành học, phù hợp với mô hình đào tạo mới theo học chế tín chỉ, phát huy tối đa năng lực học tập của người học. Với 35 chương trình đào tạo kỹ sư và 45 chương trình đào tạo cử nhân đang được thực hiện cho gần 70 chuyên ngành đào tạo đại học, Trường đã hoàn toàn đáp ứng được vị thế của một trường đại học đa ngành và đa lĩnh vực. Hơn nữa, việc triển khai đào tạo sau đại học với 64 chương trình đào tạo thạc sĩ cho 31 mã ngành và 60 chương trình đào tạo tiến sĩ cho 38 mã ngành đã cho thấy Trường ĐHBK Hà Nội khẳng định được vị trí là một trường đại học định hướng nghiên cứu.
Trong những năm qua, Trường đã đạt được nhiều thành công trong việc tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài Trường nhằm thúc đẩy các cơ chế hỗ trợ đào tạo theo học chế tín chỉ. Cách thức tổ chức đào tạo được cải tiến toàn diện theo hướng tin học hóa mạnh mẽ, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo được chú trọng nâng cấp, hiện đại hóa để đáp ứng được quy mô đào tạo đại học và sau đại học tăng lên nhanh chóng. Hệ thống văn bản quy định nội bộ đã được rà soát, bổ sung và hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý đào tạo.
Với sức thu hút từ thương hiệu ĐHBK Hà Nội, trong giai đoạn 2006-2015, Trường đã đào tạo được đến 34.566 kỹ sư và cử nhân hệ chính quy, khoảng 18.000 kỹ sư và cử nhân hệ vừa làm vừa học, khoảng 19.000 người có trình độ cao đẳng. Trong những điều kiện hạn chế về tài chính và cơ sở vật chất, Trường vẫn giữ vững được chất lượng đào tạo với việc thực thi một hệ thống kiểm tra đánh giá kết quả học tập chặt chẽ, nghiêm túc. Số sinh viên tốt nghiệp đạt hạng Khá, Giỏi và Xuất sắc tăng đều, đạt tới 77,4% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy trong năm 2016. Các kỹ sư, cử nhân do Trường đào tạo luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà tuyển dụng do họ được trang bị các kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc quốc tế, năng lực chuyên môn sâu với khả năng tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo và tự lập nghiệp. `
Giai đoạn 2006-2015, Trường đã đào tạo được trên 12.000 thạc sĩ và gần 500 tiến sĩ, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ trình độ cao cho hơn 40 tỉnh thành và 10 khu công nghiệp trong cả nước. So với số liệu của năm 2000, số lượng học viên cao học tuyển sinh được trong năm 2005 tăng lên gấp đôi và đến năm 2015 đã tăng gấp 3 lần. Quy mô đào tạo và số lượng thạc sĩ tốt nghiệp năm 2015 tăng gấp đôi so với cách đây 10 năm. Số lượng nghiên cứu sinh tuyển mới trong năm 2015 cũng tăng gấp đôi so với năm 2005, quy mô đào tạo bậc tiến sĩ cũng tăng gấp 3 lần, đồng thời số lượng nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tăng gấp 4 lần so với năm 2005. Sau 10 năm, số lượng công trình khoa học do các nghiên cứu sinh công bố trên các tạp chí quốc tế và trong nước tăng hơn 10 lần.
Bên cạnh việc duy trì và phát triển các chương trình đào tạo nhân tài đã có như các Chương trình Kỹ sư tài năng và Kỹ sư chất lượng cao, Trường triển khai đào tạo thêm 4 chương trình đào tạo tiên tiến bậc đại học với mục đích hội nhập quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo sau đại học cũng được Trường chú trọng phát triển những năm gần đây. Các chương trình liên kết đào tạo trình độ đại học và sau đại học giữa Trường với các trường đại học của Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Úc; đặc biệt là các chương trình đào tạo tiến sĩ đồng hướng dẫn với các trường đại học của các nước phát triển, cũng đã thực sự đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần đưa Trường hội nhập mạnh mẽ với cộng đồng đại học khu vực và quốc tế.
Tiên phong trong đổi mới giáo dục đại học
Nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi để thực hiện tự chủ đại học, Trường ĐHBK Hà Nội đã sớm tập trung mọi trí tuệ để hoàn thành “Đề án thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong giai đoạn 2010-2015” và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho phép tổ chức thực hiện thí điểm. Kết quả thực hiện Đề án này đã đem lại cho Trường nhiều đổi mới trong công tác đào tạo, mặt khác nâng cao trách nhiệm của Trường trước xã hội. Trường đã sắp xếp lại tổ chức Khoa-Viện, tạo ra mối liên kết chặt chẽ trong công việc của các bộ phận khác nhau và chủ động đón nhận cơ chế tự chủ đại học, cải thiện hệ thống các chính sách, chế độ đối với giảng viên. Chế độ học phí theo tín chỉ đã được xây dựng, phù hợp với phương thức đào tạo mới và gia tăng nguồn thu học phí nhưng không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ là một chủ trương lớn của Trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và hướng tới hội nhập quốc tế. Là một trong những đơn vị tiên phong trong chủ trương này, Trường đã sớm triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ từ năm 2007 và đạt được những thành công đáng ghi nhận. Đây được coi như đòn bẩy thúc đẩy quá trình đổi mới chương trình đào tạo, thay đổi căn bản cách thức tổ chức quá trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, giúp cho đào tạo đại học hội nhập nhanh hơn với thế giới.
ĐHBK Hà Nội là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu, thực hiện đổi mới mô hình đào tạo sau đại học theo hướng hiện đại hoá, hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút người học, đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường tiên phong trong đổi mới mô hình đào tạo thạc sĩ theo hai định hướng: nghiên cứu và ứng dụng. Trường xây dựng, áp dụng mô hình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn nghiên cứu công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tạo nguồn cho đào tạo nghiên cứu sinh trong và ngoài nước; theo định hướng ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, của các tổ chức và doanh nghiệp. Xây dựng mô hình đào tạo tiến sĩ theo hướng hiện đại, hội nhập, thúc đẩy mô hình đào tạo phối hợp, đồng hướng dẫn với các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu trên thế giới.
Sức ảnh hưởng lớn đến hệ thống giáo dục đại học
Từ những khoa chuyên ngành của ĐHBK Hà Nội đã thành lập Trường Đại học Xây Dựng, Trường Đại học Mỏ - Địa Chất, Trường Đại học Công nghiệp nhẹ (trước đây và đến nay đã sáp nhập trở lại ĐHBK Hà Nội), Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự… Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Trường ĐHBK Hà Nội đã góp phần rất cơ bản vào việc hình thành và phát triển Trường ĐHBK TP.HCM, Trường ĐHBK Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức… bằng việc cử và biệt phái hàng trăm cán bộ cốt cán lãnh đạo, quản lý và giảng dạy vào công tác tại các trường này ngay từ những ngày đầu tiên, góp phần hình thành nên một mạng lưới các trường đại học về kỹ thuật và công nghệ trong cả nước.
Trong nhiều năm qua, Trường ĐHBK Hà Nội đã tiếp tục giúp các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ và xây dựng chương trình đào tạo. Phần lớn trong số các tiến sĩ kỹ thuật và thạc sĩ tốt nghiệp tại Trường là giảng viên các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu trong cả nước. Trường cũng đã giúp nhiều trường kỹ thuật trong xây dựng, thẩm định các chương trình đào tạo, thiết kế, xây dựng các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phục vụ giảng dạy.
Những sáng kiến về đổi mới trong đào tạo của Trường đã có sức ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống giáo dục đại học. Hiện nay mô hình đào tạo của Trường ĐHBK Hà Nội đã được nhiều trường trong nước áp dụng như mô hình đào tạo thạc sĩ theo 2 định hướng nghiên cứu và ứng dụng... Kết quả thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ đại học trong một số lĩnh vực do Trường đề xuất đã có tác động tích cực đến việc ban hành các quy định và quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo như tự chủ về cấp phát văn bằng chứng chỉ, tự chủ về mở ngành đào tạo, quy chế tuyển sinh đại học cao đẳng.
Như vậy, trong lộ trình thực hiện đổi mới giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu để đạt chuẩn mực quốc tế, Trường ĐHBK Hà Nội đã có bước đi vững chắc và thu được những kết quả đáng tự hào.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.