Theo quy định phải tắt điện thoại khi lên máy bay nhưng nhiều người vẫn không tuân thủ - Ảnh minh họa |
Trước kia, máy bay là phương tiện vận chuyển chỉ dành cho những người thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội vì chi phí đắt đỏ. Thế nhưng, những năm gần đây, với sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ cũng như đặc thù của tính tiện lợi và khả năng di chuyển thần tốc thì máy bay ngày càng được nhiều người ưu tiên lựa chọn.
Tuy nhiên, khi việc đi máy bay ngày càng trở nên phổ biến thì ý thức ứng xử trên máy bay lại được quan tâm nhiều hơn. Có không ít người lắc đầu ngao ngán khi nói về văn hoá đi máy bay của một bộ phận người Việt Nam, thậm chí có người còn cảm thấy xấu hổ với bạn bè quốc tế cùng chuyến bay khi không ít lần trực tiếp chứng kiến những hành vi kém văn hoá của một số người.
Một số người dân chia sẻ ý kiến: “Khách đi có những người già, người lớn tuổi lần đầu đi máy bay thì nếu chưa biết cách thì họ thường hành xử theo cách mình cho là đúng nên nhiều khi cũng không trách được. Việc đi máy bay cái đa phần bạn nhìn thấy là họ hay chen lấn trên máy bay, đứng cản lối đi… Tiếp nữa là hành lý để chiếm không gian của người khác…”. Một người khác cho biết: “Trên máy bay có quá nhiều tiếng ồn. Một số người đi máy bay họ tranh thủ thời gian trên máy bay để nghỉ ngơi nhưng tiếng ồn như vậy rất khó chịu. Về vấn đề tắt điện thoại trên máy bay thì có một số người họ không biết tắt điện thoại khi được yêu cầu nhưng cũng không ai giúp họ. Điện thoại liên quan đến vấn đề an toàn bay nhưng khi không tắt điện thoại cũng không thấy ai xử lý cả”.
Có thể thấy, máy bay bây giờ không còn là phương thức di chuyển quá xa lạ với đa số người Việt Nam chúng ta. Hành khách máy bay thuộc đủ mọi tầng lớp từ giới thượng lưu đến những người lao động thu nhập thấp hay học sinh, sinh viên... Điều đó đồng nghĩa với việc những luồng văn hóa mọi người mang lên theo chiếc máy bay mình đi cũng rất đa dạng.
Bao nhiêu hành khách là bấy nhiêu cách cư xử. Lịch sự có, nghiêm túc có, nhưng cũng không thiếu những hành động kém văn minh, gây bức xúc người xung quanh. Việc ứng xử kém duyên khi đi máy bay không khoanh vùng trong riêng tầng lớp hay nhóm người nào, mà xảy ra ở nhiều giới. Từ những người giàu có đến lao động bình dân, từ người nổi tiếng cho đến những nhân vật không ai biết tên, từ người trẻ cho đến cả những hành khách lớn tuổi…
Cách đây khoảng 3 năm, Cảng vụ miền Nam đã từng ra quyết định xử phạt hành khách 69 tuổi, quê ở Nghệ An do có hành vi vi phạm trật tự kỷ luật trên máy bay. Cụ thể, vị hành khách lớn tuổi đã liên tục dùng điện thoại đập vào lưng tiếp viên đẩy xe hàng. Khi nữ tiếp viên lịch sự yêu cầu ngừng hành động trên thì vị khách lớn tiếng dùng các cụm từ xúc phạm nữ tiếp viên.
Bên cạnh đó, nhiều quý vị chắc hẳn vẫn chưa quên vụ đánh ghen "đình đám" trên một chuyến từ TP HCM - Hà Nội hồi cuối năm 2015, do nổi cơn ghen, hai hành khách nữ đã xông vào đánh nhau, khiến chuyến bay trễ giờ cất cánh 35 phút. Sau đó, mỗi người phải nộp phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi gây rối trật tự công cộng. Và mới đây nhất là vụ một nữ hành khách có hành vi la hét, gây gổ với nhân viên hãng hàng không và khiến cho chuyến bay trễ giờ khởi hành 50 phút.
Trước đó ít ngày, cũng xảy ra vụ việc một hành khách “vô tư” mở cửa thoát hiểm máy bay để đi tắt thay vì đi theo cửa chính như mọi người. Hành động thiếu hiểu biết đó đã khiến cho hãng hàng không phải mất chi phí cuộn lại phao trượt và giảm doanh thu do bị gián đoạn thời gian khai thác của máy bay. Đó là một số câu chuyện nổi bật được báo chí nêu lên nhưng đằng sau còn vô vàn những câu chuyện bi hài xuất phát từ cách ứng xử của hành khách đi máy bay khiến những người chứng kiến trực tiếp vô cùng ngao ngán. Từ việc dọa có bom nổ, la hét trên máy bay, hút thuốc, say rượu, cởi trần, đi chân đất, xả rác bừa bãi, ngã người ra phía sau, đạp chân lên ghế phía trước, thoải mái ngủ với đủ tư thế kém duyên, nằm lên đùi người khác hay ôm ấp nhau như chốn không người trên máy bay... hoặc gây ồn ào tại phòng chờ, chen lấn, giành chỗ khi xếp hàng làm thủ tục… Đó là chuyện trên máy bay. Chuyện trước khi tiến vào máy bay cũng thật sự hãi hùng.
Trên những chuyến bay giá rẻ, cảnh tượng người Việt tạo ra thành một mớ hỗn loạn trước cửa vào tàu bay diễn ra như cơm bữa. Thay vì xếp hàng, họ bằng mọi giá phải chen lên máy bay trước, như thể cái khối sắt nặng hàng trăm tấn kia sẵn sàng cất cánh mà không cần chờ đủ hành khách. Tất cả những hành động không hay đó chẳng những ảnh hưởng đến tâm lý của mọi người xung quanh mà còn tạo nên cái nhìn thiếu thiện cảm về người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Vụ một nữ hành khách gây rối trên máy bay xảy ra mới đây - Ảnh cắt từ clip |
Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng kém ý thức khi đi máy bay của một bộ phận người Việt Nam hiện nay, lý giải vấn đề này, GS-TS Tâm lý Vũ Gia Hiền chia sẻ: “Hiện nay người Việt Nam có điều kiện tiếp cận với may bay nhiều hơn, người dân được chính thức tham gia máy bay nhiều hơn. Trong đó có mấy nhóm đối tượng như những người thường xuyên đi làm việc hoặc học tập tại nước ngoài thì máy bay đối với họ quá quen thuộc. Nhóm thứ 2 là những người thành thị, dù chưa có điều kiện đi nước ngoài nhiều nhưng họ cũng có ý thức khá tốt và cẩn trọng khi đi máy bay. Nhóm thư 3 là những người ở nông thôn, bây giờ mới có điều kiện đi máy bay nên chưa hòa nhập được với môi trường máy bay. Có thể thấy đối tượng đi máy bay hiện giờ đang phân hóa rất nhiều. Ngày nay lại xuất hiện thêm một nhóm đối tượng gọi là ngông cồng, ngạo mạn, chứng tỏ mình hiểu biết và làm những việc bất bình hường trên máy bay. Và điều đáng nói là nhóm nay ngày càng có xu hướng nhiều lên và khá kệch cỡm với văn hóa đi máy bay quốc tế và văn hóa người Việt đi máy bay”.
Bên cạnh sự kém ý thức của một số hành khách, thì việc nhiều người sử dụng máy bay chưa có ấn tượng đẹp về ngành hàng không Việt Nam cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hành động kém văn hóa thời gian vừa qua. MC Phạm Vĩnh Phú bày tỏ quan điểm của mình: “Chính bản thân ngành hàng không chưa giữ được cho mình hình ảnh đẹp trong mắt hành khách như những vụ liên quan đến việc mất cắp hành lý, quăng thải hành lý của khách, delay… dẫn đến tâm lý chung cho những người đi máy bay có cái nhìn không tốt về hàng không. Nó giống như một quả bom nổ chậm, nên khi gặp những vấn đề gì nữa là bùng nổ ngay. Để khắc phục tình trạng này thì mong muốn ngành hàng không cần tự lấy lại hình ảnh đẹp của mình trước. Đưa hình ảnh đến với công chúng đẹp hơn”.
Trên thực tế, hậu quả của những hành vi thiếu văn hóa của một bộ phận người khi đi máy bay không hề đơn giản. Đối với cá nhân hành khách có hành xử kém văn hóa họ gây ấn tượng xấu với người xung quanh, thậm chí có thể bị cơ quan hàng không xử lý bằng các biện pháp mạnh như xử phạt tiền hoặc cấm bay. Đôi khi, vì hành vi thiếu ý thức của một số người lại chính là nguyên nhân dẫn đến trễ chuyến bay, ảnh hưởng đến toàn bộ hành khách trong chuyến bay và những chuyến bay khác. Bên cạnh đó, việc không tuân thủ những nguyên tắc an toàn bay theo đúng chỉ dẫn của tiếp viên hàng không còn có thể đe doạ tính mạng của cả phi hành đoàn. Và với tất cả những hành động không đẹp của một bộ phận người Việt sẽ dần dần làm xấu đi hình ảnh quốc gia trong mắt của du khách quốc tế.
Nếu như cách đây 10 năm, di chuyển bằng máy bay từng được coi là biểu hiện cho sự giàu có, xa hoa, thời thượng. Nhưng giờ đây, có thể bất kỳ ai cũng đang sở hữu ít nhất một bức ảnh chụp từ cửa sổ máy bay, kèm theo những dòng trạng thái bay bổng trên facebook. Sự thời thượng năm nào đã được kéo gần hơn tới túi tiền của người dân.
Có thể thấy tầng lớp hiện nay được phân hóa thành nhiều đối tượng khác nhau, điều đó có nghĩa là những luồng văn hóa họ mang lên theo chiếc máy bay mình đi, giờ đây cũng đa dạng hơn. Máy bay được xem là môi trường văn minh nhưng nhiều người vẫn chưa biết cách hành xử văn minh. Ở những quốc gia tiến bộ, hiện đại, mọi người rất giữ trật tự và có ý thức khi đi máy bay hay ở nơi công cộng, khiến ai cũng cảm thấy thiện cảm.
Nhưng ở Việt Nam, những nơi công cộng nói chung và trên máy bay nói riêng thường rất ồn ào, lộn xộn. Với tâm lý của một bộ phận người Việt Nam, luôn muốn được dành ưu tiên về phần mình mà không cần biết có làm ảnh hưởng đến người khác hay không. Ý thức xếp hàng, ngồi đúng vị trí và giữ trật tự nơi công cộng vẫn chưa trở thành văn hóa ứng xử cơ bản của họ trên máy bay. Một số thành phần còn mang trong mình lối suy nghĩ “khách hàng là thượng đế”, đồng nghĩa thượng đế có quyền làm những gì mình thấy thoải mái nhất. Vì vậy, đôi lúc họ phớt lờ sự nhắc nhở của nhân viên hàng không mà cứ làm những gì mình thích.
Trong những chuyến bay có trẻ nhỏ đi cùng thì việc quấy khóc trong điều kiện không thích ứng với môi trường máy bay làm ảnh hưởng đến những người xung quanh là chuyện bất khả kháng. Thế nhưng, điều đáng nói ở chỗ có một số ông bố bà mẹ đã thiếu tế nhị khi chăm sóc trẻ hoặc hành xử kém duyên để gây phiền cho người xung quanh. Chẳng hạn cho trẻ chạy nhảy vô tư trên máy bay hay nhét sau ghế chiếc tã được gói hững hờ bằng tờ tạp chí. Tất cả những hành động kém ý thức dù vô tình hay cố ý thì đều để lại những ấn tượng không tốt trong mắt người đối diện, đặc biệt là hình ảnh của người Việt Nam trong mắt khách quốc tế.
Ở những nước văn minh và phát triển trên thế giới, những quy tắc ứng xử văn minh trên máy bay rất được chú trọng. Họ sẽ dùng biện pháp nhắc nhở hoặc phạt. Nếu không đúng chuẩn mực họ sẽ xử lý rất chặt chẽ. Ở Việt Nam, khi được nhắc nhở nhiều người còn tỏ ra khó chịu, thậm chí không làm theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên và đôi khi xảy ra những sự cố đáng tiếc. Thiết nghĩ, văn hóa ứng xử khi đi máy bay cần được các hãng hàng không Việt Nam chú trọng nhiều hơn. Đối với những người quấy rối, phá trật tự, ngạo mạn thì chúng ta cần đưa ra những biện pháp kỷ luật khắc khe hơn để mang tính răn đe. Bởi lẽ, việc ứng xử thiếu văn minh không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn làm xấu hình ảnh quốc gia.
Để những người còn bỡ ngỡ với việc đi máy bay có thể hiểu vào hòa nhập vào môi trường hàng không thì các hãng hàng không cần thiết có nhiều hơn nữa những video clip hướng dẫn mọi thao tác cần thiết trong chuyến hành trình. Bên cạnh đó, với tinh thần tương thân tương ái, những người có điều kiện và am hiểu việc đi máy bay nên chủ động giúp đỡ những người già, trẻ em nếu có thể, để chúng ta có một nền dân trí đồng đều trên máy bay hội nhập quốc tế. Đồng thời, mỗi cá nhân cũng cần tự xây dựng cho mình một nền tảng ứng xử văn minh, góp phần xây dựng văn hóa của người Việt đi máy bay ngày càng tiến bộ dần xóa đi những hình ảnh thiếu thiện cảm của người nước ngoài với dân tộc ta cũng như tạo ra một cái nhìn hoàn toàn mới về Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.