Hai chiếc xe hơi mà trên xe chỉ có hai tài xế chiếm hết con đường Trương Quốc Dung (Q. Phú Nhuận, TP. HCM) sáng 9-11. Xe gắn máy chỉ còn nước leo lề - Ảnh: M.C |
Trưa 10-11, Sài Gòn nóng rát mặt. Chiếc xe hơi đi hẳn trong phần đường xe máy, sát lề phải. Người con học tiểu học một trường gần đó ngồi sau xe rúm người lại trong nắng. Hẳn cả hai cha con đều muốn về nhà nhanh nhưng bị chiếc xe hơi cản đường.
Nhiều người xung quanh ngó vô chiếc xe hơi. Trong xe chỉ một người, tài xế đang nói chuyện với ai đó qua điện thoại nên đã cho xe chạy rất chậm, đi tà tà ngay trong luồng xe hai bánh, khiến xe máy nào muốn quẹo phải đều vô phương.
Trong xe, máy lạnh thổi phà phà... Hẳn vị tài xế kia không biết nỗi khổ của luồng xe gắn máy xung quanh đang bừng bừng trưa nắng Sài Gòn.
Chắc chắn đây không phải là hiện tượng hiếm hoi nếu không muốn nói khá phổ biến trên đường phố hôm nay mà những người đi xe máy ai lại từng chưa nếm trải: biết bao lần đi đường bị một, nhiều chiếc xe hơi cản đường một cách đáng sợ.
Sài Gòn vô số đường nhỏ, chỉ cần hai xe hơi bốn chỗ qua lại là kẹt cứng. Nhưng nhiều xe hơi vẫn cứ lao vô, chen nhau với xe hai bánh. Đường lớn như Nguyễn Văn Trỗi thì giờ vô ca buổi sáng ai cũng thấy hàng ngàn xe hơi xe hơi bốn chỗ, bảy chỗ lao sang phần đường xe hai bánh, chèn ép xe hai bánh thê thảm.
Bao nhiêu lần tôi chứng kiến cảnh những bà mẹ chở con đi học, những bà mẹ trẻ đang thai nghén đi xe máy, xe đạp điện loạng choạng tay lái khi bị những chiếc xe hơi chèn ép. Đàn ông con trai không khó leo lên vỉa hè để né, nhưng phụ nữ thì làm sao làm được vậy.
Giờ vào ca hay giờ tan tầm, Sài Gòn đường nào cũng hóa chật chội, vậy mà nhiều chiếc xe hơi bảy chỗ bự như xe tăng chỉ có một người trên xe. Họ ghé vô một quán ăn, đậu xe ngay trên lòng đường, choán hết lòng đường để chậm rãi vô quán ăn một tô phở, uống một ly cà phê…
Theo thống kê mới nhất (7-2015), TP. HCM có hơn 500.000 ôtô, trong đó xe hơi gần một nửa. Xe máy có 6 triệu.
Thoạt nhìn có vẻ xe máy là nguyên nhân gây kẹt xe. Nhưng ai chẳng biết 6 triệu xe máy này ít nhất phục vụ 6-7 triệu người (nếu mỗi xe chở duy nhất một người – chuyện không bao giờ xảy ra).
Nếu 6 triệu xe máy xe máy ở TP. HCM cùng đổ ra đường; bình quân mỗi xe chở 1,5 người, tổng số xe đó phục vụ 9 triệu người. Mỗi xe chiếm diện tích 1,5m2, tổng cộng choán 9 triệu m2. Mỗi người đi xe máy chiếm 1m2 đường.
Còn 250.000 xe hơi, mỗi xe chiếm diện tích mặt đường ít nhất bằng 4-6 xe máy (5-8m2), tổng cộng 2 triệu m. 2 triệu m phục vụ 500.000 người (nếu mỗi xe hơi chở hai người, bao gồm cả tài xế). Mỗi người 4m2.
Thủ phạm gây kẹt xe đã rõ!
Mới đây nhất, Khu quản lý giao thông đô thị số 1, Sở GTVT TP. HCM vừa đề xuất phương án điều chỉnh giao thông tại giao lộ Hoàng Minh Giám - Phổ Quang - Đào Duy Anh. Trong đó, cấm xe hơi từ 6 - 12g từ đường Phổ Quang vào đường Hoàng Minh Giám. Cũng với thời gian trên, cấm xe hơi quẹo trái từ đường Đào Duy Anh vào hẻm 54, 108, 134 đường Đào Duy Anh.
Trước đó, khu vực ngã tư Hàng Xanh, tại giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và D5, giải pháp tạm thời là cấm xe hơi chạy vào đường D5 từ 6-9g, 16-19g hướng từ đường D2 vào D5.
Nếu xe hơi không gây kẹt sao lại cấm?
Tôi không phản đối xe hơi vì đất nước phát triển thì xe hơi sẽ là phương tiện đi lại chính. Nhưng đó là chuyện tương lại. Còn bây giờ, đường sá nhỏ hẹp; bao nhiêu người có khả năng mua xe hơi?
Vậy mà đường sá vẫn dành hơn nửa đường cho xe hơi – vốn chỉ chiếm khoảng 10% người dân. Còn 90% bà con đi xe máy thì chỉ được một nửa, thậm chí 1/3 như ở đường Phạm Văn Đồng, Cộng Hòa… và vô số con đường ở Sài Gòn hôm nay.
Sao "đời" lại bất công như vậy?
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.