Lấn đường, đi sai làn gây ùn tắc giao thông- một trong những biểu hiện ý thức kém. (ảnh: KT) |
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 171/2013) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Theo Ban soạn thảo, trong quá trình triển khai Nghị định 171/2013, một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính còn bất cập, trong đó có tình trạng tai nạn giao thông vẫn tăng, tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến, tái phạm và hết sức nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn giao thông... Trước những bất cập nêu trên, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xây dựng nghị định thay thế nghị định 171.
“Ý thức của người Việt rất kém”
Quan tâm đến dự thảo này, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nghị định quá dài lại quá nhiều điều khoản. Như thế việc để người dân hiểu được và thực hiện khá khó khăn, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền.
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cho rằng, cũng cần phải cân nhắc việc phạt tiền như thế nào để đảm bảo tính khả thi. Tùy từng đối tượng để có mức phạt phù hợp, vừa đảm bảo tính răn đe, vừa đảm bảo tính khả thi. “Những đối tượng như bán hàng rong nếu phạt vài chục nghìn là người ta đã hết cả ngày ăn rồi. Nhưng có đối tượng phạt cả vài chục triệu cũng không tác dụng, nên trong mức hình phạt phải tính toán như thế nào cho phù hợp. Chúng ta phải răn đe để người vi phạm chấp hành kỷ cương kỷ luật là chính. Còn làm cách nào cho phù hợp là việc của Bộ GTVT. Nếu đụng một tí là đem ra phạt tiền thì không ổn”.
Theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, hiện nay công tác tuyên truyền về an toàn giao thông ở trường học đang làm khá tốt. “Tôi đã chứng kiến ông bố chở một đứa con sau xe, khi bố vi phạm Luật giao thông, đứa trẻ đã nhắc nhở bố. Hiện nay tất cả các học sinh đều biết đèn màu gì thì được đi và đèn nào thì phải dừng lại… Tuy nhiên, trẻ em có thể biết và thực hiện luật, nhưng cũng khá lo ngại là về lâu dài, nó có thực hiện như vậy không khi chính các bậc cha mẹ lại không tuân thủ luật giao thông đang phổ biến hiện nay”.
Phải có quy định quản lý được taxi, xe ba bánh
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cho rằng, tình trạng vi phạm giao thông phổ biến hiện nay vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông. Mặc dù Bộ GT-VT đã đưa ra nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông nhưng tai nạn giao thông càng nhiều. Thậm chí nhiều nơi còn dùng cả biện pháp tâm linh, cầu siêu, cầu nguyện nhưng tai nạn vẫn không giảm.
“Người tham gia giao thông vẫn chưa có ý thức, mặc dù trên đường rất nhiều khẩu hiệu nhắc nhở, như “nhanh một phút, chậm cả đời”, “an toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”… nhưng người Việt vẫn có thói quen vội vàng, tranh thủ… Thậm chí lên máy bay đã có số ghế rõ ràng, đúng giờ thì máy bay mới cất cánh nhưng nhiều người vẫn có thói quen chen lấn. Ý thức của người Việt rất kém. Thế hệ chúng ta đang không được giáo dục đến nơi đến chốn”- Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm trăn trở.
Theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, ở Hà Nội một dạo người ta lo lắng về việc xe buýt gây mất an toàn cho người đi đường, nhưng gần đây xe buýt đã thay đổi khá nhiều. Loại phương tiện đáng ngại nhất hiện nay lại là taxi. Phương tiện vi phạm giao thông nhiều nhất có lẽ là taxi. “Taxi ở Hà Nội bây giờ rất nhiều hãng, cạnh tranh nhau khá khốc liệt. Trong khi họp Quốc hội, có đại biểu đã phải thốt lên: “Khi lên taxi thì bắt đầu lo, lo cho đến khi ra được khỏi taxi”. Chúng tôi ngồi taxi cũng không thấy an toàn tí nào, taxi thường vượt lên tất cả các phương tiện khác, nhiều khi lách lên vượt cả đoàn xe ưu tiên. Bộ GTVT cũng nên có quy định với Hiệp hội taxi như thế nào để phải có tính răn đe các lái xe taxi”.
Một loại phương tiện gây cản trở và mất an toàn nữa là xe ba bánh, thường gọi là "xe thương binh". “Cách đây vài năm, Bộ GTVT đã có ý định cấm xe ba bánh, nhưng họ tập trung trước cửa Bộ vài trăm xe và chủ trương này không thực hiện được. Nhiều người chăng cờ, chăng khẩu hiệu để quảng bá cho xe ba bánh của thương binh hoạt động là hợp pháp. Trong số đó cũng không ít người mượn danh thương binh để làm càn, nhiều người mắc võng nằm trên xe ba bánh lưu thông trên đường phố nhìn rất phản cảm. Theo tôi, cần có chính sách cho thương binh, tạo công ăn việc làm ổn định cho họ để họ không sử dụng phượng tiện này để kiếm sống nữa”- Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm nói.
Gây tai nạn, chỉ phạt 250.000 đồng là quá nhẹ
Trong Khoản 3, Điều 5 về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định, phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với người điều khiển xe không sử dụng đủ đèn chiếu sáng từ 19h ngày hôm trước đến 06h sáng ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều.
Theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, quy định này không phù hợp với thời tiết miền Bắc. “19h mùa đông đã rất tối, nhất là đường nông thôn thì việc không bật đèn là rất nguy hiểm. Ở nông thôn 19h là "khuya" lắm rồi, có khi cả làng đã đi ngủ. Nếu đi xe không bật đèn thì dễ gây tai nạn cho người đi đường. Vì thế nên để từ 18h đến 6h sáng hôm sau là phù hợp”.
Tại khoản 3, Điều 8 dự thảo Nghị định quy định về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, trong đó đề xuất: Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường; Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cho rằng, điều khiển xe mà lạng lách, đánh võng… gây tai nạn giao thông mà xử phạt 250.000 thì đối với những người này là quá nhẹ. “Gây tai nạn cho người ta xong rồi mà mất có 250.000 đồng thì chả có nghĩa lý gì. Nếu người bị tai nạn tử vong, sao mà đền được mạng cho họ!”./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.