Tuyến QL1 qua Phú Yên liên tục chịu thiệt hại từ thiên tai, mưa lũ
Ngày 20/10, Khu QLĐB III (Cục đường bộ Việt Nam) cho biết, đơn vị này vừa có công văn phúc đáp Sở GTVT Phú Yên về việc cung cấp thông tin sửa chữa hư hỏng, bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh trong giai đoạn năm 2021 – 2022 theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên.
Nội dung văn bản cho biết, tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh Phú Yên do Khu QLĐB III quản lý có lý trình từ Km1243+00 - Km1366+546 với chiều dài 134,6km. Trong đó, Khu QLĐB III trực tiếp quản lý khai thác 102,4 km.
Còn các nhà đầu tư BOT quản lý khai thác 32,1km. Cụ thể: Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định quản lý, khai thác đoạn Km1243+280 – Km1265; Công ty CP đầu tư Đèo Cả - Khánh Hòa quản lý, khai thác đoạn Km1297+650 – Km1298+650 và Km1350+00 – Km1350+300 (đang trong giai đoạn bảo hành).
Theo nội dung văn bản, trong năm 2021-2022, do ảnh hưởng của các cơn bão số 5, 7, 8, 9 (năm 2021), cơn bão Noru (năm 2022) và mưa lớn kéo dài liên tục trên địa bàn tại khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng làm sạt lở đất đá, tràn lấp rãnh dọc, mặt đường. Nền mặt đường phát sinh hư hỏng ổ gà, ổ gà xen lẫn rạn nứt nặng, sình lún gây nguy cơ mất ATGT, đặc biệt đoạn tuyến QL1 qua Phú Yên.
Thực hiện khắc phục đảm bảo giao thông, năm 2021, Khu QLĐB III đã thực hiện, hoàn thành công tác khắc phục thiên tai bảo đảm giao thông bước 1 (KPTT, BĐGT bước 1) với khối lượng hót sụt đất 2.200m3; hót, phá đá 250m3, BĐGT tạm bằng cấp phối đá dăm trộn xi măng 3.760m3; sửa chữa hư hỏng mặt đường bê tông nhựa dày (5-13cm) 49.538 m2; sình lún 23.670 m2; kè rọ đá 76 rọ, rãnh dọc hư hỏng 799m dài, với tổng kinh phí khắc phục 50,2 tỷ đồng.
Trong năm 2022, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ ngày 1/8 – 4/8, cơn bão số 4 (bão Noru) từ ngày 24/9-30/9 và hoàn lưu bão, trên địa bàn tỉnh Phú Yên xuất hiện tình trạng hư hỏng nền mặt đường trên QL1. Đến thời điểm hiện tại, khối lượng hư hỏng mặt đường, ổ gà sâu (7 – 13cm) 14.500 m2, sình lún: 6,300 m2. Kinh phí thiệt hại ước tính khoảng 22 tỷ đồng.
Nội dung văn bản nêu rõ: Việc hư hỏng này, nguyên nhân một phần do ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu khắc nghiệt khu vực miền Trung-Tây Nguyên; các đợt mưa lớn kéo dài, các cơn bão lớn xuất hiện nhiều và liên tục. Như trong năm 2021, theo thống kê từ ngày 10/9 – 31/12 có 67 ngày mưa liên tục và các đợt mưa rải rác trong tháng.
"Số ngày mưa kéo dài, diễn biết thời tiết còn phức tạp, công tác triển khai sửa chữa để ĐBGT gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện thi công cũng như đảm bảo chất lượng. Thời tiết mưa liên tục không thể vá sửa triệt để bằng bê tông nhựa nóng nên chỉ vá sửa tạm để ĐBGT bằng vật liệu phù hợp với điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, do vá tạm trong mưa nên miếng vá tiếp tục hư hỏng, phải thực hiện nhiều lần nên gây khó khăn cho đơn vị", văn bản Khu QLĐB III phân tích.
Theo văn bản của Khu QLĐB III, tuyến QL1 qua tỉnh Phú Yên nhiều khu vực có địa hình đèo dốc, điều kiện địa chất và thủy văn phức tạp. Nhiều đoạn thường xuyên chịu ảnh hưởng của nước ngầm cộng với thời tiết bất lợi, nền móng đường bị ngậm nước đã làm suy giảm khả năng chịu lực của nền móng đường.
Cùng với đó, tuyến QL1 qua địa bàn Phú Yên, hiện trạng mặt đường sau nhiều năm khai thác đã xuống cấp cần phải sửa chữa, bảo trì, nhu cầu sửa chữa lớn nhưng do nguồn vốn còn hạn chế nên không đáp ứng được nhu cầu.
Cụ thể, trong năm 2021, tuyến QL1 qua Phú Yên cần sửa chữa 22,78km, tương ứng với kinh phí 118,076 tỷ đồng, tuy nhiên, khối lượng bảo trì, sửa chữa được 5 công trình, tương ứng 10,38km, với kinh phí 63,466 tỷ đồng. Tỷ lệ đáp ứng như cầu vốn tương ứng 53,7%.
Trong năm 2022, nhu cầu sửa chữa là 19,3km, tương ứng với kinh phí 258,3 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ đáp ứng nhu cầu vốn cũng chỉ 48,6% (khối lượng triển khai sửa chữa được 8 công trình, tương ứng 15,90km với kinh phí 125,541 tỷ đồng).
Tương tự, trong năm 2023, nhu cầu khối lượng sửa chữa khoảng 28,7km, tương ứng với kinh phí 262,7 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ đáp ứng nhu cầu vốn tương ứng 65,9%.
Nỗ lực vượt khó, đảm bảo giao thông trong mọi tình huống
Trước những hư hỏng tuyến QL1 qua địa bàn Phú Yên trong năm 2021-2022, Khu QLĐB III đã chủ động triển khai khắc phục theo phương án 4 tại chỗ "chỉ huy tại chỗ - lực lượng tại chỗ - vật tư, phương tiện tại chỗ - hậu cần tại chỗ" và 3 sẵn sàng "chủ động phòng tránh – đối phó kịp thời – khắc phục khẩn trương, có hiệu quả" để khắc phục ĐBGT trong thời gian nhanh nhất.
Ngay sau khi xảy ra hư hỏng, Khu QLĐB III đã triển khai ngay công tác KPTT, BĐGT bước 1 trên địa bàn Phú Yên. Các đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên (QLBDTX) chủ động triển khai ngay công tác vá sửa các ổ gà bằng bê tông nhựa nguội (BTNN), nhằm đảm bảo giao thông (ĐBGT) trước mắt, giúp phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn. Công tác vá sửa BĐGT hiện được triển khai thực hiện thường xuyên, đồng thời với công tác sửa chữa khắc phục hư hỏng mặt đường.
Không những vậy, để tăng cường khả năng chịu tải của kết cấu áo đường và hạn chế tác động do ảnh hưởng của nước ngầm, trong thời gian qua, Khu QLĐB III đã chỉ đạo thí điểm thi công với giải pháp xử lý sình lún bằng vật liệu cấp phối đá dăm cải thiện 5% xi măng dày trung bình 42cm bằng với cao độ mặt đường hiện tại nhằm đảm bảo giao thông trong điều kiện thời tiết bất lợi và khi thời tiết thuận lợi, tiến hành cào bóc dày 12cm và hoàn trả bằng BTN.
Đến thời điểm hiện tại, chưa thể thi công lớp mặt BTN do thời tiết bất lợi, nhưng qua hơn 10 ngày thông xe trực tiếp trên bề mặt lớp CPĐD cải thiện 5% xi măng. Lớp kết cấu đảm bảo ổn định, phương tiện lưu thông thuận lợi và an toàn. Kết quả được chính quyền địa phương ghi nhận và dư luận xã hội đồng tình và phù hợp với điều kiện thời tiết rất bất lợi (liên tục thay đổi, ngày nắng ngày mưa đan xen, thời gian mưa kéo dài).
"Ngoài ra, Khu QLĐB III còn yêu cầu bổ sung phụ gia nhằm đảm bảo khả năng dính bám giữa đá với nhựa đường theo quy định do chỉ tiêu dính bám giữa nhựa đường với đá dăm tại các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Phú Yên chỉ đạt mức cấp 2.
Tuy nhiên, việc xử lý khắc phục các hư hỏng trên đòi hỏi kinh phí lớn và phải được các cấp thẩm quyền chấp thuận. Hiện Khu QLĐB III đã báo cáo khối lượng thiệt hại bão lũ và đề xuất phương án xử lý các hư hỏng theo các giải pháp trên để báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận và thực hiện công tác sửa chữa, khắc phục thiên tai theo đúng quy định", văn bản của Khu QLĐB III cho biết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.