Điện Biên: Cải thiện hệ thống giao thông phát triển kinh tế - xã hội

Tác giả: PHẠM DƯƠNG

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 30/05/2016 06:04

Trong những năm qua, nhiều tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp như: QL12, QL6, QL279, QL4H. Điều này góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh - quốc phòng. Công tác quản lý GTVT đã được quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, hạn chế TNGT. Tuy nhiên, hiện nay, hiện trạng hệ thống GTVT Điện Biên vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

Cải thiện hệ thống giao thông phát triể
Một góc thành phố Điện Biên Phủ

Tổ chức quản lý chặt chẽ

Theo UBND tỉnh Điện Biên, trong thời gian qua, về công tác xây dựng cơ bản, Tỉnh đã thực hiện tốt công tác quản lý thực hiện các dự án kể từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo đảm tính hiệu quả, tính khả thi của dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong quá trình quản lý thực hiện từng dự án không bị gián đoạn, được quản lý và quyết toán theo đúng quy định.

Công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ luôn được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo thông suốt, an toàn trong mọi tình huống. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra phát, hiện, ngăn chặn các hiện tượng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, các vị trí đấu nối trái phép và chỉ đạo triển khai thực hiện giải phóng hành lang ATGT.

Về đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, các nhà thầu đang thi công các công trình giao thông xây dựng phương án và thực hiện các biện pháp nhằm chủ động kịp thời khắc phục hư hỏng do thiên tai gây ra trên tất cả các tuyến đường đang quản lý, không để ách tắc kéo dài, đảm bảo ATGT.

Để đảm bảo điều kiện ATGT của kết cấu hạ tầng giao thông trong tất cả các bước đầu tư xây dựng công trình giao thông, UBND tỉnh đã giao cho các ngành, các cấp thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và bảo vệ công trình giao thông, nâng cao chất lượng của công tác đăng kiểm, đào tạo sát hạch, cấp GPLX và thực hiện các biện pháp ổn định trật tự, phòng ngừa tai nạn trong tổ chức vận tải.

Theo UBND tỉnh, chỉ trong 4 tháng, từ ngày 16/12/2015 đến 15/4/2016, toàn tỉnh Điện Biên chỉ xảy ra 17 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 13 người chết, 12 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước giảm 11 vụ (39,2%), giảm 2 người chết (13,3%) và 18 người bị thương (60%). Để có kết quả đó, UBND tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo TTATGT, phòng ngừa tai nạn, đặc biệt là việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thực hiện bằng nhiều hình thức đi đôi với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đồng thời, công tác kiểm soát tải trọng xe cũng được quan tâm, chú trọng. Các trạm cân tải trọng xe được duy trì hoạt động liên tục 24/24h trong ngày và 7 ngày trong tuần trên QL12. Các tổ công tác đã kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng xe dừng, đỗ hai đầu trạm cân, đi vòng tránh hoặc chuyển tải để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải. Sở GTVT và công an tỉnh đã bố trí tổ công tác gồm 4 cán bộ, thanh tra và 2 CSGT tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong quý I/2016, tổ công tác đã kiểm tra 1.929 trường hợp, số xe vi phạm về tải trọng và các vi phạm khác như sang tải, chuyển tải là 58 xe.

Cần được quan tâm hơn nữa

Theo UBND tỉnh Điện Biên, hệ thống GTVT đường bộ từ tỉnh, huyện, xã, thôn, bản nhìn chung còn nhiều khó khăn, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Tỉnh. Nguyên nhân một phần là do nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông của Tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào trung ương, tuy nhiên trong những năm gần đây lại bị cắt giảm đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển GTVT địa phương.

Đồng thời, nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ rất hạn chế nên việc duy trì đảm bảo giao thông rất khó khăn. Đặc biệt hiện nay, yêu cầu phát triển, nâng cấp hệ thống giao thông, nhất là hệ thống tỉnh lộ, đường đến xã, bản, còn rất lớn trong khi tỉnh Điện Biên chưa có khả năng tự đảm bảo nguồn lực để giải quyết.

Cải thiện hệ thống giao thông phát triể
Một tuyến giao thông liên xã của huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng đường hàng không chưa được đầu tư đồng bộ. Cảng Hàng không Điện Biên mới chỉ đáp ứng việc tiếp nhận tàu bay từ ATR72 trở xuống với tần suất 2 chuyến/ngày, làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khai thác thế mạnh của khu vực, vùng. Tiếp đó, hạ tầng giao thông đường thủy chưa được đầu tư nên chưa phát huy được thế mạnh để vụ phát triển kinh tế vùng.

Do đó, để kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng theo hướng phát triển đồng bộ, tuân thủ quy hoạch được duyệt, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn Tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên đặt ra 3 vấn đề trọng tâm là phát triển giao thông đường bộ, hàng không và đường thủy nội địa; phát triển hạ tầng giao thông nông thôn và một số nội dung khác.

Cụ thể, đối với phát triển giao thông đường bộ, hàng không và đường thủy nội địa, hiện nay do đang gặp khó khăn về vốn nên tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ GTVT xem xét cho ứng vốn năm 2017 ở một số dự án thuộc 3 lĩnh vực này.

Điều kiện GTVT của Tỉnh còn nhiều khó khăn, không tự cân đối được nguồn lực nên Tỉnh đề nghị Bộ GTVT ưu tiên giao, phân bổ tăng nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ của Trung ương cho Tỉnh để có kinh phí duy tu, bảo trì, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường tỉnh, huyện… đang quản lý để phục vụ nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.

Ý kiến của bạn

Bình luận