Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017 là cơ hội để các DN khởi nghiệp tìm kiếm nguồn đầu tư |
Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cuộc họp liên quan (SMEMM) đã diễn ra vào sáng ngày 11/9 tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị đã thu hút khoảng 300 đại biểu trong nước và quốc tế từ 21 nền kinh tế thành viên, bao gồm mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, các quỹ đầu tư, các vườn ươm, doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, hỗ trợ về khởi nghiệp, các tập đoàn xuyên quốc gia đã tới tham dự hội nghị.
Hàng loạt các cuộc họp, hội thảo của các uỷ ban, các nhóm công tác của APEC đã diễn ra trong khuôn khổ hội nghị. Các đại biểu đã thảo luận về nội dung nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ (MSMEs) đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp như: tạo điều kiện cho các MSMEs đổi mới, sáng tạo, xây dựng các cơ hội để hội nhập quốc tế, tiếp nhận chuỗi giá trị toàn cầu ngay từ khi khởi nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội một cách bền vững và thân thiện với môi trường.
Bộ Khoa học và Công nghệ, với vai trò đầu mối trong xây dựng và hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam tham gia APEC 2017 với 2 hoạt động chính là trưng bày, triển lãm sản phẩm, dịch vụ của startup và kết nối giữa startup với nhà đầu tư cùng khách hàng tiềm năng.
Diễn ra tại sự kiện, 20 doanh nghiệp xuất sắc nhất đã tham gia trình diễn, trưng bày sản phẩm/dịch vụ đổi mới sáng tạo của mình trong nhiều lĩnh vực như công nghệ giáo dục, công nghệ sinh học, công nghệ phục vụ nông nghiệp, công nghệ trong lĩnh vực tài chính...
Với ý tưởng về cung cấp hạ tầng tầng và ứng dụng trên điện thoại di động và website với nhiệm vụ quản lý trung tâm chăm sóc khách hàng cho các doanh nghiệp kết hợp giữa hình thức tổng đài chăm sóc khách hàng tương tác gọi ngay trên giao diện website và hình thức đầu số viễn thông trên di động, Gcall đã đạt giải startup triển vọng nhất.
Giải startup sáng tạo đã thuộc về Seedtech – nơi các nhà triển lãm giới thiệu các ứng dụng mới, hàng hoá mới hoặc các sản phẩm của họ cho người tham dự để thúc đẩy họ và tìm kiếm những cơ hội để ký hợp đồng và buôn bán hàng hoá.
Ecodemic và Edugix cùng đạt giải startup bền vững. Ecomedic là nơi các bác sĩ, dược sĩ có thể dễ dàng kết nối với cộng đồng qua nhiều các hoạt động tương tác trực tiếp như: hỏi đáp bệnh trực tuyến với bệnh nhân, đặt hẹn khám trực tuyến, khám chữa bệnh hội chẩn từ xa, đánh giá chuẩn xác phòng khám, nhà thuốc uy tín,.. Edugix tạo ra nơi cho các nhà xuất bản, các giáo viên thuê ebooks, các nguồn dữ liệu giáo dục cho các trường học (B2B), giáo viên, sinh viên (B2C).
Các đội thắng cuộc đã nhận được 1 năm mentorship đồng hành phát triển, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và mở rộng thị trường tại Hà Nội, 1 năm miễn phí 1 chỗ là việc giao dịch tại IOT Galaxy Hà Nội, 1 năm tư vấn miễn phí về IP (Intellectual property – sở hữu trí tuệ_ do IPNET phụ trách do Viz-start hỗ trợ, 1 năm tư vấn và mentorship tại coworkingspaceBingfaVillage.com của Regulus tại Tp.Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ chi phí thành lập từ VietCharm (Gcall: 40%, Seedtech, Ecodemic và Edugix 20%) và phí vận hành công ty tại Singapore (Gcall: 15%, Seedtech, Ecodemic và Edugix 10%).
Các khách tham quan đã có được nhiều trải nghiệm thú vị, cũng như có những cái nhìn cụ thể hơn về tiềm năng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm nguồn đầu tư, sự chú ý của truyền thông, hay là cơ hội để các nhà đầu tư mở rộng lựa chọn công ty khởi nghiệp. Đây là cơ hội để các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp thắt chặt hơn nữa mối liên hệ không tách rời lẫn nhau, cùng nhau phát triển và gây dựng nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày một vững bền, trưởng thành hơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.