Sau 5 tháng tu sửa, nhà gương trong công viên Thống Nhất, Hà Nội đã mang một diện mạo mới lạ với 2 triệu viên gốm nhiều màu sắc, dự kiến hoạt động từ đầu năm 2018.
Nhà gương Công viên Thống Nhất là điểm đến gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ 7X và 8X ở Hà Nội. Sau nhiều năm xuống cấp vắng khách, nhà gương đã được thay đổi diện mạo, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 1/2018.
Nhà gương hay còn được gọi là "nhà cười" được Chính phủ Tiệp Khắc xây dựng và tặng cho Việt Nam năm 1979. Nhiều năm qua công trình này xuống cấp và ế khách. Họa sĩ Thu Thủy và các cộng sự đã thực hiện ý tưởng cải tạo chỉnh trang nhà gương thành một công trình nghệ thuật gắn gốm. Tòa nhà có chu vi dài 60 m, cao trung bình 6 m, nơi cao nhất là 7,2 m, nơi thấp nhất 4,8 m.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết các hạng mục tu sửa đã gần như hoàn tất, chỉ còn công đoạn vẽ 3D trong gian phòng trưng bày tượng.
Bên trong mê cung gương, 50 tấm gương được thay mới sáng loáng, dưới sàn là những vòng tròn nước với san hô, cá , ốc, sò gốm, sỏi, gốm được những tấm gương phản chiếu vào nhau nhân lên như ống kính vạn hoa, tạo thành mê cung vô cực huyền ảo.
Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi đi chơi trong công viên Thống Nhất, được họa sĩ Thu Thủy mời vào bên trong tham quan.
Các bức tranh liên hoàn với những đề tài nối tiếp nhau, từ biển Hạ Long, sóng Trường Sa, trong lòng đại dương. "Đây là tất cả hình ảnh chúng tôi thu lại từ 5 lần ra Trường Sa để thực hiện công trình, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam", họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, người trực tiếp thực hiện dự án cải tạo nhà gương nói.
Những bức tường và sàn bên trong nhà gương được họa sĩ Thu Thủy và cộng sự tỉ mỉ gắn những viên gốm và sỏi gốm màu đủ các sắc độ tạo nên không gian dưới đáy đại dương lộng lẫy với đủ san hô, sò, ốc, sao biển, hải quỳ và các loài cá.
Tổng diện tích gốm được gắn lên tường bên ngoài, bên trong và sàn nhà gương lên đến 812 m2, trong đó mỗi mét vuông gốm gồm 2.500 viên gốm mosaic nhỏ cỡ 2 cm x 2 cm. Tổng cộng có hơn 2 triệu viên gốm nhỏ với đủ tone màu rực rỡ được gắn lên tường. Một năm chuẩn bị dự án, hai tháng trước đó đắp phù điêu và sản xuất mảnh gốm, các nghệ sĩ đã hoàn thành công trình sau 5 tháng thi công trực tiếp ngoài công trường.
Mê cung gương dẫn đến một phòng hình tròn có 8 tấm gương dị dạng được sản xuất tại Tiệp Khắc luôn khiến người xem cười ngất. Sàn nhà được làm mới bằng những miếng gốm màu sắc.
Bên trong phòng lớn là 3 bức tượng được Tiệp Khắc tặng khi hoàn thành nhà gương năm 1979 vẫn không thay đổi.
“Đây thực sự là niềm vui và vinh dự lớn đối với chúng tôi khi được khoác bộ cánh áo gốm nghệ thuật tươi sáng lên một công trình kiến trúc có nhiều kỷ niệm gắn bó với thế hệ người Hà Nội sau chiến tranh”, họa sĩ Thủy cho hay.
Nhà gương nằm gần cửa chính công viên Thống Nhất trên đường Trần Nhân Tông, Hà Nội. Dự kiến sau khi khánh thành và nhận kỷ lục Guinness Tòa nhà gắn gốm với chủ đề đại dương lớn nhất thế giới (812 m2), nhà gương sẽ đón khách tham quan, hứa hẹn trở thành địa điểm check-in dành cho các bạn trẻ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.