Đìu hiu các bến xe liên tỉnh giáp ranh TP. Hồ Chí Minh

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 05/06/2017 14:11

Nằm ngay trung tâm các tỉnh, thế nhưng các bến xe liên tỉnh như Long An, Tiền Giang… lại vắng khách đến lạ lùng

 

Hình 2 -Bxe - Ml

Hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng cao thế nhưng trái ngược với xu hướng đó các bến xe khách liên tỉnh giáp ranh TP. Hồ Chí Minh lại vắng tanh.

Bến xe khách chủ yếu là “xe buýt”

Đơn cử như địa bàn tỉnh Long An, một trong những tỉnh giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh bến xe này dường như chỉ có xe buýt hoạt động là chủ yếu. Theo Sở GTVT tỉnh Long An, trên địa bàn có 13 đơn vị vận tải đang hoạt động, trong đó có 11 đơn vị hợp tác xã và 2 doanh nghiệp. Số tuyến nội tỉnh của địa phương này là 47 tuyến và chỉ có 13 tuyến liên tỉnh. Các đơn vị chủ yếu phục vụ hành khách đi trong tỉnh, còn đối với hành khách đi liên tỉnh thì rơi vào tình trạng “chết đứng”.  Trên thực tế, nhu cầu người dân đi các tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ… rất nhiều nhưng không hiểu vì sao các bến xe ngày càng phát triển theo kiểu “dậm chân tại chỗ”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực bến xe Long An nằm ngay trung tâm của tỉnh. Nơi giao thoa của các trục đường lớn và tuyến đường chính đều đi ngang khu vực, thế nhưng vẫn luôn vắng các xe khách và chỉ có xe buýt hoạt động nhộn nhịp. Quan sát tại bến xe, khu vực nhà để xe 2 tầng cũng trống trơn, khu bên trái bến xe chỉ có 2 - 3 quán nước. Tâm sự với chúng tôi, một người dân bán vé số khu vực bến xe cho biết: “Bến xe bây giờ vắng lắm, đa số các xe xuất bến đều là xe buýt là nhiều. Thỉnh thoảng chỉ có mấy người chạy xe ôm chở khách vào bến rồi tiện ghé quán nước thì bến xe mới “xôm tụ”. Còn lại bến xe đều rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Hồi trước bến xe còn đông đúc vì vẫn còn nhiều người dân đến bến xe để đi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh. Bây giờ, người dân đi xe buýt thì bất tiện, xe hư hỏng xuống cấp; trong khi thay thế xe khách đã có nhiều xe hợp đồng đưa rước tận nhà nên không có ai ra bến xe để đi. Rồi dần dần chẳng ai vào bến, các hộ kinh doanh cũng không mặn mà để vào bến nữa. Đến người dân bán vé số như chúng tôi cũng phải tìm chỗ đông người hơn để bán”.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo bến xe Long An cho biết: Bến xe đã thực hiện cổ phần hóa cách đây nhiều năm, từng bước nâng cao dịch vụ để phát triển bến. Thế nhưng trước tình trạng các xe khách liên tiếp chuyển bến, hoặc chuyển đổi các tuyến thành xe buýt đã khiến bến xe ngày càng khó khăn. Vị này cho biết, đơn cử như tuyến Tân An - Khánh Hưng cũng đã chuyển sang tuyến buýt.  Mặc dù đây là tuyến xe xuất phát từ trung tâm thành phố đi đến xã Khánh Hưng giáp nước bạn Campuchia nên lượng khách đi lại cũng rất nhiều. Nhưng trước những khó khăn nói trên các HTX và các doanh nghiệp dần dần chuyển sang tuyến buýt. Trước đó cũng đã có nhiều tuyến từ Tân An đi Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh), tuyến đi Đức Huệ, Hậu Nghĩa… cũng đã chuyển đổi sang xe buýt. Và việc chuyển đổi này cũng khiến cho hoạt động của bến xe sụt giảm do lệ phí xuất bến từ xe khách chuyển sang xe buýt cũng giảm theo (xe khách thu khoảng 70 - 100 nghìn đồng, xe buýt dưới 20 nghìn đồng). Hiện, bến xe đang gặp rất nhiều khó khăn và nếu một ngày nào đó chúng tôi không “cầm cự” được và phải phá sản thì đó cũng là điều không thể tránh khỏi, vị lãnh đạo này chua xót chia sẻ.

Xe hợp đồng “tung tăng” và bến xe bị “bóp nghẹt”

Cũng tương tự như tỉnh Long An thì trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tình trạng xe khách bỏ bến ngày một nhiều. Ghi nhận tại địa phương này, bến xe khách liên tỉnh cũng nằm ngay trung tâm dẫn vào thành phố thế nhưng quang cảnh đìu hiu, vắng vẻ vẫn diễn ra thường nhật ở đây. Chỉ đến những ngày cuối tuần, hoặc ngày nghỉ lễ thì bến xe mới có nhiều phương tiện ra vào. Còn lại những ngày thường thì bến xe này cũng rơi vào tình cảnh như Long An khi xe buýt nhiều hơn xe khách.

Ông Huỳnh Văn Nguyện - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết: Hiện nay, vấn nạn “xe dù, bến cóc” đang khiến các cơ quan chức năng đau đầu, đây là tình trạng chung xảy ra trên cả nước chứ không riêng tỉnh Tiền Giang. Sở GTVT cũng đã tăng cường lực lượng kiểm tra các xe hợp đồng trá hình này.

Giải thích nguyên nhân về thực trạng trên, ông Nguyện cho hay: Trên thực tế, việc các xe hợp đồng trá hình vào nội đô đón khách luôn được người dân ủng hộ. Hầu hết vì sự tiện lợi nên người dân luôn chọn loại hình này để đi. Các doanh nghiệp cũng mượn danh nghĩa “xe hợp đồng” để có thể di chuyển vào thành phố và đón khách. Việc này tạo sự bất bình và cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp khác. Chính vì thế, Sở GTVT đã nhiều lần tổ chức các đợt thanh, kiểm tra để xử lý các xe “chạy dù” này. Tuy nhiên, mỗi lần xử lý thì các doanh nghiệp này chấp hành nghiêm chỉnh và chuẩn bị các giấy tờ như hợp đồng đưa đón khách đầy đủ… vì vậy, sở chỉ xử phạt được hành vi đậu đỗ, hoặc đón khách sai quy định.

Còn theo Thanh tra Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh thì tình trạng xe hợp đồng “trá hình” chạy như tuyến cố định là hiện tượng thường xuyên diễn ra tại các thành phố lớn hoặc các khu đô thị đông dân cư. Tuy nhiên, công tác xử lý chưa được triệt để vì vướng đến cơ chế, các quy định pháp luật quản lý thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Mặc dù, ở TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác đã có những động thái tích cực để chấn chỉnh, xử lý nhằm hạn chế vi phạm. Thế nhưng đây chỉ là giải pháp kỹ thuật (tổ chức lại giao thông, cắm các biển báo cấm phương tiện dừng đỗ hoặc lưu thông trên các tuyến đường các khu vực). Đa số các giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, chưa mang tính căn cơ, bền vững.  Hiện, Thanh tra Sở đã tham mưu cho Sở GTVT tỉnh Long An góp ý để sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với loại hình kinh doanh vận tải theo hình thức xe hợp đồng theo hướng quy định siết chặt hơn trong tổ chức và quản lý nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc lách luật như hiện nay

Ý kiến của bạn

Bình luận