Hành khách chờ ở nhà ga Linh Đông để đi chuyến buýt sông lúc 7h. Ảnh: Hà An. |
7h ngày 21/11, con tàu màu cam có 75 ghế xuất phát từ ga Linh Đông với 4 khách. Đến ga Hiệp Bình Chánh cách đó hơn hai km tàu có thêm 10 người, qua ga Thanh Đa (quận Bình Thạnh), ga Bình An, có thêm 12 khách rồi cập bến Bạch Đằng lúc 7h55.
Nhà cách ga Linh Đông hơn cây số, gần hai năm nay anh Trịnh Duy Trí chọn buýt sông để đến công ty điện tử tại quận 1 làm việc. Mỗi sáng anh đi xe ôm từ nhà ra bến tàu hết 15.000 đồng, mua vé buýt sông 15.000 đồng; buổi chiều mất chừng đó chi phí để về nhà.
"Chuyến này ngày nào cũng nhiêu đây người thôi, mấy tháng liền. Vắng khách vì nó không tiện cho mọi người từ khu dân cư đi ra, tôi nghĩ vậy. Chi phí 60.000 đồng, hoặc ít hơn một chút, cho một ngày đi làm không phải ai cũng chịu bỏ ra", anh nói.
Cũng là khách quen của tuyến này, chị Phạm Hồng Hạnh (nhân viên văn phòng tại quận 1) cho rằng, buýt sông không hấp dẫn người dân vì có quá ít chuyến trong ngày. Tàu đầu tiên xuất phát lúc 7h tại ga Linh Đông thì gần 3 tiếng sau mới có chuyến khác. Điều này gây bất tiện cho người đi làm.
Buýt đường sông (Saigon WaterBus) khai trương tròn hai năm trước (11/2017) với kỳ vọng giúp người dân có thêm lựa chọn đi lại, "chia lửa" cho đường bộ đang ngày càng ùn tắc, và phát triển du lịch TP HCM. Tuy nhiên, hiện tuyến buýt này khá vắng khách. Chuyến đầu tiên trong ngày và lúc 17h đông nhất nhưng cũng chỉ đạt gần 50% số ghế. Các chuyến còn lại trung bình chỉ khoảng hơn chục người. Thứ bảy và chủ nhật đông hơn, đa số là người nước ngoài và các du khách từ nơi khác đến.
Ông Nguyễn Kim Toản (Giám đốc Công ty Thường Nhật, chủ đầu tư buýt sông) cho biết mất nhiều năm tìm hiểu hình thức vận tải đường thủy tại Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Thái Lan... Theo đó, có khoảng 70% người sử dụng phương tiện này để đi du lịch, số còn lại đi làm hằng ngày. Do vậy, tuyến buýt sông Sài Gòn cũng không nằm ngoài quy luật.
Trung bình từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, tuyến buýt đón khoảng 500 lượt khách mỗi ngày. Trong đó, 15-20% là người đi làm. Riêng thứ 7, chủ nhật và lễ Tết có thể lên đến hơn 2.000 người, do người dân và du khách muốn trải nghiệm sự mới lạ, đặc biệt của buýt sông. "Chúng tôi dự kiến làm thêm 4 nhà ga để người dân sử dụng thuận lợi hơn", ông Toản nói.
Trả lời PV, ông Hà Thanh Sơn (Trưởng Phòng quản lý Giao thông thủy, Sở Giao thông Vận tải TP HCM) cho biết, do chưa xây dựng đầy đủ các nhà ga, đặc biệt là ga trung tâm Bình Triệu (quận Thủ Đức) khiến buýt đường sông không được nhiều người chọn lựa, chưa phát huy hiệu quả như mục tiêu ban đầu.
Việc này sẽ được Sở và các bên liên quan sớm thực hiện, hoàn chỉnh hạ tầng trên bến, tăng thêm dịch vụ hỗ trợ hành khách... Phương án khác được Sở tính toán là điều chỉnh lộ trình của một số tuyến xe buýt đường bộ kết nối vào các bến của buýt sông, sử dụng xe điện để trung chuyển khách đến các nhà ga; làm các bãi trông giữ ôtô, xe máy cho hành khách.
Thống kê của Cảng vụ đường thủy nội địa TP HCM, trong 10 tháng đầu năm nay có khoảng 269.900 lượt hành khách đi buýt sông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.