Chiếc xe độ mang mã T150 mà Yamaha giới thiệu khi Exciter 150 "lên kệ" thể hiện kiểu gắp đơn và bánh PKL |
Vào thời điểm cuối năm 2015, báo chí Việt Nam tốn không ít giấy mực cho chiếc Yamaha Exciter 150 đầu tiên được độ dàn chân phân khối lớn với gắp sau R6 cùng cặp mâm R1. Tiếp theo đó, vẫn là chủ nhân của chiếc xe trên độ thêm một chiếc Exciter 135 lên 150 với dàn chân cơ bắp như mâm Rotobox carbon của R1M, giảm xóc trước Ohlins CBR1000RR SP với nhiều phụ kiện giá trị. Đất ăn chơi Sài thành gần đây cũng đón một chiếc Sonic độ khủng với toàn bộ đồ chơi từ đấu trường Moto 3 mà nổi bật là cặp mâm BST carbon.
Những bản độ gây ồn ào trên đã nhen nhúm cho phong trào độ "dàn chân" phân khối lớn (PKL) vào thân xác xe nhỏ.
Xoay quanh việc độ gắp, mâm, hệ thống phuộc xe PKL vào xe nhỏ đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như làm thế nào cân bằng trọng lượng cho xe? làm thế nào để xe có thể giữ độ ổn định nhất có thể? và những thay đổi kết cấu này có ảnh hưởng đến tốc độ của xe hay không?
Đầu tiên, việc độ gắp PKL lên xe nhỏ hiện đã không còn quá khó khăn. Còn nhớ vào thời điểm thú chơi này bắt đầu, gắp xe được nhiều biker chọn ưu tiên là loại gắp của Yamaha YZF-R6. Lợi thế của gắp này là chất liệu hợp kim nên cho trọng lượng nhẹ, không quá hầm hố như các mẫu 1000cc nhưng vẫn có nét cơ bắp hoành tráng. "Combo" quen thuộc của thời gian đầu cho phong trào này là gắp R6 kết hợp cùng mâm R1 với cặp phuộc Upside down phía trước, đĩa kép và phanh dầu đôi.
Theo garage Tự Thanh Đa, để gắn được gắp lớn lên xe nhỏ, các tay thợ phải tiến hành đo đạc, hàn các "patch" để phù hợp với khung nguyên bản trên xe, chế tạo patch phụ để gắn phuộc sau và canh thật kỹ trọng tâm xe cũng như tính toán độ dài, ngắn của trục cơ sở.
Sau khi tiến hành gắn được gắp, chiếc xe sẽ được thay thế nhông sên dĩa loại lớn của môtô để phù hợp với phần bánh phía sau. Còn về hệ thống treo trước, chảng ba sẽ được tháo bỏ và thường là CNC lại bộ chảng ba khác có đường kính phù hợp với loại phuộc cần gắn.
Phuộc Upside down cũng sẽ được tháo ty, cắt ngắn để giảm hành trình nhún cũng như rút gọn độ dài phù hợp với ghi đông xe nhỏ, không giống với các loại ghi đông clip-on trên sport bike. Với loại phuộc này và mâm PKL, chiếc xe sẽ sử dụng đĩa thắng kép và phanh dầu đôi phía trước. Bộ thắng này được truyền tải qua hệ thống dẫn dầu 2 dây được phân phối bởi tay cùm bên phải. Tuy nhiên, không phải loại cùm thắng nào cũng có thể cho ra áp suất mạnh để vận hành 2 heo dầu với tổng cộng 8 piston phía trước. Vì vậy, tay dầu phải được lựa chọn kỹ và loại Brembo Ducati luôn được ưu tiên bởi giá thành thấp, độ an toàn cao. Tuy nhiên, với những tay chơi có điều kiện thì sẽ thường sử dụng Brembo RCS 19 hoặc Brembo Billet Racing mà cao cấp hơn là Brembo Master Radial (Brembo Rossi). Hệ thống dầu này phân phối lực thông qua ngã 3 chia dây dầu chính thành 2 dây nhỏ cho 2 phanh dầu phía trước, lực bóp sẽ nhẹ nhưng chắc chắn đảm bảo an toàn cho hệ thống đĩa kép của xe.
Tiếp theo, bài viết sẽ đi sâu phân tích về ưu và nhược điểm của thể loại độ dàn chân PKL cho xe nhỏ. Nhiều người thường có suy nghĩ rằng những phụ kiện như gắp, mâm của PKL sẽ rất nặng, nếu gắn trên xe nhỏ sẽ tăng trọng lượng và giảm tốc độ đáng kể. Nhưng qua những khảo sát nhất định, điều này không hoàn toàn đúng, vì việc xe chạy nhanh hay chậm không hoàn toàn phụ thuộc vào trọng lượng, mà còn tính tới việc thiết kế khí động học, khả năng bám sát mặt đường của bánh xe cùng như bề mặt tiếp xúc của lốp xe...
Trong khi đó, "dàn chân" PKL cũng chưa chắc là nặng hơn của xe nhỏ, ví dụ bộ gắp hợp kim của R6 có trọng lượng tương đối nhẹ hơn gắp "zin" của Exciter 150, và nhẹ hơn rất nhiều so với một số loại gắp đồ chơi tầm trung hiện nay. Mâm R1 có trọng lượng nhẹ hơn mâm gang của Exciter, và thậm chí một số mâm hợp kim nhôm như của Marchesini, mâm carbon Rotobox BST hay gắp nhôm có trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều so với xe "zin". Vì vậy việc độ gắp và mâm xe PKL lên xe nhỏ sẽ không làm tăng trọng lượng.
Nếu nói tăng thì phuộc trước, đĩa kép, phanh dầu kép và nhông sên dĩa mới là những món đồ làm tăng trọng lượng xe, nhưng không đáng kể nếu biết cách kết hợp giữa các yếu tố lại với nhau. Vì theo nguyên lý, lốp xe PKL là loại lốp dùng cho việc so tốc độ, nên bề mặt tiếp xúc bánh với mặt đường là tương đối ít, như vậy đã giảm thiểu tối đa ma sát mặt đường, giúp xe chạy nhanh hơn với lốp có tiết diện lớn.
Theo một số chia sẻ của những người có kinh nghiệm, việc độ "chân lớn" sẽ kéo dài trục cơ sở xe. Nếu trên những chiếc xe đua chuyên nghiệp, việc kéo dài lại giúp xe chịu lực ép của gió và ghì sát mặt đường, tăng khả nang khí động học. Còn trên xe nhỏ, việc kéo dài này không hẳn cho xe thiết kế khí động học vì nó còn phải phụ thuộc vào thiết kế thân trên của xe. Để khắc phục nhược điểm này, người chơi thay thế phuộc trước upside down đã hạn chế góc lái của xe, biến chiếc xe như những chiếc môtô thật sự. Đổi lại, việc vào cua của xe sẽ tương đối khó khăn với những người không thật sự quen xe.
Tới thời điểm hiện tại, những bản độ cao cấp xuất hiện trong làng biker Việt sử dụng không ít "dàn chân" khủng khiếp từ các super bike mà điển hình là chiếc Winner vừa mới trình làng của thành viên CLB Motor Tân Phú.
Chiếc Winner này sử dụng hoàn toàn gắp mâm của Ducati 1199 Panigale, cho tới hệ thống treo sau cũng được đặt lệch và sử dụng patch tăng chỉnh phuộc trên Panigale. Hoặc những chiếc sử dụng gắp đơn, mâm hợp kim nhôm 3 chấu kép siêu nhẹ nhằm giảm trọng lượng.
Nhiều người thắc mắc khi lên đồ chơi như trên, chiếc phân khối nhỏ sẽ vận hành đường trường ra sao hay chỉ để trưng cho đẹp? Thực tế đã có một chiếc Exciter độ gắp mâm PKL vượt hành trình xuyên Việt mà vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối, vận hành ổn định như xe "zin" nguyên bản.
Chốt lại, cái giá phải trả cho việc độ xe nhỏ lên phong cách PKL thường rất lớn về tài chính, từ hàng chục tới hàng trăm triệu cho một bản độ hoàn chỉnh tuỳ vào loại đồ chơi cũng như lò độ thực hiện.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.