"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT – kỳ cuối: Trách nhiệm thuộc về ai?

Giao thông 24h 24/11/2022 06:28

Theo ghi nhận của PV Tạp chí Giao thông vận tải, những tình huống trục trặc phát sinh trong quá trình dạy và học lái xe theo DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe) đang được Cục Đường bộ VN tiếp nhận và yêu cầu các bên liên quan giải quyết triệt để nhằm đảm bảo quyền lợi của học viên.

Do thiết bị hay con người?

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí Giao thông vận tải, liên quan đến thiết bị DAT, trước thời điểm áp dụng Thông tư 04 về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị DAT, trong đó đưa ra những yêu cầu, điều kiện kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. 

Trên cơ sở quy chuẩn đó, các doanh nghiệp sẽ sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị đảm bảo các điều kiện, sau đó đưa thiết bị đến đơn vị được chỉ định thử nghiệm. Nếu đạt yêu cầu, sản phẩm sẽ được cấp chứng nhận phù hợp với quy chuẩn. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tự công bố hợp quy và gửi đến Cục Đường bộ VN công bố trên website.

"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT – kỳ cuối: Trách nhiệm thuộc về ai?   - Ảnh 1.

Sân sát hạch lái xe loại 2 thuộc Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình

Trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, trên cơ sở danh sách các đơn vị được chứng nhận đạt quy chuẩn, quá trình mua bán thiết bị DAT, chọn lựa nhà cung cấp nào hoàn toàn do các cơ sở đào tạo lái xe quyết định.

Theo ông Thống, vừa rồi có tình trạng một số sản phẩm khi đưa vào lắp đặt, truyền dữ liệu xảy ra trục trặc như mất kết nối, không nhận dạng người học, phiên học không được ghi nhận… thì phải xem xét lại thiết bị. Nếu thiết bị không đảm bảo, không đáp ứng được quy chuẩn thì đó là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, kể cả đường truyền từ thiết bị về máy chủ của cơ sở đào tạo.

"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT – kỳ cuối: Trách nhiệm thuộc về ai?   - Ảnh 2.

Thiết bị DAT gắn trên xe tập lái của Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe GS Cao Nguyên

"Chẳng hạn như việc mất dữ liệu, mất kết nối, trong quy chuẩn có đặt ra yêu cầu là thiết bị phải lưu được dữ liệu. Khi có kết nối trở lại thì phải truyền được dữ liệu về máy chủ cơ sở đào tạo. Còn việc truyền dữ liệu từ máy chủ cơ sở đào tạo về Cục Đường bộ VN là đường truyền internet bình thường, không ảnh hưởng gì cả. Bởi thực chất dữ liệu Cục tiếp nhận chỉ là số km, số giờ học của học viên, không phải dữ liệu hình ảnh, video mà có thể dẫn đến quá tải hay treo", ông Thống nói và cho rằng, khi bỏ tiền đầu tư thiết bị, nếu thiết bị gặp trục trặc thì cơ sở đào tạo cần phối hợp với nhà cung cấp để xử lý, vì Cục Đường bộ VN hay các Sở GTVT hoặc Bộ GTVT không can thiệp vào việc này.

"Với những tình huống trục trặc trong quá trình đào tạo lái xe theo DAT, có thể do thao tác chưa chuẩn hoặc thiết bị chưa đáp ứng được. Khi tiếp nhận những phản ánh từ địa phương, cơ sở đào tạo, Cục Đường bộ VN đã có văn bản gửi các Sở GTVT, các đơn vị cung cấp thiết bị, các đơn vị đào tạo, các đơn vị thử nghiệm, chứng nhận…, tùy vấn đề thuộc trách nhiệm đơn vị nào thì đề nghị đơn vị đó phải giải quyết", ông Lương Duyên Thống nói thêm.

Áp dụng thiết bị DAT tạo sự bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo lái xe

Tại Hà Nội hiện có 35 trung tâm đào tạo và 10 trung tâm sát hạch lái xe. Đánh giá cao chủ trương đưa thiết bị giám sát quãng đường và thời gian (DAT) trong đào tạo lái xe của Bộ GTVT, một cán bộ Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ tháng 6/2022 đến nay, Sở đã 2 lần tổ chức hội nghị đối thoại với các cơ sở đào tạo lái xe về: Thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý phương tiện và người lái, những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai đầu tư, lắp đặt, vận hành, sử dụng thiết bị DAT trong dạy và học thực hành lái xe trên đường của học viên.

"Nhìn chung, việc áp dụng DAT trong đào tạo lái xe là rất hiệu quả, khắc phục được tình trạng học và dạy lái xe kiểu đối phó hoặc học chỉ để thi lấy bằng", vị này cho hay.

"Tôi nghĩ chắc chắn chất lượng đào tạo, khả năng xử lý tình huống của học viên sẽ tốt hơn rất nhiều. Học viên khi tốt nghiệp, có bằng lái đã tự tin khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thay vì có bằng nhưng vẫn cần phải bổ túc tay lái như nhiều trường hợp trước đây. Còn với những trục trặc liên quan đến thiết bị DAT như phản ánh tại một số trung tâm thời gian qua, cơ bản cũng không phải vấn đề lớn. Các cơ sở đào tạo thay vì gửi văn bản, báo cáo lên Sở GTVT thì hoàn toàn có thể chủ động phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị để giải quyết triệt để các lỗi hoặc vấn đề phát sinh", vị cán bộ Sở GTVT Hà Nội cho hay.

"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT – kỳ cuối: Trách nhiệm thuộc về ai?   - Ảnh 3.

Sân sát hạch thuộc Trường Trung cấp nghề Bình Minh, tỉnh Quảng Bình

Trong khi đó, theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, khi rà soát thấy dữ liệu có bất thường thì Sở GTVT địa phương có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra. "Nếu thiết bị không đảm bảo thì theo Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Sở GTVT địa phương có quyền yêu cầu nhà cung cấp xem lại sản phẩm của mình hoặc Sở GTVT cũng có quyền yêu cầu gửi thiết bị đến các đơn vị chứng nhận, kiểm nghiệm đề nghị kiểm tra lại. Thậm chí khi phát hiện có dấu hiệu gian dối thì có thể gửi lên cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật", Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho hay.

Theo ông Thống, ở góc độ quản lý nhà nước, Cục Đường bộ VN gần như không can thiệp vào hệ thống quản lý dữ liệu, chỉ thuê đường truyền lưu dữ liệu để các Sở GTVT khai thác, xem khóa này có bao nhiêu học viên, trong đó bao nhiêu người đủ điều kiện…

"Cục Đường bộ VN đã phối hợp với đơn vị viết phần mềm tiếp nhận dữ liệu để nghiên cứu có phương án lọc các dữ liệu truyền về. Ví dụ như phiên học, giờ trùng nhau, số km trùng nhau, tuyến đường trùng nhau, từ đó có thể phát hiện ra những bất thường trong quá trình đào tạo lái xe theo DAT, sau đó chuyển cho các Sở GTVT rà soát, kiểm tra, xác minh", ông Thống nói và khẳng định, việc áp dụng thiết bị DAT trong đào tạo lái xe tạo ra sự bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh. Khi có gian lận thì xử lý.