Cảng Tân Vũ (Hải Phòng). Ảnh: huy khâm. |
Khai thác thêm các thị trường mới
Tiếp tục xúc tiến khai thác các thị trường mới, hợp lý hóa trong khai thác, điều hành sản xuất và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tăng thị phần và phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn là phương châm hoạt động của nhiều doanh nghiệp cảng biển trong năm 2019, khi mà khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển mới đã được áp dụng từ ngày 1/1/2019.
Năm 2019, VIMC đặt kế hoạch, sản lượng vận tải biển đạt khoảng 18 triệu tấn, hàng thông qua cảng khoảng 107 triệu tấn, doanh thu khoảng 12.714 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 710 tỷ đồng.
Trước đó, VIMC cũng đã chính thức ký kết hợp tác với Công ty MERIDIAN SHIPPING SERVICE GROUP mở rộng phát triển tuyến vận tải biển Nội Á. Theo đó, Trung tâm vận tải và Logistics Vinalines (VTAL) sẽ cùng Công ty MERIDIAN SHIPPING SERVICE GROUP phát triển mạng lưới đại lý hàng hải, tuyến vận tải biển Nội Á kết nối các cảng của VIMC với các cảng quốc tế tại Nhật bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Không chỉ VIMC tập trung vào việc mở các tuyến vận tải mới, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và xúc tiến khai thác thị trường mới, tàu LANTAU BEACH của hãng tàu SITC đã chính thức được đưa vào nhằm khai trương tuyến dịch vụ vận tải thứ 3 qua cảng Đà Nẵng với lịch trình: Danang – Ningbo – Shanghai – Hakata – Moji.
Với sản lượng thông qua cảng Đà Nẵng của SITC liên tục tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm với 2 chuyến tàu một tuần, đến nay SITC đã trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của cảng Đà Nẵng nên việc hãng tàu SITC mở tuyến dịch vụ mới đến cảng Đà Nẵng được đánh giá là sẽ góp phần làm sôi động hơn thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đến các cảng lớn khác trên thế giới, tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại cảng Đà Nẵng.
Đẩy mạnh liên kết
Bên cạnh những thuận lợi thì trong năm 2019 các doanh nghiệp cảng biển cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các hãng tàu nước ngoài. Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc điều hành Công ty Hàng hải Liên kết Việt Nam, trong thời gian tới, lĩnh vực vận tải container đường biển tiếp tục phát triển và rất cạnh tranh giữa các hãng tàu lớn trên thế giới. Các hãng tàu sẽ phải đóng tàu kích cỡ lớn để chở nhiều hàng hóa hơn, giảm chi phí, hạ giá thành, cạnh tranh nhau.
“Đáng chú ý, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam được hưởng lợi, nhờ đó, tiềm năng vận chuyển container đường biển từ Việt Nam đi Mỹ và các nước cũng như chiều ngược lại sẽ rất lớn. Chính vì vậy, các hãng tàu Việt Nam cũng cần đẩy mạnh liên doanh liên kết với các công ty hàng hải quốc tế với phương châm đôi bên cùng có lợi để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ trên nền tảng phối hợp chứ không phụ thuộc”, ông Vinh nhận định.
Đánh giá về tình trạng thiếu liên kết giữa các hãng tàu Việt hiện nay, ông Phùng Anh Đức, Phó Giám đốc Công ty Vận tải Dịch vụ Việt Thành An cũng cho rằng, mức liên kết giữa các hãng tàu trong nước hiện nay rất yếu, trong khi đó, trong tương lai để tăng được sức cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài cũng như nâng cao được chất lượng dịch vụ của mình thì việc liên kết với nhau là điều không thể tránh khỏi của các hãng tàu Việt. Bên cạnh đó, theo ông Đức, trong năm 2019, việc đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ của các doanh nghiệp cảng biển sẽ được tập trung cải tiến để tạo ra sự đột phá về sản phẩm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.