Doanh nghiệp logistics nội cần “kết giao” để vươn ra thế giới

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
22/09/2017 04:51

Với tình trạng 2/3 thị phần logistics trong nước rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước chưa thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài thì phải liên kết thành chuỗi cung ứng, tìm ra con đường nhanh và hiệu quả để vươn ra thị trường thế giới.

 

1_454532
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái

Hiện nay, trên thị trường logistics có thể kể đến các thương vụ liên kết giữa các doanh nghiệp nội với các doanh nghiệp ngoại như Công ty Cổ phần Logistics Hàng không (ALS) với Samsung SDS (công ty con của Samsung) thành công ty liên danh mang tên Công ty Cổ phần ALS-SDS (ALSDS). Theo đó, Samsung SDS sẽ cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, gồm vận chuyển hàng trong nước và quốc tế, dịch vụ kho bãi và khai thuế hải quan; phía ALS sẽ đóng góp mạng lưới khách hàng nội địa và tìm kiếm thêm khách hàng. Không những thế, thời gian qua nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giữa doanh nghiệp trong nước với các thương hiệu nổi tiếng thế giới đã được triển khai, giúp các doanh nghiệp có thêm động lực để phát triển.

Vào cuối năm 2016, ‘K’ Line, MOL và NYK - ba hãng tàu container lớn của Nhật Bản đã thông báo sáp nhập hoạt động vận chuyển container toàn cầu, bao gồm cả hoạt động khai thác cảng container bên ngoài nước Nhật để tạo thành một hãng duy nhất gọi là J Lines.

Sự thành lập J Lines còn là một tín hiệu tích cực cho hoạt động logistics tại Cái Mép - Thị Vải. Bởi vì, khâu khai thác cảng quốc tế cũng được đưa về trong liên doanh J Lines, đồng nghĩa với việc J Lines sẽ là nhà đầu tư tại cảng TCIT, điều này đảm bảo cho việc duy trì sử dụng cụm cảng của các hãng tàu Nhật Bản. Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư và tỉnh này đã thành lập một khu công nghiệp chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản (Khu công nghiệp Phú Mỹ 3). Đây sẽ là yếu tố quan trọng để J Lines làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp Nhật và thúc đẩy lượng hàng container từ các doanh nghiệp này giao nhận trực tiếp tại Cái Mép - Thị Vải nhiều hơn, tăng công suất hữu ích cho cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu và giảm áp lực cho cảng Cát Lái.

Thực tế, các hãng tàu Nhật Bản rất quan tâm đến việc phát triển các cảng container nước sâu tại Việt Nam, cả ở khía cạnh đầu tư lẫn khai thác. Hãng tàu MOL có vốn đầu tư tại cả hai cảng nước sâu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện (cảng container quốc tế Hải Phòng). Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã từng “kết giao” với các hãng NYK và Mitsubishi để thực hiện dự án khai thác cảng container đầu tư bằng vốn ODA tại Cái Mép - Thị Vải. Sự quan tâm đến Cái Mép - Thị Vải của MOL và NYK chứng tỏ rằng, các hãng này ghi nhận vai trò của cụm cảng và mong muốn khai thác nó ở mức cam kết cao nhất.

Trong những năm qua, vấn đề trên đã được nhiều doanh nghiệp logistics trong nước mong muốn và xây dựng thành mục tiêu để hướng tới. Bởi với việc Việt Nam đang tích cực mở cửa hội nhập với thị trường thế giới, nhu cầu vận tải, giao thương, xuất nhập khẩu giữa các doanh nghiệp sẽ ngày càng mạnh mẽ, giúp ngành Logistics có nhiều dư địa để phát triển, trong khi năng lực về kinh nghiệm, tài chính cũng như cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp logistics trong nước còn nhiều hạn chế.

Một khuôn khổ chính sách hỗ trợ sự phát triển của ngành Logistics đang được hiện thực hóa là Quyết định số 200/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 2 vừa qua. Theo kế hoạch chi tiết, ngành Logistics cần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về logistics; tăng cường liên kết với các hiệp hội và doanh nghiệp dịch vụ logistics khu vực ASEAN và trên thế giới; thu hút đông đảo doanh nghiệp logistics nước ngoài đến làm ăn, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Đặng Văn Hiếu - đại diện Công ty Cổ phần ALC Việt Nam cho biết: Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn chung, đó là công tác kiểm tra chuyên ngành quá nhiều và chồng chéo giữa các bộ. Góp ý cho khó khăn này, ông Hiếu đề xuất: “Để các thủ tục hành chính được thông qua một cách dễ dàng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước hoặc các doanh nghiệp nhỏ phát triển thì Bộ Tài chính hoặc Tổng cục Hải quan cần xây dựng một website hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp. Khi cần tìm thông tin, doanh nghiệp chỉ cần vào website đó, gõ tên mục sản phẩm cần xuất/nhập về nước thì website đó sẽ hiển thị sản phẩm cần xin giấy phép hay không, thủ tục là gì và những thông tư, nghị định của các bộ, ngành có liên quan.

Để thực hiện được những vấn đề này, các doanh nghiệp đều mong muốn cơ quan quản lý tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp lĩnh vực logistics phát triển, bên cạnh đó phải có những hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại để tăng cường liên kết không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Với tình trạng 2/3 thị phần logistics trong nước rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, khi doanh nghiệp trong nước chưa thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài thì phải liên kết thành chuỗi cung ứng, tìm ra con đường nhanh và hiệu quả để vươn ra thị trường thế giới

Ý kiến của bạn

Bình luận