Các tuyến quốc lộ tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên hư hỏng |
Bộ GTVT giao Tổng cục ĐBVN căn cứ điều kiện cụ thể để phân chia gói thầu cho phù hợp và đảm bảo theo pháp luật về đấu thầu. Kinh phí quản lý và bảo trì của từng năm được lấy theo kinh phí của năm 2017 được Bộ GTVT phê duyệt và cộng thêm yếu tố trượt giá - mỗi năm được tạm tính 5% so với năm trước đó, với điều kiện chế độ chính sách về tiền lương và giá cả thay đổi do Nhà nước quy định.
Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp địa phương đang thực hiện việc quản lý, duy tu bảo dưỡng nhiều tuyến đường đã chia sẻ nỗi niềm khi mà đề xuất trước đó của họ bị từ chối. Các đơn vị mong muốn áp dụng thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu 5 năm để nhà thầu có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ tốt hơn việc bảo dưỡng thường xuyên. Bởi vì với thời hạn hợp đồng 3 năm thì khi trúng thầu, đơn vị không dám đầu tư các thiết bị máy móc nhiều bởi sau 3 năm họ không biết có trúng thầu tiếp hay không?
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều doanh nghiệp cho biết: Ngoài tuyến QL1A hiện hữu thì địa phương còn có rất nhiều tuyến quốc lộ do Trung ương quản lý như: QL30, QL61, QL80…, tuyến Nam sông Hậu. Hầu hết các tuyến quốc lộ này đều do các đơn vị ở khu vực khác trúng thầu chứ không có nhiều doanh nghiệp tại địa phương.
Chia sẻ khó khăn trong quá trình thực hiện, ông Phan Văn Thử - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại 68 (tỉnh Kiên Giang) cho biết: Đơn vị đang thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng tuyến QL80, QL63 và tuyến N1. Khó khăn chung không chỉ riêng Công ty mà nhiều đơn vị duy tu bảo dưỡng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải là hầu hết các tuyến quốc lộ ở đây được đầu tư, xây dựng và khai thác nhiều năm, trong khi địa hình khu vực này với nền đất yếu nên hư hỏng thường xuyên.
Đặc biệt, quy định hiện nay với 25 triệu đồng/km đường thì đây chỉ là kinh phí đủ để bảo dưỡng mặt đường, còn các công tác khác như cắt cỏ, đặt biển báo, hành lang an toàn… thì số tiền này không thể đáp ứng tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị trong công tác bảo trì rất lớn như: Máy hút rác, máy rửa đường, máy cào bóc sửa chữa đường... với kinh phí có thể lên tới hàng chục tỷ đồng và các doanh nghiệp bảo trì đường bộ có quy mô vốn nhỏ sẽ phải vay vốn thương mại để đầu tư. Nếu các gói thầu bảo trì chỉ kéo dài 3 năm thì thời gian khấu hao là không đủ. Các doanh nghiệp lo ngại rằng, nếu đợt sau không tiếp tục trúng thầu thì dàn máy móc đặc chủng này không biết dùng vào việc gì.
Theo các đơn vị, từ năm 2014 đến nay, việc bảo trì đường bộ đã có tiến bộ rõ rệt do các doanh nghiệp cũng đã áp dụng mạnh mẽ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, máy móc hiện đại hơn. Việc đổi mới công tác bảo trì đường bộ trong hơn 3 năm qua thực hiện đúng tinh thần xã hội hóa những lĩnh vực mà Nhà nước không cấm làm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao thông không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, thông qua hình thức đấu thầu, các doanh nghiệp có một sân chơi bình đẳng, minh bạch vốn bảo trì, trúng thầu đến đâu làm đến đó.
Được biết trong năm 2016, Bộ GTVT đã giao hơn 7.529 tỷ đồng cho Tổng cục ĐBVN thực hiện nhiệm vụ sửa chữa định kỳ và duy tu bảo dưỡng. Đồng thời, Bộ đã phê duyệt phương án phân bổ tài chính năm 2016 về 63 quỹ bảo trì đường bộ địa phương là hơn 2.476 tỷ đồng để triển khai sửa chữa 263 tuyến đường; hỗ trợ thêm các địa phương với tổng kinh phí là 369,4 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2016, các cơ quan được giao nhiệm vụ bảo trì đường bộ đã hoàn thành công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa hệ thống quốc lộ, trong đó đã sửa chữa được 289 cây cầu; cải tạo 106 điểm đen tiềm ẩn gây TNGT; đã điều chỉnh, thay thế 94.315 biển báo, cọc tiêu gắn phản quang; bổ sung, sơn các vạch sơn tim đường bằng sơn phản quang màu vàng hơn 1.200km
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.