Thẻ định danh E-Tag dán trước kính xe ô tô sẽ giúp giảm thiểu kinh tế và thời gian mỗi khi qua Trạm thu phí. Ảnh: T.U |
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại cho rằng, để thực hiện yêu cầu trên trước tiên Bộ GTVT cần phải rà soát hành lang pháp lý, xây dựng Thông tư quy định để đảm bảo quyền lợi giữa các bên.
Thực hiện song song để rút kinh nghiệm!
Theo lộ trình của Bộ GTVT, đến cuối 2018, toàn bộ trạm thu giá BOT trên quốc lộ 1 phải thu phí tự động điện tử không dừng và đến năm 2019 sẽ thực hiện đồng bộ trên toàn quốc. Việc thu giá tự động tại các trạm BOT được cho là một trong những biện pháp quan trọng để công khai, minh bạch quá trình thu giá, hoàn vốn các dự án BOT. Tuy nhiện, các doanh nghiệp BOT cho rằng, minh bạch trong việc thu phí không phải là vấn đề cốt lõi mà cái chính và “gốc rễ” của vấn đề ở đây là sự đồng bộ trong hành lang pháp lý, sự điều hành thông suốt với lượng lớn phương tiện vẫn đang sử dụng phương thức thu phí truyền thống khi qua trạm sẽ chưa thể thích ứng và bắt nhịp kịp với hình thức mới mẻ này.
Trao đổi với DĐDN về lộ trình thực hiện thu phí điện tử không dừng, ông Lưu Xuân Thủy – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đèo Cả cho rằng, việc thu phí tự động không dừng chắc chắn là tiện ích hơn so vơí cách thu truyền thống như hiện nay.
Theo ông Thủy, nếu nói là thu phí tự động không dừng để doanh nghiệp minh bạch hơn là chưa đủ cơ sở và thiếu sức thuyết phục. Vấn đề minh bạch của doanh nghiệp trong việc thu phí tại các trạm thu phí BOT đã được kết nối với hệ thống quản lý của các cơ quan chức năng một cách công khai thì không thể nói doanh nghiệp không minh bạch. Còn việc thu phí tự động không dừng để các cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra nhanh hơn, dễ dàng hơn, xử lý kịp thời hơn thì rõ ràng đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và bắt nhịp kịp với giai đoạn phát triển như hiện nay, đặc biệt là thời kỳ cách mạng 4.0.
Tuy nhiên theo ông Thủy, để thực hiện đồng bộ việc thu phí điện tử tự động không dừng thì trước tiên, Bộ GTVT cần phải rà soát hành lang pháp lý, xây dựng Thông tư quy định về việc triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng, đảm bảo chính xác, khách quan, minh bạch, kết nối liên thông, đồng bộ trong toàn quốc và mỗi phương tiện tham gia giao thông chỉ sử dụng 1 thẻ định danh (thẻ đầu cuối) để lưu thông qua tất cả các trạm thu phí. Bởi trên thực tế, việc triển khai hệ thống thu phí vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về quản lý, vận hành hệ thống thu; chưa xây dựng lộ trình cụ thể để chuyển sang thu tự động đối với từng trạm thu… Do đó, trong điều kiện hiện nay thì Chính phủ nên cho doanh nghiệp triển khai song song, vừa thu phí theo phương án truyền thống như trước đây, vừa thu phí tự động không dừng trước khi ra quyết định chính thức.
Đảm bảo được quyền lợi của các bên
Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Lê Dũng – Chủ tịch HĐQT, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1), cho rằng: Trong điều kiện phát triển nhanh theo công nghệ số, và theo cấp số nhân như hiện nay thì việc sử dụng trạm thu phí điện tử tự động không dừng là hết sức cần thiết và bắt buộc phải áp dụng. Tuy nhiên do thói quen của người dân khi tham gia giao thông vẫn đang sử dụng là trả phí theo phương án truyền thống. Do vậy, nếu thực hiện ngay và tất cả đều phải sử dụng trạm thu phí điện tử tự động không dừng có thể sẽ gây trở ngại cho người dân khi tham gia giao thông, chủ đầu tư, các cơ quan quản lý và dẫn đến hiện tượng ùn tắc là điều rất có thể xảy ra.
Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp… nên đề xuất với Chính phủ cùng một lúc sử dụng song song cả 2 phương án, vừa thu phí truyền thống, vừa thu phí điện tử tự động không dừng để hài hòa lợi ích và đảm bảo được quyền lợi của người dân khi tham gia giao thông, một mặt đảm bảo được cho nhà đầu tư (trong việc thu hồi vốn), và một mặt thuận tiện hơn cho các cơ quan nhà nước (trong việc quản lý). Tuy nhiên về tương lai thì phải sử dụng 100% trạm thu phí điện tử tự động không dừng để hướng đến đồng bộ, minh bạch và hiệu quả.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.