Với SDV, người nhái phải đeo thiết bị lặn và tiếp xúc lâu với môi trường mở dưới nước, giảm khả năng chiến đấu. |
Theo Gizmag, người nhái thường xuyên phải di chuyển bằng thiết bị di chuyển dưới nước Swimmer Delivery Vehicles (SDV). Họ phải đeo thiết bị lặn trong suốt quá trình di chuyển. Việc tiếp xúc lâu với môi trường mở dưới nước làm giảm thể lực người nhái cũng như khả năng chiến đấu.
Những trở ngại này sẽ được khắc phục khi sử dụng thế hệ tàu ngầm chiến đấu mới, hình dạng giống một quả tên lửa, có tên tàu ngầm chiến đấu khô – Dry Combat Submersible (DSC).
Lực lượng đặc nhiệm SOCOM của Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 166 triệu USD với công ty Lockheed Martin và tập đoàn Submergence chế tạo ba chiếc DSC trong vòng 5 năm tới. Chiếc đầu tiên sẽ được giao hàng vào cuối năm 2017.
So với các thiết bị hiện nay, DSC có thể đưa người nhái đi xa hơn và sâu hơn dưới nước. Nó có thể mang theo một lái tàu, một hoa tiêu cùng 6 người nhái. Người nhái có thể tự do ra vào trong lúc tàu vẫn lặn dưới nước.
DSC nặng 27 tấn, hoạt động ở độ sâu tối đa 100 mét, độ sâu tối đa để người nhái ra ngoài là 30 mét, tốc độ lớn nhất 9 km/h.
"Môi trường khô ráo của thiết bị di chuyển mới sẽ thay thế cho các tàu ngầm kiểu hở đang được các lực lượng đặc biệt của Mỹ và quốc tế sử dụng. Nó giúp đưa quân tới các địa điểm chiến đấu với điều kiện sức khỏe tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ", đại diện Lockheed Martin cho biết.
DSC sẽ di chuyển tới thẳng nơi làm nhiệm vụ, tiết kiệm thời gian và thể lực cho người nhái. Ngoài ra, nó còn được trang bị các hệ thống điều hướng hiện đại, điện thoại dưới nước và sóng vô tuyến UHF để liên lạc, hệ thống tránh chướng ngại vật bằng siêu âm và máy đo độ sâu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.