Nhà thầu phấn đấu công trình sẽ vào tháng 12/2019. Nguồn: nhandan.com.vn |
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn cho biết, dự án có chiều dài gần 64 km được tái khởi động vào tháng 6/2017 vừa qua sau 2 năm bị đình trệ vì chưa thu xếp được nguồn vốn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư và nhà thầu đã huy động nhân công, máy móc thiết bị hiện đại và tăng ca liên tục để thúc tiến độ công trình, đảm bảo dự án sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2019 theo đúng tiến độ Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.
Ông Vĩnh cho biết thêm, theo tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án phải hoàn thành vào tháng 12/2017. Mặc dù các địa phương đã đẩy mạnh việc này, tuy nhiên đến nay, tỉnh Bắc Giang mới hoàn thành 17,7 km (đạt 85%), Lạng Sơn được 41,6 km (đạt 93,5%). Các đoạn đã bàn giao còn vướng mắc chủ yếu là nhà dân, đường điện và cáp thông tin chưa di dời gây khó khăn cho các nhà thầu triển khai thi công.
“Hiện nay, khối lượng tiến độ tổng thể dự án đạt 25,2% và các nhà thầu đang đẩy nhanh triển khai thi công để đảm bảo tiến độ gói thầu. Mặc dù các huyện Hữu Lũng và Chi Lăng đã đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được theo kế hoạch cho các nhà thầu đẩy nhanh thi công”, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quang Vĩnh thông tin.
Có mặt tại dự án những ngày cận kề Tết Nguyên đán Mậu Tuất, phóng viên cảm nhận thấy không khí trên công trường rất nóng, mọi hoạt động đều rất khẩn trương chưa có dấu hiệu của việc nghỉ ngơi đón xuân. Trải dài 24 mũi thi công trên toàn tuyến dài gần 64 km, những chiếc máy lu hoạt động hết công suất trên công trường thi công cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Trên tuyến đa số nền đường được đắp cao, lu nèn. Nhiều đoạn tuyến đã được rải lớp móng mặt (lớp base) như gói thầu của nhà thầu Licogi 16, Licogi 116, Hòa Hiệp, Hoàng Long...
Chia sẻ trên công trường, ông Nguyễn Quốc Anh, Đội trưởng Đội thi công số 2 Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng Hoàng Long-Hà Tĩnh, cho biết: “Đội số 2 đảm nhận 3 gói thầu của dự án với chiều dài hơn 7 km, trong quá trình thi công anh em cán bộ kỹ sư và công nhân trên công trường rất quyết tâm. Có mặt bằng đến đâu và tranh thủ thời tiết thuận lợi là tập trung thi công ngay”.
Về khó khăn khi thi công qua khu vực đồi núi, ông Nguyễn Quốc Anh cho hay, để có thể thi công được phần nền, công ty đã triển khai nhiều mũi thi công, sử dụng máy xúc, máy cẩu xẻ đồi tạo nền đường. Chưa kể, một số vị trí nền trũng sâu, đơn vị phải đắp đất nền mặt đường cao tới 17 m.
Là một trong những nhà thầu lớn nhất tại dự án khi thực hiện 4 gói thầu nền đường dài 17 km và thảm nhựa 50 km mặt đường, ông Đào Văn Tuấn, Giám đốc Ban điều hành dự án của Công ty cổ phần Licogi 16 cho biết, đến này đơn vị đã thực hiện được gần 40% khối lượng, vượt tiến độ chủ đầu tư yêu cầu.
Có được tiến độ khả quan như trên, ông Đào Văn Tuấn chia sẻ, ngoài việc thi công 3 ca liên tục, nhân lực huy động khoảng 200 người và khoảng 70 đầu xe, máy, thiết bị, các gói thầu vượt tiến độ cũng bởi dự án này có điều kiện địa chất tốt, đa phần trên tuyến không phải xử lý nền đất yếu, cùng với hỗ trợ của chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng. Với các yếu tố này, các đơn vị tư vấn cùng quyết tâm của chủ đầu tư, nhà thầu phấn đấu dự án về đích vào tháng 12/2019.
Dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn nằm trong quy hoạch đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn nối từ Thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) và kết nối với tuyến cao tốc quốc tế Hữu Nghị-Nam Ninh (Trung Quốc) của Hành lang kinh tế giao thương Việt Nam-Trung Quốc. Tuyến cao tốc này hình thành sẽ góp phần quan trọng giảm ách tắc giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương trong khu vực.
Hiện nay, tuyến đường Hà Nội-Bắc Giang đã hoàn thành mở rộng, nâng cấp đạt chuẩn cao tốc, quy mô 4-6 làn xe. Đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đang xây dựng sẽ nối với điểm cuối của cao tốc Hà Nội-Bắc Giang, từ đó tiếp tục theo cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng để nối liền với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn và Hữu Nghị-Chi Lăng phải hoàn thành trong năm 2020 để bảo đảm khai thác đồng bộ toàn tuyến. Tuy nhiên, trên thực tế, dự án Hữu Nghị-Chi Lăng chưa thể triển khai thi công do gặp nhiều vướng mắc về nguồn vốn.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, nếu cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng không hoàn thành như kế hoạch sẽ không thể bảo đảm hiệu quả khai thác của cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương có tuyến đường đi qua, cũng như gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, có thể làm đổ bể phương án tài chính của dự án.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.