Một tình nguyện viên thu gom chai nhựa để tái chế ở Ecuador. (Ảnh: AFP) |
Thành phố cảng Guayaquil ở phía Tây Nam là thành phố lớn thứ hai của Ecuador với 2,7 triệu dân, nhưng đây cũng là nơi có nhiều rác thải. Ước tính, lượng rác thải mà thành phố này sản sinh ra là 4.200 tấn mỗi ngày, mà chỉ có 14% trong số đó được tái chế.
Nhằm nỗ lực giảm thiểu rác thải và ô nhiễm môi trường, hiện hành khách sử dụng hệ thống xe buýt Metrovia của thành phố có thể xếp hàng tại điểm đổi chai nước tự động vừa được triển khai với mức quy đổi 1 chai nước tương đương với 2 xu. Chỉ cần đổi 15 chai nước như vậy, người dân đã sở hữu một tấm vé xe buýt Metrovia. Với mức quy đổi này, người tiêu dùng được lợi hơn khi bán các chai nước này cho những cơ sở tái chế.
“Chúng ta cần nhận thức được mức độ của ô nhiễm mà chúng ta tạo ra và mức độ ô nhiễm mà chúng ta đã tích lũy, vì vậy chúng ta càng sớm thực hiện các biện pháp chống lại tình trạng ô nhiễm này thì càng tốt”, người quản lý Metrovia – ông Leopoldo Falquez cho biết.
Kết quả là chỉ trong hai tháng kể từ khi phát động, kế hoạch này đã thu gom được 24.000 chai nhựa để tái chế.
Được biết, hai năm trước, chính quyền thành phố Guayaquil cũng đã ban hành các quy định về sản xuất, buôn bán và nhập khẩu các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi và ống hút. Không chỉ ở Guayaquil, cuộc chiến chống lại rác thải nhựa còn lan sang nhiều địa phương khác của Ecuador như thủ đô Quito và quần đảo Galapagos.
Rác thải nhựa hiện đã trở thành vấn đề cấp bách đòi hỏi giải pháp ngay lập tức và hữu hiệu mang tính toàn cầu. Hiện đã có 80 nước trên thế giới đưa ra các lệnh cấm đối với các vật dụng nhựa sử dụng một lần, nhằm giảm lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ các đại dương trên thế giới. Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm con người thải ra khoảng 300 triệu tấn rác nhựa, trong đó 8 triệu tấn trôi ra các đại dương./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.