Đối đầu plug-in hybrid BMW 330e M Sport và Mercedes-Benz C 350e AMG

Đánh giá 03/04/2016 11:44

BMW và Mercedes-Benz đều trưng bày phiên bản xe plug-in hybrid 330e M Sport và C 350e AMG tại triển lãm Bangkok Motor Show 2016.

3648983_BMW_330e_M_Sport_xe_tinhte_1
 

 Thị trường Thái Lan đang dần đón nhận dòng xe hạng sang plug-in hybrid, trong khi các mẫu xe phổ thông dùng xăng E85 hay khí nén thiên nhiên CNG góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Trong bài viết này sẽ so sánh hai mẫu xe plug-in hybrid thuộc phân khúc sedan cỡ nhỏ hạng sang là BMW 3-series và Mercedes-Benz C-Class.

Thiết kế

BMW đang tạo dựng thương hiệu iPerformance cho dòng xe plug-in hybrid. Nhìn vào chiếc 330e M Sport từ bên ngoài, nhiều thành phần khác biệt để phân biệt so với một chiếc 3-series nguyên bản như logo e-Drive ở cột C, tấm ốp trang trí ngay dưới ghế tài xế và người ngồi bên cạnh, nút bấm điều khiển hệ thống lái cũng in logo e-Drive

Mercedes-Benz C 350e AMG Dynamic dường như không muốn khoe ra cho mọi người thấy đó là một chiếc xe plug-in hybrid. Rất khó để chúng ta nhận thấy sự khác biệt so với phiên bản thường nếu không nhìn vào logo C 350e phía sau, hay mở cốp sau để thấy một dòng chữ Plug-in Hybrid ngay phần lồi của tấm pin. Nhìn vào C 350e AMG Dynamic người ta nghĩ nhiều đến một chiếc C-Class được độ các phần trang trí từ AMG hơn là một chiếc xe plug-in hybrid.

Dựa trên phiên bản tiêu chuẩn, hai mẫu xe này đều giữ nguyên thiết kế bên ngoài và nội thất bên trong.

Tại Thái Lan, hai mẫu xe lai cắm điện này đều có sẵn gói nâng cấp phụ kiện thể thao: với BMW là M Sport và Mercedes-Benz là AMG.

Tiện nghi và vận hành

Mercedes-Benz C 350e AMG vẫn tạo ra những sự tiện nghi cho người ngồi lẫn những tiện ích ăn điểm như rèm cửa cho người ngồi sau, camera lùi thiết kế dạng pop-up (chỉ xuất hiện khi cài số lùi), cốp sau đóng mở bằng điện, hệ thống camera 360 độ cũng được trang bị trên mẫu xe này, điều mà BMW không có trên phiên bản 330e. Tiện nghi trên C 350e AMG còn được trang cường với hệ thống âm thanh 13 loa của Burmester, nổi bật hơn so với hệ thống 9 loa trên 330e.

Tuy vậy không có nghĩa là BMW thua thiệt, dòng sản phẩm iPerformance của hãng có thể kết nối đến điện thoại bằng phần mềm 'My BMW Remote’, nó cho phép bạn mở khoá xe từ xa, phát kèn định vị, mở đèn, mở điều hoà, quản lý các thông tin về xe, đặc biệt là hệ thống pin. Trong khi đó Mercedes-Benz chưa có ứng dụng điều khiển riêng cho dòng xe plug-in hybrid, dù hãng này vẫn có ứng dụng mbrace để mở khoá xe từ xa.

Về động cơ, hai chiếc xe này sở hữu những thông số gần tương đương nhau, trong đó Mercedes-Benz sử dụng động cơ xăng tăng áp 2.0L mạnh mẽ hơn với 211 mã lực, kết hợp với động cơ điện tạo ra 279 mã lực. Với dung lượng pin 7.6 kWh, BMW 330e có thời lượng pin nhiều hơn so với Mercedes-Benz C 350e (6.2 kWh). Nhờ vậy BMW có thể đi quãng đường xa hơn vài km so trong chế độ sử dụng hoàn toàn bằng động cơ điện.

Về khả năng vận hành, BMW 330e với hệ thống EfficientDynamics có khả năng kết hợp sử dụng động cơ điện lẫn động cơ xăng. Trong đó nếu pin từ 12% đến 100%, xe sẽ chạy động cơ điện hoàn toàn lên đến 80 km/h, ở tốc độ cao hơn thì động cơ xăng sẽ hoạt động. Động cơ điện của 330e có thể chạy được quãng đường tối đa lên đến gần 40 km.

Trên chiếc Mercedes-Benz C 350e AMG, chế độ Sport sẽ không dùng động cơ điện. Ở chế độ Hybrid khi pin trên 20%, động cơ điện sẽ hoạt động toàn tải. Chế độ E-Save, động cơ điện sẽ hoạt động ở vận tốc thấp (khi kẹt xe), trong khi chế độ Charge thì động cơ xăng sẽ nạp điện lại cho pin của động cơ điện.

Vị trí sạc điện và cách bố trí khoang pin

BMW chọn vị trí lỗ cắm sạc điện gần cửa bên trái (bên phải theo hướng nhìn đối diện từ đầu xe), gần bản lề cửa tài xế. Trong khi Mercedes-Benz đặt ở vị trí cản sau, ngay bên dưới đèn hậu bên phải khi nhìn từ đuôi xe. Tuỳ vào vị trí đậu xe trên garage của khách hàng mà nhà sản xuất có thể thiết kế vị trí sạc tại nhà cho phù hợp.

Một điều thú vị là cách thiết kế khoang pin trên BMW 330e rất khéo léo khiến nhiều người không nghĩ đó là một chiếc xe có gắn pin. Mercedes-Benz C 350e có cùng vị trí khoang pin giống với BMW 330e, tức là phía trên vị trí trục bánh xe sau nhưng khi mở cốp sẽ dễ nhận thấy phần khoang pin của C 350e lồi lên khoảng 3-4 cm. Chính vì vậy dung tích khoang chứa đồ của C 350e bị rút gọn còn 335 lít, trong khi BMW 330e vẫn có được 370 lít trong khoang chứa đồ. Ở phiên bản sedan, BMW 3-Series và Mercedes-Benz C-Class đều có dung tích khoang chứa đồ 480 lít.. ​

Phiên bản S 500e có dung lượng pin lớn, khoang pin chiếm rất nhiều diện tích ở phía sau cốp chứa đồ. Một tiết lộ của ông chú bên Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) cho biết dòng S 500e từng được cân nhắc để lắp CKD tại Việt Nam, nhưng cũng vì thiết kế làm mất nhiều diện tích cốp nên MBV đã bỏ ý định này.

Kết luận

Nhìn vào những trang bị trên hai mẫu xe thì chắc các bạn cũng biết chiếc nào cao giá hơn rồi. Mercedes-Benz C 350e AMG Dynamic có giá 3.340.000 baht (2,18 tỷ đồng) và BMW 330e M Sport có giá 3.099.000 baht (2,02 tỷ đồng). Mercedes-Benz còn có phiên bản C 350e thấp hơn mang tên C 350e Exclusive có giá 2.990.000 baht.

Một điểm khá thú vị là Mercedes-Benz phân phối tại Thái Lan với 3 phiên bản C-Class sedan, trong đó 2 phiên bản plug-in hybrid, tại Việt Nam thì 5 phiên bản C 200, C 250 AMG, C 250 AMG Exclusive, C 300 AMG và C 63 S Edition 1 AMG đều sử dụng động cơ xăng. Bên cạnh 330e, BMW phân phối 3-series sedan thêm 2 phiên bản máy xăng và 1 phiên bản máy dầu.

BMW ghi dấu ấn công nghệ trên dòng 330e M Sport, trong khi đó những tiện nghi trên C-Class tiếp tục đưa vào C 350e AMG để giúp Mercedes-Benz làm hài lòng các khách hàng thích trải nghiệm khi ngồi trong xe.

Các hãng xe trên thế giới đang tích cực áp dụng các phiên bản xe lai cắm điện (plug-in hybrid) giúp người dùng trải nghiệm xe hiệu năng cao, thân thiện với môi trường hơn. Ở Việt Nam có lẽ plug-in hybrid sẽ còn là một câu chuyện dài: bao gồm câu chuyện giá, thói quen người dùng cũng như việc triển khai dịch vụ sau bán hàng.

Ý kiến của bạn

Bình luận