Chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, người Việt Nam đã xây dựng và vun đắp cho mình rất nhiều truyền thống quý báu như: Truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, hiếu học, tôn sư trọng đạo… Những giá trị tốt đẹp đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, kết dính qua bao thế hệ người Việt, tạo nên một bản chất Việt Nam, giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc mình.
Kính thầy - một chuẩn mực đạo đức
Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc về vấn đề “Đạo và Thầy”. Những câu nói ấy vừa tôn vinh người thầy, vừa nhắc nhở con người phải biết sống cho phải đạo. Thầy là người vạch đường chỉ lối cho mỗi người “Không thầy đố mày làm nên”. Vì thế, vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ, “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Chúng ta vẫn luôn tự nhắc mình: “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Người thầy trong bất cứ xã hội nào luôn được tôn trọng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Bởi vậy, “tôn sư trọng đạo” không còn là một vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Thời xưa, Platôn, Aritxtôt, Khổng Tử… từ người thầy đã trở thành những bậc thánh nhân trong lòng học trò. Ngày nay, người thầy tuy không có vị trí tuyệt đối như thế song thầy vẫn là người được xã hội tôn trọng và “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Dù ở phương Đông hay phương Tây, dù mối quan hệ thầy trò có bình đẳng đến đâu, gần gũi đến đâu thì danh giới thầy trò, vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một.
Yêu kính thầy đã trở thành một chuẩn mực đạo đức của con người. Trong gia đình Việt thời phong kiến, khi con trẻ được dăm bảy tuổi thì họ bắt đầu tìm thầy dạy học cho con mình. Họ phải đem đến nhà thầy một ít lễ vật để làm lễ bái sư, những lễ vật này thường đơn giản như một ít hoa quả và nhang đèn, thậm chí có gia đình nghèo khó chỉ là một vài bơ gạo. Thầy làm lễ nhận học trò, từ đó gia đình sẽ an tâm giao con cái của mình lại cho thầy và “trăm sự nhờ thầy” dạy dỗ cho con mình nên người. Thầy dạy cho học trò đạo lý làm người, bởi “Tiên học lễ, hậu học văn” sau đó mới dạy chữ cho học trò. Sau khi người học trò lĩnh hội những tinh hoa của thầy thì có thể lai kinh ứng thí. Nếu người học trò có đủ trí tuệ và tài năng, đỗ đạt thì sẽ được triều đình bổ nhiệm làm quan. Được hưởng vinh hoa phú quý, được mọi người tôn sùng kính nể, nhưng người học trò ấy không bao giờ quên công ơn dạy dỗ của thầy, họ sẽ trở lại báo đáp công ơn thầy, phụng dưỡng khi thầy đau yếu, về già, chăm lo cho thầy như cha mẹ, bởi vì “Không thầy đố mày làm nên”.
Mối quan hệ thầy - trò tượng trưng cho nét đẹp văn hóa ứng xử của nhân dân Việt Nam. Người thầy như điểm sáng trí tuệ sưởi ấm tâm hồn học trò. Trong lịch sử dân tộc ta có biết bao bậc thầy vĩ đại, cả đời tận trung vì dân vì nước. Cuộc sống của họ thanh bần mà cao thượng, lưu danh muôn thuở. Thầy giáo Chu Văn An (1370) sẵn sàng từ bỏ áo mũ, quan tước về quê mở trường dạy học. Một thầy Đồ Chiểu mù hai mắt nhưng cả đời kiên trung, không chịu khuất phục trước sức mạnh xâm lược của ngoại bang... Bao tấm gương nhà giáo khác mà chúng tôi chưa thể kể ra hết ở đây, đã dành chọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người, vì học sinh thân yêu.
Đôi điều suy nghĩ
Trên thực tế, vấn đề “tôn sư trọng đạo” ngày nay có nhiều điều đáng phải bàn. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Còn học sinh, bên cạnh những em chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn chót quên đi đạo nghĩa thầy trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy cô giáo. Đã có những câu chuyện đau lòng mà chúng ta không muốn nhắc đến như hiện tượng học trò xúc phạm thầy cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại. Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục lên án những sự suy đồi của chuẩn mực đó.
Ngày nay, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn được tiếp nối, phát huy. Nhà nước, xã hội luôn quan tâm đến giáo dục và đời sống vật chất, tinh thần của người thầy. Giáo dục được coi là quốc sách: Tăng ngân sách giáo dục, tăng lương giáo viên và tích cực tu bổ, xây dựng hệ thống trường lớp. Các gia đình cũng luôn chú trọng đến việc học hành của con em mình. Không khí dân chủ giúp mối quan hệ thầy - trò gần gũi, chan hòa hơn, tạo điều kiện để thầy giúp trò phát huy vai trò chủ động trong học tập. Ở cấp học nào, tiếng nói của thầy giáo vẫn có tác động vô cùng lớn đến sự hình thành, phát triển nhân cách của mỗi con người. Nhiều khi, học trò có thể tâm sự, chia sẻ với thầy, có nhiều điều không nói được với cha mẹ và người thân. Phụ huynh học sinh tin cậy gửi gắm con em cho nhà trường và thầy cô...
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hiện tượng tiêu cực đang tác động không tốt đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Tiền lương nhận được chưa đảm bảo cho người thầy một mức sống trung bình. Thực trạng này khiến không ít các thầy, cô phải làm thêm để kiếm sống - vừa mất đi thời gian, sức lực lẽ ra phải dành cho việc giảng dạy, vừa làm suy giảm hình ảnh người thầy. Đây đó, cũng có những giáo viên không đứng vững trước “cơn bão thị trường” đã làm giảm sút sự trân trọng của xã hội đối với người thầy... Thầy Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường PTTH Dân lập Lương Thế Vinh khi chúc mừng các học trò thi đỗ đạt đã có mấy lời “cảm tác” đáng để suy ngẫm: “Các em vào đại học, thầy vui... Ít em mong muốn vào sư phạm - Ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi?”.
Mặt khác, sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh còn mang tính thực dụng cũng làm giảm nhiệt tâm của không ít thầy, cô. Không hiếm học trò chăm chỉ đến thăm, tặng quà thầy, cô trong ngày lễ nhưng lại chểnh mảng, lười biếng trong giờ học. Có những học trò ra trường, khi thành đạt không hề nhớ đến người thầy đã tận tụy dạy dỗ mình. Có lẽ, họ không biết rằng, chỉ một lời thăm hỏi qua điện thoại cũng khiến thầy, cô hạnh phúc và yêu nghề hơn. Thậm chí, có cả những hiện tượng phụ huynh hoặc học sinh xúc phạm nặng nề đến thân thể và nhân phẩm của thầy, cô giáo... Đó là những biểu hiện hoàn toàn xa lạ đối với nếp sống, nếp văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.