Tuy nhiên, nếu thay đổi kích thước mâm và lốp mà không đảm bảo đường kính ngoài của bánh xe như nguyên bản thì hại sẽ nhiều hơn lợi.
Lốp là chi tiết duy nhất trên xe tiếp xúc trực tiếp với mặt đường. Bộ phận này đóng vai trò truyền lực kéo giúp xe di chuyển và hãm tốc khi phanh, nên phải đảm bảo độ bám. Ngoài ra, đây còn là một phần của hệ thống treo, đóng vai trò giảm chấn nên cũng phải có độ đàn hồi. Khi vận hành, chi tiết này còn chịu tải trọng, ma sát, mài mòn, nhiệt độ cao và áp suất cao.
Về độ khắt nghiệt của điều kiện vận hành thì lốp không kém gì nhiều chi tiết bên trong động cơ. Một chiếc xe có khối lượng 1,6 tấn và phân bố tải trọng đều thì một bánh phải chịu tới hơn 400kg, nhưng khi tăng tốc nhanh hoặc phanh gấp, tải trọng dồn lên bánh sau và bánh trước sẽ cao hơn nhiều con số này. Khi chạy trên đường cao tốc, nhiệt độ bề mặt lốp có thể lên 80-90 độ C, thậm chí hơn 100 độ C. Còn khi drift, nhiệt độ bề mặt lốp lên hơn 150 độ C là chuyện bình thường.
Sau một thời gian dài phát triển, các yêu cầu trên khiến lốp ô tô ngày nay hầu hết đều được làm từ cao su, dạng bóng bơm hơi với kết cấu đặc biệt gồm nhiều lớp bố để chịu lực, chịu nhiệt, có tính đàn hồi và tạo độ bám với mặt đường. Tuy nhiên, bài viết này sẽ không tập trung vào kết cấu của lốp, mà chỉ đề cập đến kích thước lốp, và việc thay đổi kích thước lốp sẽ ảnh hưởng thế nào đến tính năng của xe.
Trên tất cả các loại lốp đều biểu thị rất nhiều thông tin như nhà sản xuất, nhãn hiệu, số hiệu, thời điểm sản xuất… nhưng quan trọng nhất là thông tin kích thước và đặc tính tải, tốc độ tối đa cho phép của lốp. Thông tin này hiển thị rất rõ ràng trên thành lốp, với đặc trưng dấu “/” bên trong dãy số. Theo đó, 3 chữ số trước dấu “/” chỉ bề rộng của lốp, 2 chữ số sau dấu “/” chỉ tỷ lệ % giữa chiều cao thành lốp so với bề rộng, tiếp đến là đường kính mâm phù hợp (thường đi kèm với chữ cái “R”), chỉ số tải trọng và cấp tốc độ tối đa cho phép.
Tùy thuộc vào từng thị trường, dòng xe và nhà sản xuất, chuỗi thông số này có thể có một ít khác biệt, chẳng hạn có thêm chữ “P” ở đầu dãy để chỉ “Passenger car” nhằm phân biệt với “LT” (Light Truck) là loại lốp dùng cho xe tải nhẹ hoặc có thể là pick-up.
Cũng tùy vào thị trường, nhà sản xuất có thể còn phải đưa thêm các thông tin như nơi sản xuất, thời điểm sản xuất (bắt buộc tại Mỹ). Theo tiêu chuẩn Mỹ, thông tin nơi sản xuất và thời điểm sản xuất lốp được biểu thị trong mã số DOT (DOT Code) in trên thành lốp, dưới dạng 4 cụm chữ và số đặt trong các hình vuông bo tròn cạnh. Trong đó, cụm số cuối cùng bao gồm 4 ký tự số, 2 ký tự đầu là “tuần sản xuất trong năm” và 2 ký tự sau là “năm sản xuất”.
Khi một chiếc xe được xuất xưởng và bán ra thị trường, nhà sản xuất đã chọn sẵn loại lốp phù hợp với tính năng và đặc điểm vận hành của xe. Cùng với bộ mâm lốp kích thước nguyên bản, các nhà sản xuất ô tô cũng thường đưa ra thêm một vài lựa chọn khác cho khách hàng, ví dụ, thay vì sử dụng lốp kích thước 205/75R15, họ có thể đặt lốp tùy chọn có kích thước 215/60R16 hoặc 215/55R17. Các kích thước lốp này đã được tính toán phù hợp với chiếc xe, nên bạn có thể không cần quan tâm. Nhưng nếu sau khi đã mua xe về, bạn muốn tự ý thay lốp đổi kích thước lốp, sử dụng loại mâm lớn hơn, để chiếc xe trông thể thao và bắt mắt hơn, thì những điều sau đây cần phải được cân nhắc:
1. Lốp có thành mỏng hơn làm giảm biên độ đàn hồi, tăng tính thể thao với cảm nhận tốt hơn cho người lái, vào cua thú vị hơn và hệ thống treo mang lại cảm giác cứng cáp hơn, nhưng điều này cũng khiến cho xe xóc hơn.
2. Thay lốp rộng hơn thì cần tính toán chọn lại tỷ lệ độ cao thành lốp so với bề rộng lốp sao cho đường kính tổng thể của bánh không thay đổi nhiều (loại mâm lúc này cũng sẽ phải thay đổi).
3. Thay mâm lớn hơn thì cũng cần chọn lại lốp có thành lốp mỏng để không làm tăng đường kính ngoài của bánh.
4. Kích thước lốp mới với đường kính ngoài quá lớn hoặc quá nhỏ so với lốp nguyên bản, sẽ làm các hệ thống khác trên xe hoạt động sai lệch, như công-tơ-mét, chỉ số mức tiêu hao nhiên liệu, hộp số tự động, và các hệ thống như ESP, phanh ABS... Ngoài ra, nếu đường kính ngoài tổng thể của lốp tăng quá nhiều, lốp có thể bị cạ khoang bánh khi giòng xóc, ngược lại đường kính ngoài quá nhỏ so với lốp nguyên bản sẽ làm giảm khoảng sáng gầm xe.
Trong bốn điều trên, tóm tắt lại một điều quan trọng nhất khi thay đổi kích thước mâm lốp, đó vẫn phải đảm bảo đường kính ngoài của bánh không thay đổi (hoặc thay đổi không đáng kể) so với đường kính nguyên bản.
Lý do. Để đo tốc độ xe và hiển thị trên công-tơ-met, ô tô sử dụng một cảm biến tốc độ quay và cảm biến này thường được lắp ngay phía sau hộp số. Khi có tốc độ quay trục thứ cấp của hộp số, thì tốc độ quay của bánh xe cũng được xác định. Dựa vào đường kính ngoài đã cho sẵn của bánh thì tốc độ di chuyển của xe được tính toán chính xác. Ví dụ, khi bánh xe có đường kính ngoài 668mm quay với tốc độ 715 vòng/phút, thì tốc độ của xe là 90km/h. Tương quan này được xác định và cài đặt khi xe xuất xưởng. Nếu bạn thay lốp đường kính ngoài 668mm thành lốp có đường kính ngoài lên tới 707mm, thì khi bánh xe quay với tốc độ 715 vòng/phút, công-tơ-mét sẽ vẫn chỉ 90km/h (do tương quan đã được cài đặt ban đầu), nhưng thực tế bạn đang di chuyển với tốc độ 95,2km/h (sai số hơn 5%). Sai số này không chỉ khiến công-tơ-mét luôn luôn chỉ quảng đường đi ít hơn so với thực tế, mà các hệ thống điện tử trên xe vốn lấy thông tin tốc độ làm cơ sở tính toán sẽ hoạt động không còn chính xác. Các hệ thống bị sai liên đới có thể bao gồm: hộp số tự động (ECU quyết định sai thời điểm chuyển số tối ưu do thông tin tốc độ bị sai), hệ thống chỉ báo mức tiêu hao nhiên liệu, hệ thống cảnh báo va chạm, hệ thống điều khiển hành trình, hệ thống ổn định điện tử ESP, phanh ABS…
Chính vì tốc độ xe được tính dựa vào đường kính ngoài của bánh xe. Nên việc thay đổi kích thước mâm lốp phải đảm bảo đường kính ngoài của bánh mới không thay đổi.
Ví dụ sau đây cho thấy sự thay đổi đường kính ngoài của bánh khi thay đổi kích thước mâm lốp.
Theo đó, kích thước mâm lốp nguyên bản trên xe của bạn là 205/70 R15, nếu bạn muốn tăng kích thước mâm từ loại 15 inch lên 16 inch bạn sẽ có nhiều tùy chọn. Ở đây người viết đưa ra hai tùy chọn gồm loại có kích thước 215/70 R16 (tùy chọn 1) hoặc 215/60 R16 (tùy chọn 2).
Trong phương án thứ nhất, do tăng bề rộng lốp, tăng đường kính mâm, nhưng tỷ lệ độ dày thành lốp so với bề rộng không thay đổi (vẫn là 70%), nên đường kính ngoài của bánh xe lúc này tăng từ 668mm lên hơn707mm (tăng tới gần 4cm). Việc này như đã nói, có thể khiến lốp xe cạ khoang bánh khi dao động, công-tơ-mét chỉ sai tốc độ thực tế và nhiều tác hại khác. Trong khi đó, phương án tùy chọn thứ 2 có bề rộng lốp tăng thêm 1cm, đường kính mâm tăng 1 inch, nhưng tỷ lệ độ dày thành lốp so với bề rộng giảm từ 70% xuống 60%, nên đường kính tổng thể của bánh gần như không thay đổi nhiều (664mm so với 668mm), nên phương án này tối ưu hơn.
Trong trường hợp phương án số 2 không có sẵn lốp, bạn có thể chọn phương thứ 3 là tăng kích thước mâm lên hẳn 17 inch với loại lốp mới 215/55 R17, đường kính ngoài của bánh trong phương án này thậm chí còn giữ đúng đường kính nguyên bản là 668mm. Tất nhiên, với phương án này thì độ dày thành lốp mỏng hơn rất nhiều so với nguyên bản, nên biên độ đàn hồi của lốp giảm, tạo cảm giác thể thao hơn, bánh xe phản hồi các điều kiện của mặt đường rõ nét hơn, nhưng xe cũng sẽ giòng xóc hơn. Nếu xe của bạn là một chiếc xe đường phố thì việc này có thể chấp nhận được, còn nếu đó là một chiếc SUV chuyên đi đường địa hình, thì cái giá của sự giòng xóc do tăng kích thước mâm, giảm độ dày thành lốp là tương đối lớn.
Bên cạnh thông số kích thước, khi thay đổi loại lốp cũng cần phải xét đến chỉ số tải trọng tối đa cho phép và cấp tốc độ tối đa cho phép, theo đó, hai thông số này không nên thấp hơn so với lốp nguyên bản. Ngoài ra, lốp làm từ cao su có thể bị giảm tuổi thọ nếu được lưu trữ lâu trong kho nóng, ẩm. Để chắc chắn là bạn không mua phải loại lốp được sản xuất trước đó quá lâu, hãy tìm mã số DOT trên thành lốp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.