Đội MBH đối với trẻ em: Hiệu quả khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Hoạt động Ban ATGT 20/05/2015 07:42

Theo thống kê của WHO, trung bình ở nước ta mỗi năm có khoảng 10 ngàn người chết vì TNGT, trong đó nạn nhân là trẻ em chiếm khoảng 2000 người. TNGT là nguyên nhân thứ 2 dẫn đến tử vong và là nguyên nhân hàng đầu gây thương tích ở trẻ em, và đa số các vụ TNGT xảy ra liên quan đến mô tô và xe gắn máy.


Các em cần có nhiều hơn những con đường đến lớp an toàn

Các em cần có nhiều hơn những con đường đến lớp an toàn

Thực trạng về việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trước ngày 10/4/2015

Bảo vệ an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông cũng được Quốc hội, Chính phủ quan tâm và đưa vào trong hệ thống văn bản pháp luật, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định trẻ em trên 6 tuổi bắt buộc phải đội MBH khi ngồi trên xe gắn máy. Điều này cũng được nêu rõ trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/11/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy nhiên do ý thức của người lớn chưa cao nên vấn đề bảo vệ trẻ em, trong đó có việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy chưa thực sự được quan tâm.

Khá nhiều các bậc phụ huynh lại đang thờ ơ trước các quy định này, việc sử dụng mũ bảo hiểm chỉ mang tính chất đối phó hoặc đội mũ bảo hiểm song chưa cài quai đúng quy cách. Từ năm 2011, Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã triển khai, phối hợp với Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á cùng các ban ngành chức năng có liên quan như: như ngành giáo dục, Ban ATGT, lực lượng CSGT thực hiện thí điểm dự án “Tăng cường thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em”. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn thấp.

CSGT xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm

CSGT xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm

Theo thống kê của Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP), tại Việt Nam tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm chỉ chiếm 18% trong khi tỷ lệ người lớn đội mũ bảo hiểm đạt 89%. Nguyên nhân của tình trạng là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn chủ quan, mang tính đối phó, nhiều lý do được đưa ra: trẻ em không cần phải đội MBH vì không cần thiết, nóng nực, không có chỗ cất mũ bảo hiểm, sợ trẻ nhỏ bị ảnh hưởng đến đốt sống cổ và đầu… Trong quá trình thực hiện, lực lượng chức năng còn gặp khó khăn trong việc xác định độ tuổi, việc xử phạt đôi khi ảnh hưởng đến giờ học của các cháu nên kết quả xử phạt chưa cao, mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở tuyên truyền là chính, từ đó dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật của nhiều phụ huynh trong việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Bên cạnh đó, công tác giáo dục tuyên truyền chưa được quan tâm thường xuyên, đúng mức, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Tai nạn giao thông đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tích cho trẻ em tại Việt Nam. Mỗi ngày trôi qua, hàng trăm, hàng ngàn trẻ em đang gặp nguy hiểm đến tính mạng khi đi xe máy do không được đội mũ bảo hiểm. Đây mối nguy hiểm hoàn toàn có thể tránh được nếu chúng ta biết ý thức và cùng hành động…

Khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Ngày 31/12/2014, Ủy ban ATGT Quốc gia đã ban hành Kế hoạch hành động số 419/KH-UBATGTQG về việc thực hiện quy định của pháp luật về đội mỹ bảo hiểm đối với trẻ em năm 2015. Nội dung của chính của Kế hoạch là chỉ đạo các cơ quan thành viên của Ủy ban , Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên tuyền; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quy định pháp luật về bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đối với trẻ em. Đợt cao điểm kiểm tra, tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm từ ngày 06/4 đến 10/4/2015.

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động của Ủy ban ATGT Quốc gia về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; Bộ Giáo dục – Đào tạo, Cục Cảnh sát giao thông; Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ thông tin – Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Ban ATGT Các tỉnh, thành phố thực thuộc TW đã xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc ngành dọc tổ chức triển khai nghiêm túc Kế hoạch này.

Tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho trẻ em

Tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho trẻ em

Hơn bao giờ hết, việc triển khai Kế hoạch 419/KH-UBATGTQG đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Việc các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng, tin bài, ảnh phóng sự tuyên truyền về việc bắt buộc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em bằng nhiều hình thức nội dung phong phú, đồng thời thông tin về các hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch hành động. Các cơ quan ban ngành có chức năng đã xây dựng pa nô, áp phích, tờ rơi, băng rôn tuyên truyền; Các cơ sở giáo dục phổ thông tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho học sinh trong các buổi sinh hoạt, chào cờ, lồng ghép vào chương trình giảng dạy môn giáo dục pháp luật, treo pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; Lực lượng CSGT công an các địa phương luôn là lực lượng chủ công nòng cốt trong công tác bảo đảm TTATGT đã tích cực phối hợp với Ngành giáo dục tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm của học sinh tại các trường học; phối hợp với nhà trường phê bình các học sinh vi phạm và ghi nhận các trường hợp vi phạm báo về địa phương, gửi danh sách học sinh vi phạm về nhà trường và Sở giáo dục – Đào tạo để tiếp tục có biện pháp nhắc nhở đối với học sinh.

Nhiều địa phương thực hiện hiệu quả việc gắn kết giữa hoạt động tuyên truyền với công tác TTKS, xử lý vi phạm. Việc thường xuyên cung cấp thông thông tin về kế hoạch, hoạt động của các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông; thông báo kết quả TTKS, xử lý vi phạm trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh, thành phố và cơ quan báo chí đã có tác dụng hỗ trợ lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ được thuận lợi, đồng thời nâng cao tính răn đe, giáo dục của pháp luật đối với đối tượng cần tuyên truyền. Điển hình như Hà Nội, Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Giang…

Trẻ em phải được đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy

Trẻ em phải được đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy

Bên cạnh đó, việc huy động các doanh nghiệp, các Tổ chức phi chính phủ tham gia ủng hộ, tặng hàng chục ngàn chiếc mũ bảo hiểm cho học sinh các trường học, trong đó đặc biệt là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho học sinh đạt hiệu quả, đồng thời đã phát huy được vai trò của công tác xã hội hóa trong việc toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT.

Kết quả sau tuần cao điểm thực hiện tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm.

Ngày 10/4/2015, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã đồng loạt ra quân, kết hợp với Công an địa phương (xã, phường, thị trấn) tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, tập trung tại các nút giao thông quan trọng, những nơi tập trung nhiều trường học vào giời cao điểm để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Trước đó, bắt đầu từ ngày 6/4/2015, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tiến hành nhắc nhở và tuyên truyền để người dân nắm được quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các bậc phụ huynh và các em học sinh trong việc chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, từ ngày 06/4 đến ngày 10/4/2015 Lực lượng CSGT toàn quốc đã tổ chức kiểm tra, nhắc nhở đối với 23.464 trường hợp vi phạm; lập biên bản 6.663 trường hợp; tạm giữ 311 phương tiện; phạt tiền 432,615 triệu đồng. Một số địa phương tiến hành nhắc nhở, xử lý đạt kết quả cao như: Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Đắc Lắc, Ninh Bình, Bình Dương, Hà Tĩnh, Nam Định, Vĩnh Phúc…

Các em cần có nhiều hơn những con đường đến lớp an toàn

Các em cần có nhiều hơn những con đường đến lớp an toàn

Trong và sau ngày cao điểm tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện đã được nâng lệ rõ rệt, nhìn chung người dân đã có ý thức hơn trong việc chấp hành quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Khảo sát độc lập của Quỹ phòng chống Thương vong Châu Á (AIP) tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm tăng trung bình từ 38% lên 68% sau đợt cao điểm.

Bài học kinh nghiệm

Có thể thấy rằng, kế hoạch hành động đã được các Bộ ngành, Ban ATGT các tỉnh, thành phố và các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt và đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong thời gian cao điểm đã tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em. Trong đó lực lượng CSGT là lực lượng chủ công, nòng cốt trong việc phối hợp với các cơ quan ban ngành có liên quan triển khai kế hoạch.

Công tác tuyên truyền được chú trọng, đi vào chiều sâu. Tập trung tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, kết hợp với công tác theo dõi, giám sát thường xuyên thông qua nhà trường; Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng nhất là Đài truyền hình, phát thanh và các báo viết, báo điện tử tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em đã tạo hiệu ứng quan tâm của xã hội , nhận thức và y thức của phụ huynh đã có chuyển biến mạnh mẽ trong việc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em.

Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã triển khai đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ. Việc kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở trước khi xử lý vi phạm đã có tác dụng tích cực, đem lại sự ủng hộ, đồng thuận của quần chúng nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng trong quá trình xử lý vi phạm. Lực lượng CSGT đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước công việc, có thái độ đúng mực, văn hoá, lịch sự khi tiếp xúc với nhân dân cũng như khi thực thi nhiệm vụ.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, còn rất nhiều những khó khăn trong việc thực hiện các quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em cần phải giải quyết như: Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận phụ huynh và các em học sinh chưa cao, nhiều trường hợp cố tình vi phạm. Khi bị lực lượng CSGT nhắc nhở thường viện nhiều lý do để biện minh. Có những trường hợp khi bị lực lượng CSGT ra hiệu lệnh dừng xe thì bỏ chạy hoặc cho trẻ em xuống đi bộ để trốn tránh hành vi vi phạm gây mất an toàn giao thông. Việc kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm đôi khi gây ảnh hưởng đến thời gian, giờ giấc sinh hoạt, học tập của các cháu; Đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận và hiểu được quy định của pháp luật trong việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, nhiều gia đình điều kiện kinh tế khó khăn không đủ khả năng mua mũ bảo hiểm; bên cạnh đó lực lượng tuần tra kiểm soát, nhất là tại địa bàn cấp huyện còn mỏng chưa quán xuyến được hết địa bàn nên việc kiểm tra,nhắc nhở, xử lý chưa cao; sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về TTATGT chưa được quan tâm đúng mức…

Cha mẹ nêu gương, trẻ em đội mũ bảo hiểm

Cha mẹ nêu gương, trẻ em đội mũ bảo hiểm

Chính vì vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai kế hoạch của Uỷ ban ATGT Quốc gia đạt hiệu quả, cần tiến hành các công tác sau:
- Các ngành chức năng cần duy trì và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền thường xuyên liên tục dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu để hình thành thói quen tự giác trong việc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh.
- Bên cạnh công tác giáo dục tuyên truyền, nhắc nhở thì công tác TTKS, xử lý vi phạm cần phải được duy trì thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao tính răn đe trong việc thực hiện quy định của pháp luật, tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác truyền thông với công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả của các hoạt động truyền thông, cưỡng chế.
- Tổ chức tập huấn cho lực lượng CSGT, nhằm tăng cường năng lực trong việc thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em khi tham gia giao thông.

(Theo Cục CSGT)

Ý kiến của bạn

Bình luận