Bộ GTVT đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi dự thảo Thông tư Quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ sử dụng phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, do Trung ương quản lý. Thông tư mới này sẽ thay thế Thông tư số 31/2020 của Bộ GTVT (quy định khung giá dịch vụ sử dụng phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, do Trung ương quản lý).
Theo quy định hiện hành, có 9 phà trên các tuyến quốc lộ (Đại Nội, Quang Thiện thuộc tuyến QL21B; Cồn Nhất, Đống Cao, QL37; Vạn Yên, QL43; Kênh Tắt và Láng Sắt, QL53; Đình Khao, QL57 và Đại Ngãi, QL60) áp dụng giá vé vận chuyển người, các loại phương tiện trong khung giá tối thiểu và tối đa (riêng phà Kênh Tắt, Láng Sắt chưa thu). Căn cứ khung giá do Bộ GTVT ban hành tại thông tư, các đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành phà căn cứ khung giá để quyết định mức thu cụ thể. Còn tại dự thảo thông tư mới, không còn quy định khung giá vé cho từng phà mà quy định cơ chế, chính sách quản lý giá.
Theo đó, đơn vị quản lý, cung ứng dịch vụ phà căn cứ khung giá được cơ quan nhà nước ban hành quyết định mức giá vé; tổ chức thu tiền dịch vụ sử dụng phà đúng quy định, xây dựng các biện pháp chống gian lận và thất thoát doanh thu. Thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương có bến phà và niêm yết giá dịch vụ sử dụng phà theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Đối với bến phà Kênh Tắt, Láng Sắt thuộc QL53 và bến phà Kênh Sáu thuộc QL53B miễn thu tiền dịch vụ sử dụng phà đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác thay thế.
Về loại vé, dự thảo giữ nguyên quy định có 2 loại vé: vé lượt, vé tháng; được in, quản lý và sử dụng theo đúng quy định pháp luật về hóa đơn bán hàng. Đối với người đi bộ qua phà, dự thảo cũng giữ nguyên quy định hiện nay là trên vé phải ghi rõ họ, tên và số chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân). Đối với phương tiện phải ghi rõ biển loại phương tiện, biển số; xe không có phương tiện phải ghi rõ loại phương tiện và họ, tên người điều khiển.
Cũng theo dự thảo, Cục Đường bộ VN được Bộ GTVT giao tổ chức triển khai thực hiện các quy định về quản lý giá theo quy định tại thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá dịch vụ sử dụng phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, do Trung ương quản lý theo thẩm quyền.
9 nhóm đối tượng được miễn phí qua phà thuộc quốc lộ được đầu tư bằng ngân sách
Theo quy định hiện hành và dự thảo thông tư, có 9 nhóm phương tiện, người được miễn phí khi đi phà thuộc quốc lộ được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, do Trung ương quản lý:
1. Xe cứu thương, bao gồm cả các loại xe khác đang chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu; 2. Xe cứu hỏa;
3. Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa;
4. Xe hộ đê; xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão;
5. Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh, bao gồm: xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân;
6. Xe, đoàn xe đưa tang;
7. Đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường; 8. Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh;
9. Thương binh, bệnh binh, học sinh, trẻ em dưới 10 tuổi (bao gồm cả trường hợp đi xe đạp). Khi sử dụng dịch vụ phà trong trường hợp này phải xuất trình giấy tờ (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) cần thiết như: thẻ thương binh, bệnh binh hoặc giấy chứng nhận đối với thương binh, bệnh binh; thẻ học sinh hoặc giấy chứng nhận của nhà trường đối với học sinh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.