Đón Tết trên biển...

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 22/01/2023 07:14

Do đặc thù công việc, thủy thủ đoàn trên tàu VS59 thường phải ứng trực trên biển, sẵn sàng lên đường đến với các hải đăng, trạm luồng cho dù đó là ngày lễ, Tết…

Chiều một ngày cuối năm, trong cái se lạnh của mùa đông, anh Trần Quốc Thịnh, thợ máy thuộc biên chế tàu VS59 (tàu tiếp tế và chuyên dụng thay thả phao, Xí nghiệp Bảo đảm An toàn hàng hải Đông Bắc Bộ, Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Bắc) cho hay, anh vào ngành 27 năm thì có hơn chục năm theo tàu tiếp tế vật tư, nhu yếu phẩm phục vụ duy trì hoạt động của hàng chục trạm hải đăng, trạm luồng cũng như hàng trăm người lao động ở những nơi đó.

Đón Tết trên biển…

 - Ảnh 1.

Anh Trần Quốc Thịnh dưới khoang máy tàu VS59

Đặc thù công việc nên những chuyến tàu cứ ngược xuôi khắp vùng Đông Bắc Bộ. Khi thì ra Long Châu, lúc lại về Hạ Mai, Vĩnh Thực hay xa hơn là Bạch Long Vỹ.

"Nhớ nhất là Tết năm 2020. Khi đó Covid-19 còn phức tạp. Mọi tiếp xúc với người trên bờ đều hạn chế tối đa hoặc phải giữ khoảng cách, tuân thủ các quy định phòng dịch chặt chẽ nhất. Bởi chẳng may mình lây bệnh, sau đó ra đảo lây cho anh em đang canh giữ, duy trì hải đăng thì nguy to, lấy ai làm nhiệm vụ", anh Thịnh nhớ lại.

"Dù là trên tàu nhưng ngày Tết cũng có giò, thịt gà, bánh chưng, quà Tết của Xí nghiệp. Nhưng năm đó, anh em gần như phải cách ly với trên bờ, cứ lênh đênh mấy ngày Tết trên tàu VS59 nên càng nhớ nhà, nhớ người thân. Anh em làm việc trên tàu tiếp tế, nhưng có những lúc lại cần… tiếp tế", anh Thịnh cười.

Có những chuyến tàu đến trạm đèn (hải đăng) hoặc trạm luồng khi đã về đêm (trong ảnh: vận chuyển vật tư, thiết bị từ tàu tiếp tế và chuyên dụng thay thả phao VS59 cung cấp cho trạm luồng Vạn Gia)

Anh Thịnh nhớ kỷ niệm Tết năm 2014, khi đó anh còn đang công tác ở đảo Hòn Dáu, làm nhiệm vụ đưa đón công nhân và khách tham quan. Ngày 30 Tết, trước khi đi làm, anh hứa với con gái là tối sẽ đưa con đi xem bắn pháo hoa. Thế nhưng, một sự cố phao đứt ở Hòn Dáu bất ngờ xảy ra khiến anh và các anh em phải tức tốc khắc phục. Khi về đến nhà, kịp cho con gái đi xem bắn pháo hoa khi đồng hồ gần điểm 24h, chuẩn bị Giao thừa.

Đón Tết trên biển…

 - Ảnh 3.

Phút thảnh thơi của Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Tiệp

Đi theo những con tàu tiếp tế và chuyên dụng thay thả phao từ năm 1992, đến nay anh Nguyễn Hữu Tiệp, Thuyền trưởng tàu VS59 cũng không nhớ rõ đã đón bao nhiêu cái Tết trên biển. "Những lần đầu có cảm giác hụt hẫng, nhớ gia đình nhưng bây giờ thì quen rồi. Mình còn phải làm công tác tư tưởng, động viên cho những anh em trẻ mới theo tàu nữa chứ".

"Có năm đón Giao thừa trên biển, anh em ra giữa biển, giật mấy quả pháo hoa, bấm nhiều hồi còi. Người ta đốt pháo thì mình bấm còi. Mà bấm còi giữa biển, chắc chả ai để ý đâu nhỉ", người thuyền trưởng sinh năm 1970 cười chia sẻ.

Đón Tết trên biển…

 - Ảnh 4.

Thuyền phó Phạm Đức Ngọc bảo rằng, con cái khó theo nghề bố vì "có đứa nào thích đi tàu đâu"

Cũng có gần 25 năm công tác trong ngành bảo đảm hàng hải, anh Phạm Đức Ngọc, Thuyền phó, sỹ quan hạng 3 kể: "Có những lúc vừa cúng bái, vừa kiểm tra luồng. Chục năm nay chưa được về Tết. Có năm mùng 2, 3 tranh thủ về nhà thì hết Tết rồi", anh Ngọc cười và cho biết bố của anh trước cũng công tác trong ngành bảo đảm hàng hải.

"Nhưng đến đời anh chắc thôi, con cái giờ có đứa nào thích đi tàu đâu", anh cười nói.

Đón Tết trên biển…

 - Ảnh 5.

Chàng thủy thủ trẻ Phạm Hồng Phi chuẩn bị bữa cơm chiều

Chính những người như anh Tiệp, anh Ngọc, anh Phi đang là chỗ dựa, nguồn động viên để những thủy thủ trẻ như Phạm Hồng Phi (SN 1994) bớt đi cảm giác nhớ nhà, người thân.

"Định biên tàu VS59 là 8 người. Con tàu như là ngôi nhà thứ hai của anh em, mọi người cùng gắn bó và động viên nhau vượt qua khó khăn, nỗi niềm riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ", Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Tiệp chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận