Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Palm Beach, Florida, ngày 13/04/2017 - REUTERS/Yuri Gripas |
Khi ra lệnh tấn công Syria sau vụ tố chính quyền Syria sử dụng vũ khí hoá học nhắm vào người dân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh dấu sự khác biệt với người tiền nhiệm Obama, RFI bình luận.
“Liệu Donald Trump thật sự muốn chiến tranh?”: Câu hỏi được tuần báo Le Point đặt ra trong số 2326 (13/4/2017), cùng với bài phân tích một số điểm thay đổi bất ngờ của tổng thống Mỹ Donald Trump từ khi ông nhậm chức.
Thông tin tấn công Syria được đích thân ông Donald Trump thông báo cho vị khách mời đặc biệt là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lúc đó đang thưởng thức món tráng miệng “bánh sôcôla ngon nhất mà chị (phóng viên của Fox Business) chưa từng thấy bao giờ”.
59 tên lửa hành trình được phóng từ hai tầu khu trục nhắm vào Syria. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bất động khoảng 10 giây, sau đó yêu cầu người phiên dịch nhắc lại. Ông Tập hiểu đó là một ngụ ý cảnh báo: Mục tiêu tiếp theo có thể là Triều Tiên.
Là người luôn phản đối mọi can thiệp vào Syria và dường như dửng dưng với số phận của Bachar Al Assad, tổng thống Trump bỗng nhiên quay ngoắt 180 độ. Từ một người theo chủ nghĩa biệt lập, không muốn là “sen đầm” của cả thế giới, ông trở thành người theo khuynh hướng can thiệp.
Thường xuyên chỉ trích NATO và các đồng minh châu Âu, ông lại trở nên ôn hòa hơn từ khi vào Nhà Trắng. Danh sách các “đe dọa” của ông Trump còn dài, như hồ sơ hạt nhân Iran, chuyển trụ sở sứ quán Mỹ tại Jerusalem, rời khỏi thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ Alena… thế nhưng, ông vẫn chưa làm gì cả.
Theo nhận xét của Philip Gordon, cựu cố vấn trong chính quyền Obama, “cách hành động của ông Trump cho thấy ý định công bố bất kỳ quan điểm nào, miễn là phù hợp với thời điểm đó và phục vụ lợi ích chặt chẽ của ông trong ngắn hạn, nên ông ấy không cảm thấy chút đắn đo khi đổi ý”.
Tuần báo Le Point cho rằng ông Donald Trump từng “phá” các quy ước hay nghi thức ngoại giao. Ông không đọc báo cáo của quan chức ngoại giao, nên liên tục mắc sai lầm với các đồng minh, như cúp ngang điện thoại với thủ tướng Úc, không bắt tay thủ tướng Đức trước các nhà báo…
Trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, ứng cử viên Trump hứa làm cuộc cách mạng đối với chính sách đối ngoại. Nhưng khi đặt chân vào Phòng Bầu Dục, ông phải dàn xếp theo thực tế.
Ví dụ cụ thể là trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào tháng 12/2016, tổng thống tân cử lúc đó cho rằng phải xem lại chính sách một nước Trung Hoa duy nhất. Ngay lập tức, ông Tập Cận Bình tức giận và từ chối nói chuyện.
Cuối cùng, Nhà Trắng phải ra thông cáo chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh. Tương tự với Nga, chính quyền tổng thống Trump buộc phải giữ khoảng cách với điện Kremlin vì những cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Cuộc tấn công Syria dội thêm gáo nước lạnh vào quan hệ Washington và Moscow.
Dù sao, theo Le Point, chính sách đối ngoại của Donald Trump dần phù hợp với quy ước hơn. Vị cố vấn dân tuý Stephen Bannon bị gạt khỏi Hội đồng An Ninh quốc gia. Tướng Micheal Flynn, người cực đoan nhất trong Hội đồng An Ninh quốc gia, bị thay thế bằng tướng Herbert McMaster, người gần với đường lối truyền thống của đảng Cộng hòa và ủng hộ duy trì các quan hệ đồng minh và tự do mậu dịch…
Những thay đổi của tổng thống Mỹ khiến các nhà ngoại giao châu Âu an tâm hơn. Ông Donald Trump từng ủng hộ Brexit, nghi ngờ Liên Hiệp Châu Âu, nhưng dưới sự ảnh hưởng của cố vấn Bannon. Dường như sự nghi kị bớt dần đi vì thủ tướng Đức Angela Merkel cũng như nhiều lãnh đạo châu Âu khác đã bỏ khá nhiều thời gian để ca ngợi với tổng thống Mỹ những giá trị của Liên Hiệp Châu Âu.
Tuy nhiên, cảm giác không chắc chắn vẫn còn đó. Tổng thống Mỹ sẽ giải quyết loạt khủng hoảng sắp diễn ra như thế nào, mà bắt đầu từ Bình Nhưỡng? Vẫn giữ bản chất khoa trương, ông nói với Financial Times: “Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, chúng ta sẽ làm”. Nhưng làm như thế nào, thì ông lại không đưa ra bình luận.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.